An cư được đức Phật chế và chư Tổ lưu truyền nó đã thành truyền thông của Giáo đoàn Phật giáo và đối với các vị Tỳ kheo nó trở thành luật định. Chữ “Tăng” nghĩa là Hòa hợp chúng, sống hòa hợp với nhau như nước với sữa. Đối với các vị Tỳ kheo trong ba tháng an cư là cơ hội để huân tu Giới đức, Định đức và Tuệ đức làm sung mãn năng lượng tu tập và tiền đề để nhiếp hóa độ sinh.
Các hành giả an cư kiết hạ trong ba tháng cần phải làm ba việc:
Thứ nhất, nuôi dưỡng tâm bồ đề bằng việc công phu, thiền tọa, lễ bái, sám hối, niệm Phật để làm lớn thêm đạo tâm.
Thứ hai, soi sáng cho nhau để nhận chân ra được những khiếm khuyết.
Thứ ba, dìu dắt nhau đi trên con đường của đức Phật và thực hiện sáu phép hòa kính tương thân, tương ái giúp đỡ nhau. Đây là cơ hội quán chiếu chính mình, gột rửa thân tâm cho thanh tịnh, để trưởng thành thêm trong giáo pháp của Đức Như Lai.
Đối thú An cư là nghi thức đánh dấu hành giả đã chính thức bắt đầu vào an cư. Nghi thức này đơn giản nhưng vô cùng quan trọng vì nó mang tính tự giác rất cao, nghĩa là tự thân chư hành giả tự nói lên nơi mà mình xác quyết muốn an cư. Nếu là chư Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni cao hạ thì đối thú an cư, nghi này chỉ cần hai người đối với nhau xưng tên và nói trú xứ mà mình nương vào để ở yên tu tập. Nếu là người còn nhỏ thì vị bị đối thú hỏi thêm câu: “Y vào vị nào để trì luật?” và “Có nghi ngờ điều gì thì cứ hỏi”; điều này có nghĩa là vị tuổi hạ còn nhỏ phải cần có người nương theo để tu học đúng luật, đúng pháp và cần được chỉ bảo nhiều hơn mới có thể hoàn thiện phẩm hạnh tu sĩ Phật giáo.
Sáng nay, đúng như tinh thần Giới luật Đức Phật chế định, đại diện chư Ni tại các Hạ trường đã đến chùa Vĩnh Tràng cầu giáo giới của Đại Tăng; qua đây chư Tôn đức Tăng sẽ có chỉ dạy căn bản và cốt lõi cho chư Ni theo đó về lại Hạ trường truyền day và hướng dẫn Ni chúng tác pháp An cư như luật định.