26/12/2024

Vong linh khác linh hồn ở điểm nào?

Bạn Nguyễn Ly thân mến!

Linh hồn thường được hiểu là phần hồn, tinh anh, tinh thần của con người. Hầu hết các tôn giáo, tín ngưỡng đều tin linh hồn là thiêng liêng, thường hằng, bất diệt. Khái quát, linh hồn được thượng đế ban cho mỗi người, nếu sống thiện, sau khi chết sẽ được an vui nơi thiên giới, ngược lại sẽ bị trừng phạt trong địa ngục.

Phật giáo (Nguyên thủy và Đại thừa) không có khái niệm linh hồn. Với tuệ giác duyên sinh, vô ngã nên không có cái gì thường hằng và bất biến cả. Con người là hợp thể năm uẩn, sắc (thân thể), tâm (thọ-cảm giác, tưởng-tri giác, hành-tâm hành, thức-nhận thức). Trong phần tâm thì thức thuộc tâm vương, làm nền tảng cho thọ, tưởng, hành (các tâm sở). Tâm vương và tâm sở có liên hệ mật thiết với nhau tạo ra luồng tư tưởng hay dòng tâm thức sinh diệt tương tục. Phật giáo ghi nhận sự tái sinh nhưng không phải một linh hồn bất biến đi tái sinh mà chính là sự tiếp nối của luồng nghiệp, dòng tâm thức trôi chảy từ đời này đến đời sau, tự thân nó sinh diệt tương tục, bản chất nó là vô ngã.

Dòng tâm thức này được gọi là Bhavanga (Hữu phần) hoặc A-lại-da. Tất cả loại tâm đều khởi lên từ Hữu phần rồi cuối cùng trở về Hữu phần, giống như muôn ngàn đợt sóng khởi lên từ mặt biển rồi lặng trở về biển. Phần chìm này tuy trôi chảy lặng lẽ nhưng nó chuyên chở và chứa đựng trong đó tất cả những nghiệp nhân do các tâm nối tiếp sinh diệt tạo tác, khởi lên chìm xuống, từ đời này sang đời khác.

Khi sống, dòng tâm thức trôi chảy lặng lẽ trong ngũ uẩn dưới trạng thái Hữu phần, nếu không có tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức trở thành kiết sinh thức, chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước trở thành chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau, còn gọi là thức tái sinh, thần thức hay hương ấm (gandhabba). Sau khi nhập thai, kiết sinh thức liền trở thành dòng Hữu phần. Đây chính là cơ chế của sự tái sinh.

Tổ tiên ông bà, những người đã mất nói chung, theo nghiệp mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng trong lục đạo (Dục giới gồm sáu cõi: trời, a-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Tái sinh vào đâu thì mang đặc tính loài đó; loài trời, loài a-tu-la, loài người, loài súc sinh, loài ngạ quỷ, loài địa ngục. Vong linh là một từ tạm dùng để chỉ các chúng sinh trong loài ngạ quỷ (một trong sáu loài của Dục giới) mà thôi. Do loài ngạ quỷ có nhiều nhân duyên với loài người nên thường sống chung; một vài trường hợp hai loài này có thể tương tác, cơ cảm hay trao nhận các thực phẩm. Như thế vong linh không phải linh hồn và càng không phải là người cõi âm (đối lập với cõi dương) mà chính là loài ngạ quỷ.

Phật giáo có chủ trương cầu siêu cho người mất được siêu thoát. Ý nghĩa cơ bản của siêu thoát chính là ra khỏi ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) sinh lên cõi trời và cõi người (về sau, Tịnh Độ tông [một phái Đại thừa] quan niệm siêu thoát là vãng sinh về cõi Cực lạc). Cầu siêu cũng là từ tạm dùng để chỉ việc thân nhân dốc hết lòng thành, tụng kinh thuyết pháp để khai thị, làm phước để hồi hướng cho người thân đã mất. Siêu hay không phải do chính họ tự giác ngộ mà thoát ra.

Nếu đủ phước duyên hay trả hết nghiệp mà thoát được ba đường ác, sinh vào trời người mà không lo tu tập, vun bồi công đức, khi hết phước lại tái sinh vào ác đạo. Vòng luân chuyển liên tục lên xuống, trôi lăn trong lục đạo gọi là luân hồi.

Chúc bạn tinh tấn!

Cư sĩ Trí Tâm là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Phát nguyện, cầu nguyện và phục nguyện khác nhau như thế nào?