28/03/2024

Hà Nội: Ứng dụng quét mã QR Code quảng bá chùa Liên Phái

Hà Nội: Ứng dụng quét mã QR Code quảng bá chùa Liên Phái-0

Các đại biểu cắt băng khánh thành Công trình.

Đến dự lễ khánh thành có đại diện lãnh đạo Quận đoàn Hai Bà Trưng, đại diện chính quyền phường Cầu Dền, Chư tăng bản tự chùa Liên Phái có HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trụ trì chùa Liên Phái.

Nhằm truyền tải thông tin tuyên truyền, giới thiệu về di tích, Đoàn Thanh niên Phường đã thực hiện lắp đặt điểm quét mã QR trong khuôn viên của chùa Liên Phái.

Đoàn Thanh niên Phường đã phối hợp biên soạn nội dung, số hóa dữ liệu thông tin về chùa Liên Phái. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và thao tác quét mã QR đơn giản, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tra cứu được những thông tin đầy đủ, chi tiết về chùa Liên Phái một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Hà Nội: Ứng dụng quét mã QR Code quảng bá chùa Liên Phái-1

Các đại biểu quét mã qr code, hiện thông tin về chùa Liên Phái.

Việc gắn mã QR Code tại di tích Chùa Liên Phái đã góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa tại di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.

Được biết, lịch sử trước đây chùa Liên Phái là tư dinh của công tử Trịnh Thập (thế danh của thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733)) hiệu là Thượng sĩ Cao Thiền hay Cứu Sinh (con của Phổ Quang Vương Trịnh Bính) sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696) đời vua Lê Hy Tông tại Thanh Hóa, khi sinh trên trán Ngài có ấn hình chữ nhật.

Sinh thời, ông luôn hướng về Phật pháp. Một lần sai gia nhân đào khu đồi phía sau tư dinh (nay là vườn tháp sau chùa) để làm hồ nuôi cá vàng, thấy có một bông sen vàng, Ngài cho là điềm xuất gia, bèn cải gia vi tự (biến nhà thành chùa) và đặt tên là chùa Liên Hoa, rồi ăn chay quyết chi tham thiền học Phật.

Chùa Liên Phái là chốn Tổ của phái Liên Tông - một trong những dòng thiền xuất hiện ở nước ta đầu thời Hậu Lê (thế kỉ XVII-XVIII). Khuôn viên chùa còn lưu giữ Tháp của Hòa thượng Trịnh Thập. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của chùa Liên Phái là tòa tháp “Cửu phẩm” được đặt ở sân trước chùa.

Kiến trúc ở chùa là hệ thống cửa vòng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Cửa võng được bài trí suốt từ gian giữa tiền đường đến tận vì hậu của thượng điện, các kiến trúc này đều được làm công phu, tỉ mỉ với các kĩ thuật như chạm lộng, chạm thủng, các đề tài tứ linh tứ quí xen kẽ với hoa văn thực vật với tính nghệ thuật cao.

Chùa Liên Phái là một di tích lịch sử văn hóa thuộc thế kỷ XVIII của Phật giáo tương đối quý hiếm và đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp hạng trong đợt đầu tiên số 313/QĐ-BT ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa.

Cư sĩ Trí Tuệ là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra trong dịp Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại núi Bà Đen

Tin tiếp

Đà Nẵng: Tổng Lãnh sự quán Lào làm lễ Trai tăng đón Tết Lào Bunpimay 2567 - 2024