18/03/2024

Huyền thoại xoài tiến vua tại chùa Đá Trắng ở Phú Yên

Chùa Từ Quang tọa lạc ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, nằm sát đường Quốc lộ 1, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 36km về phía Bắc. Xung quanh chùa là núi rừng thâm u cô tịch, từ dưới chân núi đi theo đường mòn lên chùa được xếp bằng những hòn đá tảng rất công phu, khéo léo. Lên tới chùa, người ta có cảm giác rũ bỏ sạch bụi trần, tâm hồn trở nên thư thái thanh tịnh như đang đi vào chốn bồng lai.

Chùa Từ Quang tọa lạc ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, nằm sát đường Quốc lộ 1, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 36km.

Chùa được xây dựng từ năm 1797, dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn, tọa lạc trên một triền đồi toàn đá trắng nên được gọi là chùa Bạch Thạch (chùa Đá Trắng). Chùa ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển với bốn phía có lưng dựa vào núi Xuân Đài, mặt trước nhìn ra sông Ngân Sơn và sông Nhân Mỹ.

Chùa Từ Quang được công nhận là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997.

Kiến trúc chùa Từ Quang được quy định bởi những quan niệm tư tưởng Phật giáo. Chùa xây dựng các hạng mục như: Bờ thành, cổng tam quan, vườn chùa, sân chùa, nhà chính điện nơi thờ phật với tổng diện tích đất khoảng 5.000m2, phía Tây chùa là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì ở chùa. Tổng cộng có 8 ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp khác nhau. Tất cả các ngôi mộ tháp ở đây đều được trang trí hoa văn, phù điêu và trang trí tượng thú rất phong phú và đầy tinh xảo.

Kiến trúc chùa Từ Quang được quy định bởi những quan niệm tư tưởng Phật giáo.

Ngoài ra, chùa còn có đại hồng chung nặng đến 330kg do hòa thượng Pháp Ngữ ra Huế đúc vào năm Duy Tân thứ 9 để đưa về Phú Yên. Đặc biệt, khi đến chùa, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình cổ kính, được ngắm nhìn và thưởng thức quả ngọt từ những cây xoài đặc biệt được công nhận là Cụm cây di sản Việt Nam.

Tượng phật bà Quan Âm được đông đảo nhân dân du khách đến cúng bái.

Hơn 300 năm tồn tại, nằm ở độ cao gần 100m so với mực nước biển, chùa Từ Quang có địa thế cực kỳ đặc biệt, nổi bật với những khối đá trắng phau bao quanh lại càng tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Nếu như chùa Thiên Thai có tương ngọt thì chùa Đá Trắng có xoài tiến. Tương truyền rằng những lần dừng thuyền chiến trên vịnh Xuân Đài, chúa Nguyễn Ánh có cơ hội được thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra vô cùng ưa thích xoài Đá Trắng. Dưới triều Gia Long, cùng với bòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”.

Chùa Từ Quang là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất ở Phú Yên, ngoài vẻ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc và đặc biệt là đặc sản xoài Đá Trắng, chùa Từ Quang còn là di tích lịch sử quan trọng về phong trào khởi nghĩa Cần Vương và phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp của nhân dân Phú Yên ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Những cây xoài đặc biệt được công nhận là Cụm cây di sản Việt Nam.

Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa Từ Quang trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước. Những năm 1885 – 1887, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sỹ phu yêu nước cùng mưu việc lớn. Tại Phú Yên, phong trào này do Lê Thành Phương lãnh đạo, các nhà sư của Bạch Thạch Từ Quang tự cũng tham gia. Chùa trở thành pháo đài cho đạo quân của Phó tướng Bùi Giảng ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu vào.

Sau khởi nghĩa Lê Thành Phương, vào những năm 1900, chùa Đá Trắng là căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và Trần Cao Vân. Võ Trứ người tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Định cư tại phủ Đồng Xuân, dựa vào thế núi rừng hiểm trở, dân cư đồng lòng, Võ Trứ mặc áo nhà sư kêu gọi sỹ phu khởi nghĩa. Sau này được Trần Cao Vân làm quân sư, Võ Trứ nhiều phen khiến cho giặc Pháp và tay sai khiếp vía.

Cửa tam quan vào chùa trồng hoa, cây cảnh rực rỡ hai bên đường.

Chùa Từ Quang là một danh lam cổ tự của miền Trung, có giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử, xã hội, cảnh sắc tôn nghiêm lạ thường, khí thiên, sông núi tụ hội. Chùa Từ Quang được Bộ Văn hóa –Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997, theo Quyết định số 141 ngày 23/1/1997. Ngày nay, chùa Đá Trắng được nhân dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan cúng viếng, trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Tin trước

Đến Thái Bình, vãn cảnh chùa Keo

Tin tiếp

Tà kiến mang đến khổ đau cho nhân loại