27/12/2024

Thế giới Ta-bà

Ngày nay mình biết ngoài trái đất này còn có nhiều hành tinh khác, tất nhiên có nhiều loại chúng sanh khác nữa ở đó.

Đức Phật hay nói về thế giới Cực lạc, từ đây qua đó cách mười muôn ức Phật độ. Như vậy, thế giới theo đạo Phật không phải chỉ có trái đất của chúng ta.

Từ góc độ nhìn đó, mình thấy khi Đức Phật thuyết pháp, chủ yếu Ngài nói cho loài người trên trái đất mình, ngoài ra Đức Phật còn nói cho chư thiên ở dạng khác, vì chư thiên có hình hài khác và họ cũng nhìn thấy Đức Phật khác. Không phải Phật mang chư thiên đến đây cho họ nghe pháp, vì dù có đến đây, chư thiên cũng không nghe được. Như vậy, đối với một loại hình chúng sanh nào đó, Phật thuyết pháp bằng dạng thức tương ưng với họ và cái thấy về Đức Phật của mỗi loài cũng khác nhau.

Như mình là con người nên thấy Đức Phật là con người bằng xương thịt, đó là Đức Phật lịch sử, xuất thân dòng họ Thích Ca, xuất gia và thiền quán dưới cội Bồ-đề, rồi thành Phật. Đây là Phật của loài người chúng ta.

Nhưng Phật của chư thiên là gì? Chư thiên thấy Phật là trời, có thân giống như trời.

Khi Đức Phật giới thiệu Đức Phật A Di Đà cho đại chúng, Ngài nói thế giới của Phật A Di Đà trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp như vậy. Tôn giả Xá Lợi Phất liền khởi ý niệm rằng thế giới của Phật Thích Ca không thanh tịnh, không trang nghiêm, không đẹp đẽ, vì nó là Ta-bà.

Lúc đó, trời Đại Tự Tại mới xuất hiện nói với Tôn giả Xá Lợi Phất vì tâm ngài không thanh tịnh, không trang nghiêm, tâm ngài chưa đẹp, nên ngài mới thấy thế giới của Phật Thích Ca không đẹp. Riêng ông thấy thế giới của Phật Thích Ca đẹp hơn cả cõi trời Đại Tự Tại của ông, nên ông mới tới đây học với Phật Thích Ca, để xây dựng thế giới của ông đẹp như thế giới của Phật Thích Ca.

Mình thấy Đức Phật là con người có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có sức khỏe vượt hơn mọi người, thông minh xuất chúng. Đó là đánh giá của chúng ta trên những ước lệ của hiện hữu con người.

Trời Đại Tự Tại nhìn Phật theo kiểu của Trời Đại Tự Tại, đương nhiên họ không thấy Đức Phật bằng xương thịt, nhưng họ thấy con người vi tế của Phật giống y như họ, nhưng đẹp hơn, sang hơn, khỏe hơn, giỏi hơn họ, nên họ tôn thờ Phật. Đó là thấy phước đức của Phật, thấy trí tuệ của Phật, thấy năng lực siêu việt của Phật, thì không thấy Phật là con người mang thân phàm nhân nữa.

Người ta thường nói ai cũng như ai, nhưng nhìn kỹ không ai giống ai. Không giống nhau là cái gì đây? Phước đức, trí tuệ, nghiệp lực hoàn toàn không giống nhau.

Chư thiên thấy Đức Phật là thấy phước đức của Ngài, không phải thấy con người tầm thường hữu hình hữu hoại. Và phước đức lại cấu tạo nên con người vô hình, con người siêu hình. Vì thế, các Phật tử nhìn kỹ thấy con người có phước đức đáng kính trọng, đẹp đẽ, sang trọng là thấy con người phước đức nằm bên trong con người tứ đại, chứ không thấy thân tứ đại nữa. Nhưng khi họ hưởng hết phước đức là quyền thế hết, tiền bạc hết, sức khỏe hết… thì con người phước đức tiêu tan khiến thân tứ đại của họ không còn hảo tướng nữa.

Trên bước đường tu, tập nhìn được con người siêu hình bên trong, mình sẽ thấy được Phật, Bồ-tát, La-hán, chư thiên.

Ban đầu mình tu thấy bằng tưởng tượng. Mình tưởng tượng ra Phật, Bồ-tát, chư thiên như vậy thì tất cả những vị này hiện hữu trong cái siêu hình, trong cái tưởng tượng của mình. Mình tưởng tượng như thế nào thì họ sẽ hiện ra như thế đó với mình.

Đức Phật nói ở trên cõi chư thiên, họ nghĩ cái gì thì cái đó hiện ra. Họ nghĩ tới đền đài cung điện, hay vườn rừng cây trái, những cảnh đó sẽ hiện ra, họ nghĩ tới bạn bè thì bạn bè hiện ra. Tất cả những cái này do họ nghĩ ra, nói cách khác, là do phước đức tạo nên.

Đức Phật nói chỉ lên đến lục dục thiên mà đã khác hơn mình, đó là trời Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên gọi là sáu cõi trời Dục. Họ chưa đoạn dục, lòng ham muốn họ còn, nhưng họ nghĩ cái gì thì cái đó hiện ra, vì ở trên chư thiên, họ được cái phước như vậy. Còn mình ở đây, cái nghiệp mình nặng quá, nên cái gì mình sợ thì nó tới, cái gì mình muốn thì nó tránh, cho nên trên cuộc đời này, đâu có ai muốn gì mà được đâu. Trái lại, chư thiên muốn gì thì nó tới, như vậy họ mới vui, mới an lạc ở cõi trời. Phật nói người có phước là vậy.

Người có phước nghĩ cái gì có cái đó, còn người có tội, cái muốn không tới, mà cái sợ cứ kéo tới.

Phật tử nhận ra ý này, khởi tu, tập cho được tánh không ham muốn cũng không sợ sệt. Phật dạy rằng khi người tốt với mình, mình không mừng, người xấu với mình, mình cũng không giận. Tập cho được tánh này, mình mới xóa được nghiệp, mới sanh vào thế giới phước lạc.

Cũng một người nhưng khi họ có phước đức đầy đủ, tướng phước hiện ra. Khi họ hết phước, lại tạo tội, tướng tội lỗi liền hiện ra. Đó là sự thật trong cuộc sống mình thấy rõ.

Phật nói trong thế giới này có đủ các loại hình chúng sanh và trong tâm thức của chính mình cũng có đủ sáu đường sanh tử. Khi tâm mình nghĩ tới Phật, thế giới Phật hiện ra. Vì vậy, tôi thường nghĩ tới Phật, thế giới Phật nhiều hơn thế giới mình đang sống.

Họ đối xử tệ bạc với mình bao nhiêu, mình càng nghĩ tới Phật bấy nhiêu. Đem tâm mình đặt vào thế giới Phật, vì mình nghĩ thế gian là cõi tạm, mình chỉ ở tạm nơi này qua đêm dài sanh tử thôi, rồi mình đi, chứ không ở mãi nơi đây. Cho nên, mình không quan tâm tới chỗ này, mà mình quan tâm tới chỗ mình sẽ đi tới là Phật và thế giới Phật.

Mình nghĩ tới Phật là niệm Phật, lạy Phật, hình dung ra Đức Phật phước trí vẹn toàn, Ngài ngự trong thế giới hằng hữu thanh tịnh tuyệt đối. Đó là mình nghĩ đến con người hoàn thiện, thế giới hoàn thiện, nên tâm mình được an lành. Người thực tu hoàn toàn giải thoát, vì họ không nghĩ chuyện ác xấu, nên thế giới ác xấu không hiện ra với họ. Quý vị cần nhớ ý này. Mình nghĩ tới Phật, Bồ-tát, các Ngài hiện ra, cứu mình. Nghĩ tới ác ma, đương nhiên ác ma xuất hiện, hại mình.

Thực tế mình gặp những người xung quanh tốt xấu đều có, nhưng tốt hay xấu mình cũng mặc, chỉ nhiếp tâm niệm Phật, chỉ nghĩ tới Phật, đừng nghĩ tới người ác xấu. Vì nghĩ tới ác xấu khiến mình dễ bực tức thì tướng quỷ dữ của mình sẽ hiện ra, chắc chắn không ai thương mình nổi.

Họ đối xử tệ bạc với mình bao nhiêu, mình càng nghĩ tới Phật bấy nhiêu. Đem tâm mình đặt vào thế giới Phật, vì mình nghĩ thế gian là cõi tạm, mình chỉ ở tạm nơi này qua đêm dài sanh tử thôi, rồi mình đi, chứ không ở mãi nơi đây. Cho nên, mình không quan tâm tới chỗ này, mà mình quan tâm tới chỗ mình sẽ đi tới là Phật và thế giới Phật.

Bước đường tu mình sẽ có thử thách. Những người vô cớ gây khó cho mình, vô cớ làm nhục mình, quý vị tức giận không? Nếu khởi tâm đó, mình nghĩ tới Phật liền cắt bỏ ngay tâm giận dữ.

Hồi nhỏ, mới tu, gặp việc bực tức, tôi nổi nóng và nhớ là từng nói với Hòa thượng Trí Quang rằng oan ức quá, con chịu không nổi! Hòa thượng cười, nói rằng không oan ức đâu! Hãy ráng tu để giải oan ức này.

Mình nghĩ đây là túc nghiệp của mình, gặp lại là cơ hội để trả cho xong. Người tu xử sự đơn giản như vậy. Tất cả chuyện khó khăn nguy hiểm ập tới, coi như trả nghiệp. Khi đã trả nghiệp ác xong rồi, nghiệp thiện mới sanh ra, công đức theo đó hình thành. Nếu mình bực tức, hành xử theo tâm hung dữ đó thì hậu quả không lường trước được. Đức Phật dạy nghiệp cũ tạo thêm nghiệp mới.

Nghiệp cũ ít mà tạo thêm nghiệp mới nặng hơn. Mình nhẫn nhịn thì mọi sự chấm dứt. Nếu quý vị bực tức, không nhịn được, vì bực tức mình đánh nó và sẵn cầm cây dao đâm nó thì họa này lớn lắm. Nghiệp cũ nhỏ là nó chỉ chửi mình, nhưng nghiệp mới là gây thương tích cho người khác thì có khi phải ở tù; nếu nó chết, mình phải đền mạng. Mà mình ở tù, hận sanh thì nghiệp mới nặng hơn nữa. Cứ như vậy, nghiệp mới nặng hơn nghiệp cũ, lần lần đưa mình xuống địa ngục.

Vì vậy, khi mình tu, tâm bình tĩnh được rồi, cao hơn một bước, có chánh niệm, mới thấy được túc nghiệp của mình. Người thấy mình liền ghét, tại nghiệp đời trước mình đã mắc nợ họ, nên bây giờ họ đòi, mình sẵn sàng trả. Vì thế, họ nói lời ác độc, nhưng mình tự nghĩ là mình có lỗi với họ, trong lòng thầm cảm ơn họ, quý trọng họ, khiến họ thay đổi thái độ.

Thật vậy, chúng ta có thể thấy túc nghiệp của mình qua cách đối xử của người. Với tôi, khi gặp người có thiện cảm giúp tôi vô điều kiện, bằng cảm tính tôi biết rằng tôi đã từng làm việc gì đó tốt cho họ trong đời quá khứ, nên bây giờ họ thương quý và tin tưởng tôi. Với người mắng nhiếc, nói xấu mình, thì cũng biết mình đã từng mắc nợ họ ở đời nào đó trước đây.

Đức Phật dạy đối với người thương quý mình đời này vì họ và mình đã là bạn tốt của nhau từ đời trước, đó là hạt nhân tốt phải tăng lên, đừng bao giờ sử dụng hết cái tốt này. Vì mình sử dụng cái tốt của người đến cạn kiệt sẽ biến cái tốt thành xấu. Thực tế như có người bạn tốt thương mình, giúp đỡ mình, nhưng mình lợi dụng lòng tốt đó, cứ tới nhờ vả hoài, liệu họ còn tốt với mình được nữa không.

Chúng ta cần phải nhớ nếu thực tu, không sử dụng hết phước, mà phải để dành. Thí dụ một Phật tử muốn cúng dường, nếu tôi chưa nhận thì trong lòng họ còn muốn cúng, nhưng họ cúng và tôi đã nhận rồi thì ngày mai, ngày kia tôi tới xin nữa sẽ là không được.

Khi Phật còn tại thế, chuyện như thế đã từng xảy ra rồi. Đức Phật tới một vùng nọ giáo hóa, dân chúng ở đó quá quý trọng Ngài, nên họ cũng quý trọng những người đi theo Phật, mà chúng ta thường nói là kính Phật trọng Tăng. Thực sự, họ chưa muốn cúng dường những ông Tăng này, nhưng vì họ kính Phật, mà họ phải cúng dường cho những ông sư đi theo.

Vì người ta phát tâm cúng dường Phật nhiều quá, nên bấy giờ có những người xấu muốn ăn theo, họ tự ý cạo đầu, tự ý xuất gia, tự ý mặc áo tu. Đức Phật đi đằng trước, họ đi đằng sau. Đức Phật thấy việc này không được, nên Ngài bỏ đi nơi khác. Đức Phật đi rồi thì tâm cúng dường của dân làng này giảm sút. Tuy nhiên, những người giả sư cứ ôm bát tới xin hoài đến mức tới đâu thì người dân đóng cửa không tiếp.

Sau đó, Đức Phật mới sai Tôn giả Ca Diếp đến quan sát làng này, xem xảy ra việc gì. Ngài Ca Diếp về bạch với Phật rằng dân làng này ghét chư Tăng lắm, sư đến nhà nào thì nhà đó đóng cửa.

Đức Phật nhân đó thuyết pháp, dạy rằng mình chưa có phước phải nên tạo phước. Chưa có phước mà tạo nghiệp thì khi uy tín của Đức Phật lên cao, nhiều người theo Phật quá sẽ có tệ hại xảy ra. Hiện tượng này người ta cũng gọi là Mạt pháp.

Mạt pháp là Phật vào Niết-bàn, có những kẻ thân làm Tăng nhưng sống lôi thôi khiến người ta chán ghét, bỏ đạo Phật. Như vậy, với ý nghĩa đó thì mạt pháp đã có trong thời Phật tại thế rồi, không phải đến hiện tại mới là mạt pháp như người ta thường hiểu không đúng. mạt pháp lúc nào cũng có. Hễ khi nào người tu tốt thì tạo thành Chánh pháp, khi người tu làm điều sai trái tạo thành mạt pháp. Tốt cũng mình, xấu cũng mình. Chánh pháp cũng do mình, mạt pháp cũng do mình.

Có người nói trong thời Chánh pháp, Đức Phật chỉ thuyết pháp dọc theo triền sông Hằng và những người theo Đức Phật cũng chỉ có người Ấn Độ thôi. Nhưng bây giờ Phật Niết-bàn mấy ngàn năm rồi, mà trên thế giới có nhiều quốc gia theo đạo Phật, có nhiều người sống theo Phật, như vậy, đạo Phật phát triển rộng hơn.

Nhưng đương nhiên trong cái tốt có cái xấu và trong cái xấu cũng có cái tốt. Trong tốt có xấu, vì khi tu sĩ đạo Phật được nhiều người quý trọng, người ta mới lợi dụng cái tốt đó để kiếm lợi cho họ. Nhưng lợi dụng hết cái tốt rồi, thì nó đến cùng tột cái xấu, bấy giờ chúng ta thấy có người tốt ra đời cứu nhân độ thế.

Vì vậy, Phật giáo trải qua thời kỳ hưng thịnh rồi đến thời kỳ suy vi, hết tốt tới xấu. Vì những người không lợi dụng được Phật giáo nữa thì họ bỏ cuộc. Còn người thực tu khi khó khăn, họ ra gánh vác.

Thực tế lịch sử cho thấy từ khi Đức Phật ra đời cho tới ngày nay, đạo Phật luôn thăng trầm, không phải thường hằng bất biến.

Thật vậy, khi Phật còn tại thế, trong 12 năm đầu, Ngài không chế luật. Vì những người theo Phật tu là người quyết tâm tu, là người tốt hết, cho nên tất cả đều đắc Thánh quả thì đâu cần chế luật, vì luật chỉ để ngăn cản cái xấu.

Nhưng đến năm thứ 13, uy tín của Đức Phật lên cao quá, được vua chúa kính trọng, được hàng trưởng giả cúng dường quá nhiều, nên người phát tâm đi xuất gia nhiều. Và người đi tu nhiều, đương nhiên trong đó có người xấu nhiều, Đức Phật mới đặt ra giới luật, lấy giới luật làm hàng rào để ngăn bớt những người không thực tu.

Theo tôi, Phật chế ra các pháp là để đối trị cái xấu cho nó trở thành tốt, chứ thực sự đó không phải là cái khuôn cố định. Đức Phật nói pháp là để trị bệnh, mà nhìn kỹ lại, mình thấy Đức Phật thuyết pháp có bốn trường hợp gọi là tứ tất đàn: thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn.

Thế giới tất đàn là Đức Phật nói chung cho tất cả mọi người, mọi chúng sanh trong lục đạo. Phật nói rằng ai muốn đời đời được làm người, không bị đọa, hãy ráng giữ năm giới. Khá hơn thì tu thập thiện giới sẽ sanh lên cõi trời. Đó là pháp áp dụng chung mà sống đúng pháp Phật dạy, giữ được vị trí con người và làm phước thì đi lên, tạo tội phải đi xuống.

Nhưng vị nhân tất đàn là Phật tùy người mà nói pháp khác nhau. Đối với loài người, Phật nói khác, đối với chư thiên, Bồ-tát, hay Nhị thừa, Phật nói khác. Tất cả các pháp sai biệt, nên người ta nói có 84.000 pháp môn tu. Tùy người mà Phật nói pháp tương ưng, không nói giống nhau. Với các trưởng giả, Phật nói việc kinh doanh, làm ăn lương thiện. Với vua chúa, Phật nói cách trị nước an dân. Vì thế, phải coi Phật nói pháp với ai, nói chỗ nào, nói trong lúc nào và nhằm mục tiêu gì. Học pháp phải nhớ điều đó, không phải Phật nói chung nữa.

Thứ ba là đối trị tất đàn là pháp Phật dạy để dứt bỏ những nghiệp bất thiện gây trở ngại cho việc tiến tu giải thoát. Thí dụ gặp người nhiều tham dục, Phật bảo ra thi lâm ngồi nhìn xác chết sẽ ghê sợ không khởi lên ý tham dục. Đối với người tu cứ ngủ gục, Phật dạy tập kiên trì ngồi vững chãi để đối trị cái nghiệp này, đừng nằm vì nằm dễ ngủ. Tất cả mọi người có nghiệp khác nhau, nên pháp tu cũng khác nhau, không thể bắt chước được.

Pháp của Phật ví như thuốc, nghiệp của mình ví như bệnh, bệnh nào thì sử dụng thuốc đó. Nhưng hết bệnh không uống thuốc nữa. Cũng như qua sông cần thuyền bè, lên bờ không thể vác thuyền theo. Ý này được Phật dạy rằng pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp.

Khi Phật tại thế, Xá Lợi Phất thấy Phật liền đắc đạo. Người khác phải tu trải qua một tháng, ba tháng, hay một năm mới đắc đạo, nhưng có người tu suốt đời không đắc đạo. Còn ngài Ca Diếp tìm Phật, thấy Phật, nhưng mười ngày sau mới đắc đạo.

Pháp của Phật ví như thuốc, nghiệp của mình ví như bệnh, bệnh nào thì sử dụng thuốc đó. Nhưng hết bệnh không uống thuốc nữa. Cũng như qua sông cần thuyền bè, lên bờ không thể vác thuyền theo. Ý này được Phật dạy rằng pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp.

Tôi hay suy nghĩ vấn đề này. Trên bước đường tu, mỗi người có nghiệp riêng, phải cắt được nghiệp này mới đắc quả. Tôn giả Xá Lợi Phất có nghiệp ăn nói, cái gì cũng biết, cái gì cũng nói hay. Ở Ma-kiệt-đà, ngài chưa thua ai về tài hùng biện, tất cả Bà-la-môn trí thức thấy ngài phải sợ. Ngài giỏi kỳ lạ, nhưng gặp Phật hiểu biết siêu tuyệt trùm lên hiểu biết của Tôn giả Xá Lợi Phất khiến tự nhiên hơn thua phải trái của ngài biến mất, tâm liền thanh tịnh, đắc A-la-hán ngay lúc đó.

Đức Phật gọi Tôn giả Ca Diếp đến dạy rằng tại sao ông không thua Xá Lợi Phất mà đã mười ngày theo Phật tu, vì sao không đắc đạo, ông phải kiểm lại tại sao như vậy. Tôn giả Ca Diếp nghe Phật, lắng lòng kiểm lại thấy tâm ngài còn kẹt, cứ tự hào dòng họ mình cao quý, bảy đời trong sạch, nên tâm không thanh tịnh được. Điều thứ hai, ngài tự hào mình có sức khỏe tốt như Phật, có ngoại hình dễ coi giống Phật, là mình bằng với Phật.

Đức Phật bảo tôn giả phải bỏ tất cả chấp trước này, tài sản đã bỏ rồi thì tâm còn giữ cái này làm chi. Cái xấu bỏ đã đành, nhưng bỏ luôn cái tốt, tâm mới sạch, mới đắc đạo, tuệ mới sanh.

La Hầu La cũng vậy, đi khất thực mà mộng tưởng tiên A Tư Đà đã nói rằng thái tử Sĩ Đạt Ta không đi tu thì làm Chuyển luân Thánh vương, đi tu thì làm Phật. Nếu thái tử không đi tu thì bây giờ mình đang làm gì? Ông ôm bình đi khất thực nhưng trong đầu cứ nghĩ con của Chuyển luân Thánh vương là lớn lắm, mà bây giờ mình lại đi xin ăn như thế này. Vì còn một chút ý nghĩ đó mà không đắc đạo.

Phật gọi La Hầu La đến để rầy, đi khất thực thì phải nghĩ đến khất thực. La Hầu La mới ngồi gốc cây suy nghĩ chuyện đó. Chúng Tăng đi khất thực về tới, ngài nhìn thấy chúng Tăng liền đắc quả A-la-hán.

Cho nên, chúng ta phải cẩn trọng, tu càng lâu càng cố chấp mà không buông được thì uổng phí. Như tôi tu lâu 60 năm, 70 năm mà cứ nghĩ đến thành tích thì nguy hiểm vô cùng, không tự hào về thành tích mới được giải thoát.

Các Phật tử nghiệm lại xem, làm sao buông bỏ được hết sẽ thấy những điều vi diệu cao xa, theo lời Phật dạy và sống được với lý chơn thường mới bước vào thế giới Phật an lành vĩnh cửu.

Cư sĩ Trí Phật là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Sống tự do

Tin tiếp

Không thu nhiếp oai nghi