01/03/2024

Rằm tháng Giêng, không thể bỏ qua 3 trải nghiệm “made in Tây Ninh” đặc biệt này

Dâng đăng cầu may mắn cho năm mới trên đỉnh núi Bà 

Có câu “Lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngày Rằm tháng Giêng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Vào ngày này, người Việt thường đi lễ đền, chùa, để cầu mong những ước nguyện của mình sẽ thành sự thật.

Lễ dâng đăng trên núi Bà thu hút rất đông du khách, Phật tử

Tại núi Bà Đen - Tây Ninh, Rằm tháng Giêng hàng năm có hàng trăm nghìn người dân lên núi Bà để cầu tài lộc, sức khoẻ và may mắn cho năm mới. Đặc biệt dịp này, thành kính dâng đăng được xem là một nghi thức vô cùng thiêng liêng thu hút cả một biển người lên đỉnh núi để gửi gắm những ước nguyện đầu xuân qua những ngọn đăng. 

Được tổ chức quy mô lớn trong Rằm tháng Giêng năm nay, đại lễ dâng hoa đăng với các nghi thức thiêng liêng cầu năm mới bình an và tài lộc hứa hẹn sẽ là lễ dâng đăng lớn nhất trong dịp đầu xuân tại núi Bà.

Tại đây, mỗi du khách sẽ tự tay viết lời nguyện ước và thắp sáng ngọn đăng của mình, cùng hòa vào không khí trang nghiêm trong nghi thức truyền đăng, niệm Phật và thả đăng trên dòng nước tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Sau nghi thức, các ngọn đăng sẽ được hóa nguyện với mong muốn những lời nguyện ước sẽ thành hiện thực.

Cảm giác đắm chìm trong không gian của hàng trăm ngàn ngọn đăng lấp lánh tại quảng trường dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, chiêm bái Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới và xem show nhạc nước hiện đại kết hợp với màn trình diễn nghệ thuật đậm sắc màu văn hoá dân gian…, đó là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và độc đáo chỉ có ở núi Bà Đen.

Chiêm bái Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới là trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách trên núi Bà Đen

Rất nhiều du khách cũng chọn đến núi Bà Đen dịp này để tham dự Lễ hội truyền thống động Kim Quang vào ngày 14 tháng Giêng. Đây là dịp để người dân ôn lại lịch sử cách mạng vẻ vang của vùng đất, đồng thời tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc.

Đồng thời, đỉnh núi Bà Đen còn là điểm đến văn hoá độc đáo bậc nhất Nam bộ với rất nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật hấp dẫn mừng Xuân Di Lặc kéo dài trong suốt tháng Giêng. Những di sản văn hoá phi vật thể nổi tiếng như múa trống Chhay dăm, múa Khmer, nhạc ngũ âm… được tái hiện một cách sinh động, giữa không gian rực rỡ sắc xuân được tạo nên bởi cả một cánh đồng hoa tulip muôn sắc màu, tạo nên không khí xuân tưng bừng cho ngọn núi cao nhất Nam bộ.

Dự phiên chợ “độc nhất vô nhị”: Dùng lá thay tiền

Cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, phiên chợ lá ở thị xã Hòa Thành, Tây Ninh lại nhộn nhịp, thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc. Phiên chợ kỳ lạ ở chỗ, người đi chợ không dùng tiền mà dùng… lá cây để mua thức ăn, nước uống... Thế nên, người ta mới gọi phiên chợ này là "chợ tiên" hay "chợ lá".

Người dân dùng lá để mua đồ, cùng cầu mong sức khỏe, bình an và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Internet

Tại phiên chợ này, người mua háo hức khi mua được món đồ mình thích, trong khi người bán có gì bán nấy, cho đi cái mình có và nhận về lộc (lá cây) của người mua. Tất cả đều vui vẻ, rộn rã tiếng cười và cùng cầu mong cho nhau được sức khỏe, bình an và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. 

Phiên chợ thường bán các mặt hàng thực phẩm như chè, xôi, bánh tráng trộn, bánh bò, cháo, nước ngọt, nước mía… Một số người dân còn mang theo trái cây ở vườn nhà trồng đến bán nên chợ cũng trở nên hấp dẫn, đa dạng hơn. 

Do ý nghĩa nhân văn của phiên chợ nên nhiều năm gần đây, phiên chợ lá được nhân rộng ở khắp TX.Hòa Thành, TP.Tây Ninh để mọi người đều kịp họp chợ ít nhất một lần, lấy may trong năm mới.

Lễ Thượng Ngươn độc đáo tại Tòa thánh Cao Đài

Đến Tây Ninh, không thể không đặt chân tới Tòa Thánh. Đây là công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo, là cơ quan trung ương của Hội thánh Cao Đài.  

Tòa Thánh Cao Đài là tâm điểm của các sự kiện văn hóa – tôn giáo lớn tại Tây Ninh. Ảnh minh họa

Vào dịp Rằm tháng Giêng, du khách và các tín đồ sẽ dự Lễ Thượng Ngươn – là dịp đại khai ân xá của Đức Chí Tôn, được tổ chức hằng năm để cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ (9 thế hệ và 7 đời tổ trong dòng họ), các chiến sĩ trận vong và các đẳng linh hồn sớm được siêu thăng tịnh độ. 

Sau phần lễ đặc trưng của đạo Cao Đài, lễ Thượng Ngươn tổ chức phần hội vô cùng độc đáo với các tiết mục truyền thống như múa Long Mã, Ngọc Kỳ Lân, Nhạc Sắc Tộc thu hút hàng ngàn người tham gia.

Có thể nói, các hoạt động đặc sắc tại nội ô Toà Thánh, trên đỉnh núi Bà Đen và chợ lá tại thị xã Hoà Thành sẽ làm nên những trải nghiệm “made in Tây Ninh” vô cùng độc đáo mà du khách không thể tìm thấy ở một nơi nào khác.

Tin trước

TP.HCM: Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, thành viên Ban Quản trị tổ đình Từ Nghiêm viên tịch

Tin tiếp

Lễ dâng đăng đầu năm mới Giáp Thìn trên núi Bà Đen, Tây Ninh hút hàng trăm ngàn du khách tham dự