25/11/2024

Tâm cô độc

Dưới đây là những khai thị của Ajaan Fuang cho thiền sinh về khổ để xả ly, buông bỏ.

Thiền sinh: Khi con thấy ai đó bế một đứa trẻ, con thường có suy nghĩ: những gì con thấy đó là khổ.

Ajaan Fuang: Đúng vậy. Hãy quán niệm thật sâu. Một khi có sinh, phải có khổ. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng theo cách đó. Đầu tiên là nỗi khổ của bản thân, sau đó ta gánh thêm nỗi khổ của người khác. Hãy quan sát em bé. Em là cái gì? Em từ đâu đến? Đức Phật nói rằng đó là khổ; khổ đó đến từ sức mạnh của tham ái và uế nhiễm. Đầu tiên người mẹ phải mang nó trong bụng, sau khi nó được sinh ra, mẹ phải ẵm bồng nó, và khi nó bắt đầu đi, mẹ phải dắt tay nó. Khi ta nhìn thấy những điều này, trái tim ta...

Thiền sinh: Héo hắt.

Ajaan Fuang: Vâng. Nó héo hắt. Nó mang lại cho ta cảm giác kinh hãi kiếp sống (samvega). Đây là những điều chúng ta cần quán niệm lúc thực hành. Nó là thầy của ta. Hãy tự hỏi: “Đây có phải là điều ta mong muốn trong cuộc sống này không? Đây là những thứ ta muốn sao?”. Không hẳn vậy. “Nếu không muốn những điều này, đừng nhúng tay vào”. Ta đã trải qua điều này bao nhiêu lần rồi? Đây không phải là lần đầu tiên. Ta đã thực hiện thói quen mang-giữ-làm nặng bản thân này trong một thời gian dài, rất dài - hàng trăm ngàn kiếp. Nếu ta tiếp tục tham gia, không có cách nào ta được tự do.

Tâm cô độc-0

Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko

Sinh, lão, bệnh và tử: những điều này là bình thường. Sinh là bản chất bình thường của sự vật, lão là bản chất bình thường của sự vật, bệnh tật và cái chết là bản chất bình thường của sự vật. Hãy quán sát để có thể thấy rõ rằng đây là sự bình thường của mọi thứ. Lúc đó cảm giác thất vọng phát sinh. Và con sẽ có thể nới lỏng sự kìm kẹp của những thứ này nơi con. Con sẽ có thể bứng nhổ chúng, gốc rễ và tất cả mọi thứ khác.

Chúng ta đã chịu đau khổ như những kẻ nô lệ của uế nhiễm và tham ái trong bao lâu rồi, con có nhớ không? Hãy tự hỏi mình. Con có thể nhớ tất cả những gì con đã trải qua không? Và con sẽ để nó tiếp tục xảy ra trong bao lâu nữa việc mang-giữ-làm nặng bản thân này? Con đã làm điều này trong bao nhiêu kiếp rồi? Hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn kiếp. Con có thể đếm tất cả không? Tất nhiên là không. Và con sẽ phải tiếp tục đau khổ theo cách này trong bao lâu nữa? Nếu con vẫn còn bướng bỉnh, vẫn không sẵn sàng lắng nghe giáo lý của Đức Phật, thì đây là loại phần thưởng con sẽ phải chờ đợi trong cuộc sống. Con có muốn như vậy không? Con có thích điều đó không? Nếu không thích, thì con sẽ phải phát triển tâm thiện lành để có thể thấy con đường thoát, để con có thể thấy những ô nhiễm của con, để con có thể thấy nỗi khổ và tác hại mà chúng gây ra.

Hãy quán sát khổ. Hãy nhìn vào phần thưởng của khổ. Khi người ta cảm thấy rằng con không có nhiều đau khổ, họ sẽ tìm thêm đau khổ cho con. Chỉ với năm uẩn này con cũng đủ khổ rồi - nỗi khổ của riêng con. Nhưng khi họ nói về hạnh phúc của việc tiếp nhận người khác, chính xác thì hạnh phúc đó là gì? Không có gì ngoài việc phải khổ hơn. “Các kho báu” này chỉ mang lại cho con đau khổ. Cha mẹ muốn con kết hôn, để có người bạn đời, và tạo lập gia đình. Họ đã có quá nhiều đau khổ trong quá trình nuôi dạy con, nhưng điều đó hình như là chưa đủ. Mẹ con đã mang bao nhiêu đứa con trong bụng? Và bây giờ bà ấy còn muốn tìm kiếm thêm nhiều đau khổ cho các con mình.

Thiền sinh: Thưa sư, có đúng như những gì họ nói, rằng người phụ nữ đạt được rất nhiều công đức trong việc mang thai, rằng cô ấy đã cho người khác cơ hội được sinh ra?

Ajaan Fuang: Nếu điều đó là đúng, thì các loài cái sẽ nhận được bao công đức, sinh ra cùng một lúc cả đàn con. Không, đó chỉ là tuyên truyền từ những người muốn thấy ngày càng nhiều chúng sinh được sinh ra trên thế giới này.

Thiền sinh: Thưa, khi người ta muốn kết hôn, đó là vì họ có rất nhiều nghiệp xấu với nhau. Có đúng không ạ?

Ajaan Fuang: Tất nhiên là đúng. Chỉ cần nhìn vào những gì họ đang làm. Không cần phải giải thích. Kết hôn chẳng là gì ngoài việc áp lực nhau, gây ra cho nhau phiền muộn và đau đớn. Không có hạnh phúc thực sự ở đó; không có gì ngoài đau khổ. Kết hôn không phải là cách để thoát khỏi khổ. Thật ra, tất cả những gì con làm là chồng chất thêm đau khổ cho mình. Đức Phật dạy rằng năm uẩn là một gánh nặng, nhưng nếu ta kết hôn, đột nhiên ta có mười điều để lo lắng, và rồi mười lăm, hai mươi điều. Và đó không phải là kết thúc của vấn đề.

Sinh, lão, bệnh và tử: những điều này là bình thường. Sinh là bản chất bình thường của sự vật, lão là bản chất bình thường của sự vật, bệnh tật và cái chết là bản chất bình thường của sự vật. Hãy quán sát để có thể thấy rõ rằng đây là sự bình thường của mọi thứ. Lúc đó cảm giác thất vọng phát sinh. Và con sẽ có thể nới lỏng sự kìm kẹp của những thứ này nơi con. Con sẽ có thể bứng nhổ chúng, gốc rễ và tất cả mọi thứ khác.

Ngay khi một đứa trẻ được sinh ra, thì vấn đề này, vấn đề kia cũng sinh ra. Không phải là từ lúc được sinh ra nó không cần uống thuốc, và chúng ta có thể để nó một mình, nó sẽ tự phát triển cả ngày lẫn đêm. Ôi! Biết bao điều con phải làm cho đến khi nó lớn lên! Nó bắt đầu quá nhỏ bé và chỉ có thể nằm đó. Thử nghĩ đến những gì nó cần cho đến khi nó có thể ngồi dậy, rồi những gì nó cần cho đến khi nó có thể đứng, có thể đi. Có bao giờ việc nuôi dưỡng một đứa trẻ là điều dễ dàng đâu? Mà đó cũng không phải là tất cả. Ngay khi con muốn nằm xuống nghỉ ngơi một chút, nó cũng khóc. Không có gì tuyệt vời về hôn nhân cả.

Khi mọi người gây áp lực buộc con phải kết hôn, phải sinh con, điều đó giống như một khách bộ hành lỡ giẫm vào đống phân, rồi sau đó cố tìm cách khiến người khác cũng giẫm vào đó, để bù đắp cho sai lầm của chính mình. Vâng, chính là nghiệp chướng khiến mọi người muốn kết hôn. Nghiệp là thứ che khuất tầm nhìn của họ. Họ không thể thấy rằng những gì họ muốn là một hình thức của khổ. Đối với họ, đó là một điều tuyệt vời - bởi vì đó là điều tốt nhất họ biết. Điều tốt nhất họ sở hữu. Họ không biết gì tốt hơn thế.

Cha mẹ muốn con kết hôn, vì đó là tất cả những gì họ biết. Giúp họ thiền, để sau đó họ sẽ nhận ra: “Ồ! Những gì chúng tôi đã trải qua là khổ!”. Tuy nhiên, để thấy được điều này, con phải hành thiền. Nếu không hành thiền, con sẽ không nhìn thấy. Nếu không thiền, con sẽ phải nhìn mọi thứ theo cách chúng là. Ngay cả khi hành thiền, con vẫn nhìn mọi thứ theo cách chúng là. Thật không dễ dàng để kéo bản thân ra khỏi lối suy nghĩ đó. Không dễ dàng chút nào, nếu uy lực của uế nhiễm này không đầu hàng... Chỉ khi quan điểm của con rõ ràng và con thực sự buông bỏ: chỉ khi đó con mới dứt khoát được vấn đề.

Ngay cả chư thiên trên trời: họ vẫn hài lòng với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và cảm giác xúc giác của họ. Họ vẫn hài lòng với những gì họ có. Họ say mê cách họ nhìn, âm thanh, mùi vị, say mê những người bạn đồng hành này. Tay, chân họ bị trói buộc trong nhục dục, đó là lý do tại sao họ phiền hà khi thấy chúng ta hành thiền. Họ sợ chúng ta sẽ trốn thoát. Họ quyết tâm không để điều đó xảy ra. Khi chúng ta hành thiền và tâm của chúng ta phát triển được sự tĩnh lặng, họ đến tấn công, khuấy động để chúng ta bắt đầu quay trở lại con đường cũ của mình, để chúng ta không thấy con đường thoát khổ. Điều này được xem là nghiệp giữ chúng ta trong vòng luân hồi, nghiệp mà chúng ta thực hiện, khiến chúng ta giống như mọi người khác, để chúng ta không nhìn thấy con đường giải thoát khỏi khổ. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy là con đường dẫn đến bế tắc, mắc kẹt trong đau khổ.

Thiền sinh: Trong trường hợp đó, khi ta nghĩ rằng ta đã tìm thấy người bạn đời của mình, thực sự là bạn đã tìm thấy người nắm giữ nợ nghiệp cũ của mình.

Ajaan Fuang: Chứ còn gì nữa? Nó giống như cua móng ngựa. Con đã bao giờ nhìn thấy chúng chưa? Chúng sống ở biển. Đi đâu, chúng cũng đi theo cặp. Con đực không biết tự kiếm ăn, nên nó cưỡi trên lưng con cái.

Thiền sinh: Vậy làm thế nào chúng con có thể thoát khỏi điều này? Chúng con có thể tránh được điều này, phải không, thưa sư, nếu chúng con thực sự muốn?

Ajaan Fuang: Nếu con không muốn những điều này, thì đừng để bất kỳ con cua móng ngựa nào nắm bắt con. Tóm lại, đó chỉ là bản năng cầm thú. Động vật phải giao phối để truyền bá nòi giống và ảnh hưởng của chúng. Nhưng nếu chúng ta không muốn góp phần trong đó, thì ta sẽ không tham gia. Người ta chỉ có thể đòi nợ con, nếu con tham gia.

Thiền sinh: Con có thể thực sự thoát không?

Ajaan Fuang: Tại sao con không thể thoát? Chỉ cần không tham gia, không gắn bó. Cố gắng giữ cho tâm trí con mạnh mẽ, không dao động. Phát triển tâm thiện lành ngày càng lớn hơn, và làm khô héo các ham muốn khác. Chúng thực sự nông cạn, không có gì ngoài đau khổ. Chúng xuất hiện bởi vì chúng ta tham đắm thân này, nhưng khi con có được hình ảnh của thân trong thiền định, con chỉ cần tháo rời nó ra. Sau đó nó còn lại những gì? Còn gì không? Không còn gì cả. Tất cả chỉ là sự hình thành. Khi con tách sắc pháp đó ra, không còn gì nữa. Và thể chất gì có trong sắc pháp đó? Hãy quán sát nó. Tháo rời nó ra. Không có gì ngoài đất, nước, gió và lửa. Vậy có gì thu hút ta không?

Thiền sinh: Không, không có gì ạ.

Ajaan Fuang: Và khi con đang ngủ say, thân có biết ham muốn gì không?

Thiền sinh: Dạ không, không ạ.

Con phải là nơi nương trú cho bản thân. Nếu con là loại người phải nương trú nơi người khác, thì con sẽ phải nhìn mọi thứ giống như họ, có nghĩa là con cũng vô minh giống như họ. Vì vậy, hãy giải thoát thân ra khỏi tất cả những điều đó và nhìn lại bản thân cho đến khi mọi thứ rõ ràng trong tâm con.

Ajaan Fuang: Tâm là kẻ xúi giục. Thân tự nó không thể làm gì. Nó chỉ đơn giản hành động theo mệnh lệnh của ông chủ tâm. Thân không biết gì cả. Nó phụ thuộc vào mệnh lệnh của ông chủ. Vì vậy, khi ông chủ nói, “Đủ rồi! Không tiếp tục nữa!” thì đó là kết thúc của vấn đề. Tâm không đấu tranh hay khát khao. Những gì đấu tranh và khát khao là các hành (sankhara). Nếu con bám vào các hành, đó là bản chất của khổ - khổ đau lớn. Nếu quán sát thân, con sẽ thấy thực sự không có vấn đề gì ở đó. Mọi vấn đề đều đến từ các hành. Nếu tâm có thể thông suốt và hiểu được sự bám chấp nơi thân, thì ham muốn còn từ đâu đến nữa?

Thân này không thực sự là của chúng ta. Bất cứ nơi nào trên thân mà con nhìn thấy là “của con”, thì hãy nhổ nó lên, tách nó ra từng phần, rồi buông nó đi. Hãy tách nó ra: đất, nước, gió, lửa. Đó là tất cả những gì đã có, từ lâu, kể từ khi nào không ai biết. Đó là tất cả những gì thân có hiện nay. Vấn đề là ta đã bị lừa dối về nó, nên đã bám víu vào nó. Chúng ta đã bị lừa dối giống như mọi người khác. Trong sâu thẳm, không phải tâm trí đã biết điều này rồi sao? Tất nhiên là biết, vì đó là bản chất của tâm: biết. Chúng ta phải biết. Vì vậy, hãy mang kiến thức này vào tâm, ghi nhớ nó. Con phải là nơi nương trú cho bản thân. Nếu con là loại người phải nương trú nơi người khác, thì con sẽ phải nhìn mọi thứ giống như họ, có nghĩa là con cũng vô minh giống như họ. Vì vậy, hãy giải thoát thân ra khỏi tất cả những điều đó và nhìn lại bản thân cho đến khi mọi thứ rõ ràng trong tâm con. Tiếp tục suy ngẫm về mọi thứ cho đến khi chỉ còn “người biết” ở bên trong. Người biết này không được ghép nối với bất cứ điều gì khác. Nó không có bạn đời. Nó độc thân. Nó là một. Nó không có gì cả. Vì vậy, hãy tập trung vào người biết và biến nó thành một. Để nó buông bỏ mọi thứ. Nó buông bỏ khoái lạc, buông bỏ nỗi đau, buông bỏ cả xả bỏ. Nó sáng rỡ, tất cả đều tự thân. Tiếp tục tập trung ở đó cho đến khi không còn gì ngoài trạng thái đồng nhất. Sau đó hãy tự hỏi: đó là nam hay nữ? Không có “nam” hay “nữ” gì hết trong đó. Nó không dán nhãn trên bất cứ thứ gì. Và khi con đã đạt được điều đó, thì mọi vấn đề kết thúc ở đó.

Diệu Liên Lý Thu Linh 10-2024

(Lược dịch từ A Single Mind, do Tỳ-kheo Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh, 5-2-1980)

Cư sĩ Trí Tâm là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Phát Bồ-đề tâm

Tin tiếp

Săn sóc cha mẹ khi già bệnh