5 giờ sáng, tiếng chổi tre xào xạc phá tan màn đêm tĩnh lặng. Nhiều người tóc hoa râm trong bộ áo cà sa lặng lẽ chắp tay ở chánh điện. Họ không phải nhà sư, mà là những cư sĩ lớn tuổi, chọn sống những năm cuối đời trong một ngôi chùa, thay vì một cơ sở chăm sóc người già truyền thống.
Giữa thời điểm dân số già đi nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm và sự xuất hiện của gia đình hạt nhân (chỉ có vợ chồng và con cái), Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chăm sóc người cao tuổi. Một số gia đình gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, nhưng số khác không làm như vậy vì sợ bị cho là bất hiếu.
Song việc chăm sóc cha mẹ lớn tuổi tại nhà vô cùng phức tạp, nhất là khi họ có nhiều bệnh nền. Từ thực tế đó, chăm sóc người già tại chùa là một cách thay thế. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 53 ngôi chùa cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, tập trung ở các tỉnh phía đông Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến. Mỗi ngôi chùa có từ 30 đến 500 cụ.
Các ngôi chùa Phật giáo có lịch sử lâu đời về hoạt động từ thiện và được chính phủ trợ cấp, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí điện, nước... Đáp lại điều này, một số chùa đã chọn thành lập viện dưỡng lão.
Hầu hết những người cao tuổi sống ở chùa đều là Phật tử tại gia, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, chùa Dasheng ở tỉnh Giang Tô thu nhận nhiều người già góa bụa và cô đơn mà không yêu cầu họ phải theo đạo Phật.
Khi vào chùa, họ thường mặc quần áo đơn giản màu xám, đen và nâu và ăn chay. Họ cũng thực hành đạo đức nhà Phật trong cuộc sống hàng ngày. Các ngôi chùa rất chú trọng đến việc tự chăm sóc bản thân, giúp họ bớt đi cảm giác là gánh nặng. Mặc dù các chùa thường cho phép tình nguyện viên đến, những người cao tuổi hiếm khi cần giúp đỡ, một phần vì chăm sóc bản thân là một cách để tích đức.
Sợ chết là một mối quan tâm phổ biến khác của những người lớn tuổi. Mặc dù y học hiện đại có thể xoa dịu nỗi đau thể xác, không dễ xua tan nỗi sợ hãi và lo lắng xung quanh cái chết. Nhưng khi vào chùa, nỗi sợ cái chết được hóa giải khi nhà Phật đưa ra nhiều câu trả lời khuyến khích sự tu dưỡng bản thân và chánh niệm.
Dịch vụ chăm sóc người già tại chùa không phải để thay thế các viện dưỡng lão truyền thống. Tuy nhiên, nó cung cấp một lăng kính để xem xét lại các mối quan hệ giữa người già, xã hội và gia đình.
Nguồn: Báo VnExpress