22/01/2024

Tượng Phật cổ hàng nghìn năm tuổi bị du khách bôi màu xanh đỏ lem nhem

Một vụ việc đang khiến dư luận bất bình liên quan tới những pho tượng cổ được tạc vào vách đá bị khách du lịch bôi màu phá hoại, làm mất đi sự tôn kính, trang nghiêm. Vụ việc xảy ra tại huyện Giang Nam, tỉnh Tứ Xuyên.

Công trình cổ bị tô màu lem nhem (Ảnh: News).

"Những bức tượng bị phá hỏng khiến nhiều người muốn khóc. Để những công trình cổ hàng nghìn năm tuổi tồn tại tới ngày nay là điều không dễ dàng, vậy mà lại bị làm hỏng trong tích tắc", một tài khoản trên Weibo đăng tải dòng trạng thái kèm thêm các hình ảnh chụp ở hiện trường.

Từ hình ảnh được chia sẻ cho thấy những pho tượng cổ bị sơn màu sặc sỡ xanh đỏ. Chỉ duy nhất một vài bức tượng may mắn không bị phá hoại, giữ được màu sắc nguyên bản.

Quả báo của việc hủy hoại tượng Phật

Vụ việc đang khiến dư luận bất bình (Ảnh: News).

Sau đó, đại diện của cơ quan bảo vệ di tích văn hóa địa phương đã lên tiếng xác nhận vụ việc. Thông tin ban đầu cho biết, một cụ bà khoảng 70 tuổi trong huyện đã thuê một thợ quét sơn tới sơn màu lên các pho tượng để tỏ lòng thành kính.

Màu sắc nguyên bản của các pho tượng Phật cổ (Ảnh: News).

Hiện phòng văn hóa du lịch huyện Nam Giang đã phối hợp cùng Cục di tích văn hóa và trung tâm bảo tồn văn hóa địa phương, cử chuyên gia tới kiểm tra, phân tích mức độ tổn hại của các công trình cổ.

Đồng thời phía địa phương cũng cử cán bộ tới các thôn, xóm, phổ biến luật pháp và quy định với người cao tuổi.

"Rất may vụ việc được phát hiện sớm nên các chuyên gia đã tìm ra nguồn gốc của màu sơn. Trọng tâm hiện nay là xác định giải pháp kỹ thuật càng sớm càng tốt để sửa chữa", đại diện trung tâm bảo tồn văn hóa địa phương lên tiếng.

Được biết, nhân viên của cục di tích văn hóa đã tới các quầy bán sơn ở địa phương để tìm hiểu loại sơn bị phun lên công trình cổ. Sau đó, họ đã liên hệ với nhóm chuyên gia từ Viện khảo cổ học và bảo tàng Đại học Tứ Xuyên để phân tích chi tiết các thành phần sơn. Từ đó, nhóm chuyên gia tìm ra phương pháp phục hồi hiệu quả.

Theo các chuyên gia, công trình cổ có tuổi đời hàng nghìn năm. Tuy nhiên nơi này bị những tán cây cao rậm rạp che khuất nên mãi tới năm 2017 mới được một cán bộ địa phương vô tình phát hiện ra.

Các bức tượng nằm trên 2 tảng đá sa thạch cách nhau khoảng 20m. Sau đó, cơ quan bảo tồn văn hóa đã thực hiện các biện pháp bảo vệ, che phần đỉnh tượng bằng mái che và lắp đặt thiết bị giám sát.

Theo Dân Trí. 

Tin trước

Dân làng Trung Quốc sơn màu sặc sỡ lên bộ tượng Phật cổ quý hiếm

Tin tiếp

Giải mã về sự bí ẩn “cây ôm Phật” nghìn năm tuổi ở Trung Quốc