01/03/2024

Nhiều người trẻ Trung Quốc bỏ việc vào chùa

Một năm sau, cô từ bỏ tất cả để đến sống trong ngôi chùa ở miền đông Trung Quốc. Giống như nhiều người cùng trang lứa khác, Lu từng rất tham vọng và đã trăn trở suốt những năm đại học để nghĩ về nghề nghiệp của mình. Nhưng chỉ sau 12 tháng bắt đầu làm việc, cô tạm dừng và quyết định làm tình nguyện viên tại ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Lu là một trong ngày càng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc cảm thấy vỡ mộng hoặc kiệt sức, muốn tạm thời rút khỏi thị trường việc làm cạnh tranh cao để nghĩ lại về con đường của mình.

Yao Fenchen, 23 tuổi, tìm đến ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi thất nghiệp. (Ảnh: SCMP)

“Đại dịch không chỉ đảo lộn nền kinh tế, mà cả những giả định của chúng tôi về cuộc sống”, Lu, 25 tuổi, chia sẻ, và cho biết ý định ở lại chùa 1 năm.

Lu nói, kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người trong lứa tuổi của cô rất lo lắng. “Với tất cả những bất định đó, nhiều người chọn cách giữ chắc công việc ổn định. Nhưng cũng có những người như tôi muốn tạm dừng và nghĩ lại xem mình thực sự muốn gì trong cuộc sống”, Lu nói.

Cùng giống như Lu, là trường hợp của Tiểu Phương. 

Một cây bút, một ấm trà nóng cùng khoảng sân yên tĩnh cũng đủ để Tiểu Phương ngồi ghi chép kinh phật cả ngày.

So với những bộ phim cổ trang, điều khác biệt trong khung cảnh này là Tiểu Phương không có mái tóc bạc trắng. Cô cũng không phải tu sĩ mà là một thanh niên hiện đại đến chùa để nuôi dưỡng tinh thần - cách mà cô gái 25 tuổi nói về hành động của mình.

Những người trẻ tuổi tìm đến chùa để tịnh tâm như Tiểu Phương giờ không hiếm tại Trung Quốc. Để thoát khỏi những lo toan của công việc và học tập, họ muốn tìm kiếm những nơi yên tĩnh và thanh tịnh trong thành phố nhằm thư giãn, chữa lành và thiền định. Sao chép kinh phật tại chùa được coi là một trong những hình thức tự chữa lành mà nhiều thanh niên lựa chọn.

Tiểu Phương bắt đầu làm việc này và nghe Chú đại bi từ tháng 9. Cô ví rằng, bản thân như sắp trở thành một người tu hành Phật giáo.

Tiểu Phương vừa vào năm thứ hai cao học ngành nông nghiệp và phải thực hiện một số nghiên cứu theo yêu cầu của giảng viên. Cô rất lo lắng và đã không hoàn thành kế hoạch.

"Một buổi sáng tôi phát hiện toàn bộ cá trong bể đều chết một cách bí ẩn", cô nói. Đàn cá này nằm trong công trình thử nghiệm và nghiên cứu của Tiểu Phương.

Những ngày sau, cô tập trung hết sức khắc phục hậu quả. Tình cờ nghe Chú Đại Bi, Tiểu Phương thấy tinh thần được xoa dịu nên bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo và được quảng cáo việc chép kinh phật cũng có tác dụng tương tự. "Nó không chỉ giúp tĩnh tâm mà còn có thể luyện tập thêm thư pháp. Một công đôi việc, thật hoàn hảo", cô gái Bắc Kinh nói.

Theo Tiểu Phương, có những câu từ trong Kinh Phật rất khó hiểu nhưng chép đi chép lại thì lạ cũng thành quen. Cô thích cảm giác được dùng ngòi bút màu vàng tô lại những nét chữ sẵn có. Việc này mang lại cho cô sự yên bình tuyệt đối bởi dù làm việc nhưng không phải suy nghĩ nhiều.

Tin trước

Thầy tôi dạy thế giới Cực Lạc trong tôi

Tin tiếp

Ban TTTT T.Ư tiếp đoàn Đài Truyền hình KTS VTC về việc “phát ngôn của TS.Đoàn Hương”