"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử khởi lên ý niệm, những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác…’.
Nếu Đức Thế Tôn xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ ta sẽ theo Ngài tu học phạm hạnh; còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này là chơn thật ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi.
Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:
- Ví như một người bị trúng tên độc; do bị trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng. Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay bằng tơ?
Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu đen, màu trắng, màu đỏ hay màu vàng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương Đông, phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’. Nhưng nó chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.
- Cũng vậy, nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng thế giới hữu thường…thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Nhưng người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Tiễn dụ, số 221 [trích, lược])
Đức Phật dạy cuộc sống luôn thay đổi
Lời bàn:
Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất. Sự khẩn cấp này còn được Thế Tôn dùng một hình ảnh khác, như người bị lửa cháy trên đầu, lan xuống toàn thân như một bó đuốc, nếu không nhanh chóng dập tắt thì cầm chắc cái chết.
Khi bị trúng tên độc, việc cần làm ngay là nhổ mũi tên ấy ra và chữa trị. Nếu cứ loay hoay về cung thủ, tên gì, ở đâu, nó sử dụng loại cung tên nào…thì sẽ chết trước khi được trả lời. Đức Phật gọi cách ứng xử này là thiếu trí tuệ, nói thẳng là ngu si.
Người thực sự có trí thì thấy rõ hiện thực cuộc sống là khổ (đau đớn khi bị trúng tên). Nguyên nhân chủ yếu là do tham ái và vô minh (mũi tên độc). Cần thực hành Bát chánh đạo (giới định tuệ) để giảm bớt và hết khổ (nhổ mũi tên ra và chữa trị). Nhờ chữa trị đúng và kịp thời nên thoát chết.
Người học Phật thì gần như ai cũng biết ví dụ mũi tên, thậm chí thuộc làu. Ai cũng biết không nhổ mũi tên ra ngay để chữa trị là rất nguy hiểm, thiếu trí. Nhưng bình tâm nhìn kỹ thì đa phần chúng ta cũng không khá hơn người bị trúng tên kia là mấy, chẳng chịu nhổ mũi tên ra.
Chúng ta cũng ít quan tâm đến siêu hình nhưng lại rất bận rộn để cứu nhân độ thế, hoằng pháp lợi sinh mà quên đi nỗi đau trúng tên của mình. Để rồi khi độc từ mũi tên thấm ra, trùng từ ngoài nhập vào, chúng ta đành chấp nhận buông xuôi ra đi với bao hoài bão.