04/06/2024

Học theo hạnh của chư Phật và Bồ-tát

Nếu chúng ta nhìn kỹ lại thấy các Đức Phật đều có hạnh nguyện giống nhau là thành Phật để cứu độ chúng sanh. Vì thế, chúng ta là Phật tử noi gương của các Đức Phật, ta cũng nguyện nỗ lực tu để thành Phật rồi cứu độ chúng sanh, thì nhớ một điều là thành Phật mới cứu độ chúng sanh được. Nhưng chưa thành Phật mà muốn cứu độ chúng sanh là việc rất khó.

Cho nên khi tôi còn trẻ đọc kinh Đại thừa cũng có ý nghĩ muốn cứu độ chúng sanh mà quên rằng thành Phật rồi mới cứu độ chúng sanh được, vì mình chưa cứu được mình thì mình không thể cứu người khác. Hòa thượng Trí Tịnh nhắc tôi ý này rằng thầy thương chúng sanh là tốt, nhưng cứu chúng sanh là việc vô cùng quan trọng. Vì phải biết được chúng sanh mới cứu chúng sanh được. Còn mình không biết chúng sanh thì không thể cứu được, mà đôi khi còn hại mình nữa.

Tất cả các Đức Phật đều dạy giống nhau là phải trở lại thực tế, thấy được thực tế của mình và từ thực tế đó mà phát triển đi lên thì chư Phật, Bồ-tát mới hộ niệm cho mình được. Còn không thấy thực tế mà đòi hỏi của mình quá nhiều, không thể đáp ứng được. Chư Phật nói họ được cái này thì muốn được cái lớn hơn, rồi muốn cái lớn hơn nữa, thì không thể giải quyết cái lòng tham không đáy ấy.

Biết chúng sanh là biết rõ tánh của họ, nghiệp của họ, ham muốn của họ, năng lực của họ… Vì vậy, muốn cứu một người, độ một người, giúp một người, phải quan sát cho kỹ những điều này. Không biết mà làm, kết quả không bao giờ tốt được. Điển hình như ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh, bị nhiều nạn vì ngài không nhận ra được yêu quái, không biết cái nghiệp của chúng sanh thì sao cứu được. Cho nên, muốn cứu chúng sanh phải thấy cái nghiệp của họ, giải cái nghiệp cho họ. Các Đức Phật đều giống nhau ở việc làm này. Đức Phật Dược Sư cũng vậy, Ngài thấy chúng sanh ở thế giới Ta-bà đầy khổ đau vì họ quá nhiều ham muốn vượt ngoài khả năng của họ. Ham muốn trong khả năng mình còn có thể giải quyết được.

Tất cả các Đức Phật đều dạy giống nhau là phải trở lại thực tế, thấy được thực tế của mình và từ thực tế đó mà phát triển đi lên thì chư Phật, Bồ-tát mới hộ niệm cho mình được. Còn không thấy thực tế mà đòi hỏi của mình quá nhiều, không thể đáp ứng được. Chư Phật nói họ được cái này thì muốn được cái lớn hơn, rồi muốn cái lớn hơn nữa, thì không thể giải quyết cái lòng tham không đáy ấy.

Mình là con người, họ cũng là con người, chắc chắn mình nói họ không nghe. Mình phải tu thành Phật thì nói họ mới nghe. Cho nên Đức Phật Dược Sư cũng như Đức Phật Thích-ca phải nguyện thành Phật mới độ chúng sanh được. Ngày nay, muốn thành Phật, phải đi theo quá trình tu hành theo Phật dạy. Thềm thang thứ nhất phải bước lên rồi mới lên tiếp thềm thang thứ hai, thứ ba…

Điều thứ nhất, mình phải là con người tốt trước, rồi mới nói chuyện khác. Con người chưa tốt chưa thể nói đến là Phật, là Bồ-tát, là tiên. Đức Phật dạy con người tốt phải có tam quy ngũ giới và làm người tốt được, đời đời sanh lại làm người, không bị đọa xuống nữa. Còn lòng tham của mình trên năng lực thì đọa xuống. Thực tế như một người giàu có quá tham, làm sai trái, mất hết tài sản thì đọa xuống thành người nghèo. Lòng tham đưa người ta đi xuống, chứ không bao giờ đi lên. Cho nên tròn nhân cách con người thì không bao giờ đi xuống nữa. Người này sống với cái mình có, không sống với cái của người khác.

Vì vậy, Phật khuyên Phật tử tốt hưởng những gì mình làm, không hưởng của người khác làm. Cho nên Tam quy Ngũ giới là chính, vì quy y Phật là sáng suốt thì mình phải sáng suốt trước, phải nhận thức đúng đắn rằng vật này có phải của mình không, những gì không phải của mình thì mình không nhận. Còn tham bị mờ mắt, thấy của là ham thì dễ chết lắm.

Người Phật tử tốt không tham, cái gì không phải của mình thì không nhận, sống với cái của mình có, hay sống dưới cái của mình có sẽ được hạnh phúc. Phật tử phải bước lên được bậc thang thứ nhất này, lần lần mới đi lên. Vì vậy, người tu Pháp hoa, Phật dạy thệ nguyện an lạc, thấy người mình thương, nhưng mình để đó, chờ khi nào có điều kiện giúp được, mình giúp. Hay nói xa hơn, khi nào mình thành Phật, mình giúp. Còn mình chưa biết giúp được hay không mà mình cố gắng lo giúp thì hỏng.

Tâm trí mình sáng nhờ quy y Phật, nhìn thấy một sự việc ở nhiều mặt của cuộc sống mới có thể trở thành người tốt. Thí dụ, ra đường thấy người ta bỏ quên túi vàng hay túi bạc. Người tham biết vật bỏ rơi không phải của mình mà vẫn lấy vì nghĩ rằng họ không ăn cắp, họ chỉ tình cờ nhặt được thôi. Người tham nhiều nhất biết vật không phải của mình, nhưng tìm cách gạt người để lấy. Trong khi người tốt thấy vật không phải của mình thì không lấy, hơn thế nữa, họ nghĩ người đánh rơi mất của này sẽ khổ biết dường nào, nên họ khởi tâm thương và tìm người mất của để trả lại.

Tôi nhớ lại khoảng năm mươi năm về trước, ở Nhật, tôi đưa các Phật tử ra phi trường về nước, một người đến nói với tôi rằng họ bỏ quên túi tiền tại khách sạn. Tôi điện thoại về khách sạn, anh quản lý cho biết người dọn phòng đã giao túi bạc cho ban giám đốc. Ông trở về khách sạn nhận lại, hay cho biết ở đâu, họ đem đến trả.

Người Phật tử tốt không tham, cái gì không phải của mình thì không nhận, sống với cái của mình có, hay sống dưới cái của mình có sẽ được hạnh phúc. Phật tử phải bước lên được bậc thang thứ nhất này, lần lần mới đi lên. Vì vậy, người tu Pháp hoa, Phật dạy thệ nguyện an lạc, thấy người mình thương, nhưng mình để đó, chờ khi nào có điều kiện giúp được, mình giúp. Hay nói xa hơn, khi nào mình thành Phật, mình giúp. Còn mình chưa biết giúp được hay không mà mình cố gắng lo giúp thì hỏng.

Thể hiện ý này, Phật Dược Sư thấy cảnh khổ của chúng sanh Ta-bà, Ngài phát mười hai đại nguyện, khi Ngài thành Vô thượng Chánh đẳng giác rồi, Ngài mới làm những việc này. Thành Vô thượng Chánh đẳng giác là thấy biết rõ tất cả mọi việc thì mới làm; không biết mà làm phần nhiều kết quả ít bao giờ tốt, mà dễ thoái chuyển lắm. Chư Phật và chư vị Bồ-tát làm ngược lại mình, nghĩa là cái tốt, cái biết thì các Ngài giấu đi, nhưng thấy gì làm được, các Ngài mới làm.

Và Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi rằng biết rõ rồi nhưng còn phải biết thêm có nên nói hay không và nên nói với ai, vì có việc tuy đúng, nhưng nói ra có hại và không phải ai cũng đem nói. Vì vậy, trên bước đường giáo hóa độ sanh, điều nên nói với vua chúa thì gặp vua chúa, Đức Phật mới nói, có điều Phật chỉ nói với chư thiên, hoặc Ngài chỉ nói cho người cùng khổ thôi. Vì Phật dạy rằng những gì Ngài nói là chân lý không thể nói tràn lan. Tất cả pháp Phật là phương tiện, Phật phải tìm phương tiện nào thích hợp, tạo được kết quả để nói. Ở hoàn cảnh đó, con người đó, họ làm được gì, Phật chỉ dạy họ pháp tương ưng giúp họ có được cuộc sống an vui.

Phật là đấng Vô thượng Bồ-đề, Ngài biết rõ tất cả mọi người trên cuộc đời này. Phật chỉ dạy từng người có duyên để họ thăng hoa và với người không có duyên, Phật cũng biết cách độ họ như thế nào cho họ sống thiện lành.

Tu học theo Phật, thấy chư Phật đều phát nguyện hành Bồ-tát đạo để thành Phật, mình cũng sẽ làm như các Ngài. Nhưng bây giờ, việc trước mắt, phải tập làm người tốt trước, làm theo Phật dạy để trí tuệ mình mở mang, thấy đúng, không phạm sai lầm ở trên cuộc đời này thì mình trở thành người tốt thực sự, đó là bước thứ nhất mình đi.

Và được bước một, qua bước hai, mình làm người tốt rồi, nâng lên mình làm chư thiên ở trong loài người gọi là người cao quý. Muốn làm người cao quý, mình phải cứu đời, giúp người. Đức Phật dạy trong kinh Thập thiện rằng làm chư thiên phải có mười điều lành, tức là trên con người một bước, người mà được mọi người kính trọng.

Tập làm chư thiên là thân không có ba điều ác, miệng không có bốn điều ác và ý không có ba điều ác. Chư thiên không quan trọng cuộc sống này, vì họ có rất đầy đủ. Quan trọng nhất của chư thiên là không tham, sân, si, tức không tham ăn uống, không bực tức và nhìn sự vật sáng suốt, cho nên chư thiên sáng hơn con người. Vì vậy, trong loài người, người nào thông minh nhất thì người đó hơn người gọi là nhà hiền triết có hiểu biết hơn người.

Điều thứ hai, tâm họ không tham, không ham muốn, nên tâm họ luôn an lạc. Họ không bực tức, nếu người khác cố ý hay vô tình xúc phạm họ, họ vẫn thấy bình thường thì người đó đáng kính trọng chứ. Phật tử muốn tập không bực tức, thử sống với người hay gây chuyện. Tôi thường tập pháp tu này. Khi họ gây nhiều quá, mình chịu không nổi thì mình ẩn tu, không tiếp xúc với ai, tránh đụng chạm. Nhưng tránh một thời gian rồi, không biết mình còn bực tức hay không, cho nên mình bước chân vào cuộc đời để xem phản ứng, thái độ của mình thế nào. Nếu gặp hoàn cảnh ngang trái nhưng mình thanh thản được là mình thành công.

Ẩn tu không có tham, sân, si thì dễ rồi. Nhưng bước chân vào cuộc đời để thử coi thứ nhất là mình còn si mê hay không, hay là mình sáng suốt. Thấy rõ sự vật là sáng suốt. Điều này rất quan trọng, trên bước đường tu, vì si mê là chết. Mình sống lâu trong chùa với Phật, Bồ-tát quen rồi, sống với người tốt quen rồi, đôi khi nhìn không chính xác, bấy giờ mình bước ra cuộc đời, nếu mình thấy không đủ sáng suốt mà khởi lên ý tham là đi vào con đường chết. Cho nên, mình phải hoàn toàn trong sạch, thật tu hành thì Phật, Bồ-tát mới giúp mình được. Chứ mình còn tham, chắc chắn mình sẽ gặp kẻ tham lam nhiều hơn, mình không thể gặp Phật, Bồ-tát đâu. Có chút xíu hiểu biết thì nhận ra được điều này để mình không bị sập bẫy.

Gạn được hết tham, sân, si rồi, mình cách ly với ma quỷ, nên nó tới, mình nhận ra được, không bị mắc lừa. Và khi mình chưa nhận ra được, thì Phật, Bồ-tát cũng hộ niệm để mình nhận ra được thì tự nhiên khiến mình nghĩ trong cái tốt của nó, coi chừng ẩn chứa cái xấu và quả tình đúng như vậy. Đó là Phật hộ niệm cho mình có được thấy biết chính xác như vậy. Cho nên Phật khuyên mình tu hành, trí tuệ đứng đầu.

Nguyện thứ hai của Đức Phật Dược Sư là đạo đức. Đạo đức của người tốt trên cuộc đời này là mình không lừa dối ai, không gây khó khăn cho ai, nhưng cũng không để cho ai lừa dối mình. Nhưng nâng lên làm trời, mình mới nghĩ tới giúp đỡ người chung quanh. Và mình có khả năng giúp người là giúp ngặt, tức ai trong cuộc đời cũng có hoàn cảnh khó khăn nhất định nào đó, mà lúc ngặt nghèo đó, mình dang tay giúp đỡ họ thì họ mang ơn.

Phải quan sát kỹ người rơi vào hoàn cảnh khó khăn quá, mình nên giúp để họ thoát khổ. Còn người mà mình giúp, họ cũng không lên được thì thôi. Giúp là chắp gối cho họ đứng dậy, không phải để họ trở thành con nợ, đến lúc nào mình không giúp, họ phản mình, chống mình. Giúp để họ làm tốt hơn. Thí dụ em học trò giỏi, nhưng nghèo không có tiền đóng học phí, mua sách vở, mình giúp em trang trải chi phí này và khuyên em ráng học để nên người. Còn mình giúp người hư hỏng, người xấu, càng giúp nó càng đi xuống. Không giúp nếu biết họ giả dạng thầy tu hay ăn mày để lợi dụng lòng tốt của mọi người, nếu giúp họ mình trở thành quyến thuộc của người xấu thì cuộc đời mình cũng đi xuống. Tu hành phải nhận ra điều này.

Hoặc đối với người hung dữ mắng chửi mình, nhưng mình tập vui vẻ được. Vì theo Phật, mình thấy biết rõ họ là người tham lam, hung dữ thì họ phải có thái độ, lời nói như vậy. Nhưng mình không biết họ hung dữ, tham lam mà kết bạn với họ, lâu ngày mình cũng tham lam, hung dữ giống như họ, mình bị đọa. Biết người tham lam, hung dữ, dối trá, mình tránh, không gần. Kết bạn với người tốt, người hiền để học được điều tốt. Như vậy, lần lần mãn duyên phàm, mình mới lên tiên được và trong sạch hơn nữa “Hoặc về cõi Phật, ngự đài sen”. Đó là mục tiêu phấn đấu để mình đi lên.

Mình lên được chư thiên thì không buồn, không giận. Theo tôi, người nào tu được bốn pháp là không buồn, không giận, không lo, không sợ, bảo đảm xả thân này được lên trời. Còn buồn giận lo sợ thì còn ở lại thế gian này. Không buồn giận lo sợ, ai nói gì, làm gì, không dính líu tới mình, chuyện này của thiên hạ, không phải của mình, mình khác rồi.

Thấy biết người xấu, nên mình không ở trong thế giới đó. Nếu mình còn ở trong thế giới đó thì mình còn thích và ghét, mình thích thì đọa sớm, ghét thì sau cũng đọa. Thí dụ mình thích người cờ bạc thì kết bạn với họ và mình sẽ đi vào sòng bạc. Còn mình ghét người cờ bạc là mình đem cái cờ bạc vào trong lòng rồi, thì tới một lúc nào đó, mình cũng sẽ cờ bạc. Cho nên nhớ là không thích, không ghét. Muốn làm chư thiên trên con người thì mình không thích cũng không ghét là mình không quan tâm.

Mình chỉ quan tâm tới Phật và Bồ-tát, coi Phật, Bồ-tát làm gì để mình làm theo. Tôi thường quan niệm đường còn xa, là từ đây đến Vô thượng Chánh đẳng giác còn xa lắm, và việc còn nhiều là việc của Bồ-tát phải hoàn tất trọn vẹn mới thành Phật được. Phải ráng đi càng nhanh càng tốt. Ở lại đây đôi co với người ác, người dữ thì ma chướng này giữ chân mình lại, bao giờ mình mới tới mục tiêu.

Tôi để ý thấy những người hay đôi co, phải trái thì giậm chân tại chỗ, hay thoái lui. Còn những người một mạch đi tới thì đạt được mục tiêu. Cho nên Phật khuyên người tu như con tê giác một sừng, cứ thẳng phía trước mà đi, đừng để kẹt hai bên.

Trên bước đường tu, mình qua được bước thứ hai là chư thiên rồi thì mình đầy đủ phước báu, không ham muốn bất cứ cái gì. Nhưng Phật nói hễ mình nghĩ cái gì thì cái đó có. Chư thiên có cái đặc biệt đó, hễ nghĩ lầu các thì có lầu các, nghĩ món ăn có món ăn, tất cả đều theo ý muốn của họ. Vì chư thiên không có thân tứ đại, thân của họ là biến hóa thân, nên tất cả mọi việc của chư thiên tùy theo nguyện của họ mà hiện ra.

Khi quý vị chưa có thân chư thiên, nhưng sống đời ma quỷ thì cũng nhận ra điều này. Vì ở trong thế giới không có thân vật chất, mình không còn kẹt ba việc ăn mặc ở. Tuy nhiên, khi chết không còn thân vật chất, nhưng còn cái nghiệp thì phải khổ với nghiệp. Nếu mình xả được nghiệp rồi, thân sẽ được tự tại. Còn thân người, không ăn thì đói. Nhưng ma quỷ không kẹt bốn tướng đói, khát, nóng, lạnh, chỉ còn cái tưởng của họ thôi, thí dụ họ tưởng thức ăn ngon nhưng không có thức ăn ngon làm họ đói khổ. Chư thiên cao hơn một bước, vì không còn nghiệp tham, sân, si, nhưng sống với phước báu, nên tưởng gì có đó, không phải bị vọng tưởng dày vò khổ đau như ma quỷ.

Là chư thiên có phước rồi, trở lại làm người phát tâm tu theo Phật, bắt đầu tu Thanh văn thừa. Và quả vị đầu tiên mà người xuất gia đạt được là Tu-đà-hoàn, tiến tu lên Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Qua được bước đầu của Thanh văn thừa, hành giả đã bước chân vào dòng Thánh, nên cuộc sống rất tự tại, không lệ thuộc đời sống vật chất và tình cảm, tâm họ rất an vui gọi là Ly sanh hỷ lạc, tức họ ở trong loài người nhưng tâm an trụ trong Phật pháp.

Tôi hay thực tập pháp này, sống trong Phật pháp là đọc kinh, suy nghĩ kinh, sống với kinh nhiều hơn, không sống với cuộc đời, nên mình không lệ thuộc cuộc đời thì mình không phải tốn kém gì hết. Vì cuộc đời này luôn luôn có sự thù tạc với nhau, đối đãi qua lại với nhau, nên phiền phức nhiều hơn. Cho nên tôi thích sống với kinh sách hơn, mình muốn đọc bao nhiêu kinh thì đọc, muốn nghĩ đến vị Bồ-tát nào thì mình cứ nghĩ. Điều này hoàn toàn tự do, không ai gây khó khăn cho mình được. Còn mình tiếp xúc với người thì người muốn cách này, người muốn cách kia, vừa lòng người này thì mất lòng người khác, phiền lắm.

Đối với các vị Bồ-tát, mình nghĩ Bồ-tát nào thì giữa Ngài và mình có sự giao cảm khiến mình nhận được sự trợ giúp của vị này. Vì thế, khi tụng kinh Pháp hoa, tự nhiên tôi nghĩ tới Dược Vương Bồ-tát liền tự nhiên tôi cảm thấy khỏe ra, không cần thuốc men, ăn uống, diệu kỳ vậy đó. Mình nghĩ đến vị Bồ-tát này và cũng nghĩ đến việc làm của Ngài thì Ngài sẽ giúp mình có cách giải quyết việc làm của mình theo Ngài.

Dược Vương Bồ-tát được Phật Dược Sư mời Ngài làm trợ lý, vì Ngài có điều đặc biệt thể hiện qua tôn danh của Ngài là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ-tát, nghĩa là ai cũng muốn thấy Ngài. Như vậy, trên bước đường tu của mình mà nghĩ Dược Vương Bồ-tát là con người mà ai cũng muốn thấy và mình cũng muốn thấy, cũng muốn tập làm theo con người đó. Tại sao ai cũng muốn thấy Dược Vương? Vì Ngài giải quyết được mọi việc khó khăn cho người.

Vì vậy, học theo hạnh của Dược Vương Bồ-tát, người cần gì mình làm được, mình sẵn lòng giúp, vì có làm được cho người, họ mới thương quý mình, còn ăn hại thì ai muốn gặp làm gì. Lúc còn trẻ, ở Phật học đường Nam Việt, các bà nhà bếp thương tôi, vì tôi làm theo hạnh Dược Vương. Ăn cơm xong, chén bát bỏ đầy, mấy bà ngán sợ rửa nhiều quá, tôi bỏ ngủ trưa, xuống bếp rửa bát. Việc này không phải của mình, nhưng thấy việc nhiều mà ít người làm, mình giúp họ.

Cho nên, về sau, tôi đi ngang, mấy bà thấy tôi là vui mừng, đó là ý nghĩa của Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến. Mình chịu cực một chút, việc dù nhỏ nhưng giúp họ, làm họ vui, thương mình. Còn bao nhiêu việc khác mà mình có thể làm cho người để gieo vào lòng người ý nghĩ tốt, sao không làm. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm mà tôi đã gặt hái được kết quả khi làm theo hạnh Dược Vương Bồ-tát. Còn người khác nói họ tụng kinh Pháp hoa cả đời mà không được gì, vì họ không làm như Bồ-tát thì làm sao có kết quả tốt.

Tóm lại, đọc kinh thấy Bồ-tát làm gì, mình phải tập làm theo việc đó là tu hạnh Bồ-tát. Tu như vậy, Phật dạy làm việc thiện lành từ việc nhỏ đến việc lớn và làm đầy đủ việc tốt cho đến ai thấy mình cũng thương quý là con đường đi đến thế giới Phật gần rồi đó. Trái lại, làm nhiều người ghét thì biết con đường mình đọa gần hơn. Muốn đi con đường của Phật, quý vị phát nguyện làm theo Phật, Bồ-tát và cố gắng thực hiện hạnh Phật, hạnh Bồ-tát trong cuộc sống của mình cho đến hoàn tất công hạnh Bồ-tát sẽ thành tựu quả vị Phật giống như Phật.

Cư sĩ Trí Quảng là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Để Chánh pháp trường tồn

Tin tiếp

Chùa Phú Quang: Mái nhà thiêng che chở trẻ bất hạnh