Sự kết hợp nhiều cao độ khác nhau theo quy luật tạo thành giai điệu; mối tương quan giữa các trường độ nối tiếp nhau làm nên tiết tấu; thay đổi về cường độ hình thành sắc thái; còn âm sắc giúp nhận biết sự khác nhau giữa các loại âm thanh.
Cùng một cao độ, nhưng tiếng mõ khác tiếng chuông, tiếng trống khác tiếng kèn, giọng người này khác giọng người kia… Nhờ âm sắc mà chúng ta nhận ra sự khác biệt đó.
Pháp khí là những khí cụ sử dụng trong hoạt động Phật sự, Pháp sự tại tự viện, đạo quán với mục đích trang nghiêm đạo tràng, thỉnh nguyện, tu trì, cúng dường, pháp hội, như: Phật đường, Đàn tràng, chùy Kim cang, chuông (lắc) Kim cang, tràng hạt, bình bát, chuông, trống, mõ, não bạt, mộc bản… trong đó có những pháp khí sử dụng âm thanh đặc hữu, mang tính chu kỳ để tham gia thực hành nghi lễ, như: trống, chuông, mõ, linh, mộc bản, đẩu, pháp loa, tù và, ốc biển (hải loa)… cộng thêm sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ: đàn, sáo, kèn, trống (lễ) xoay quanh âm sắc chủ đạo là giọng người.
Cuốn: “Nghệ thuật Mật giáo” của Khamtrul Rinpoche có đoạn viết: “Đa số pháp khí có nguồn gốc từ các vũ khí được sử dụng trên chiến trường và các đồ vật nơi khu vực hỏa táng trong nghĩa địa. Là những hình ảnh chủ yếu về sự phá hủy, tàn sát, chết chóc và thuật gọi hồn, những vũ khí hay đồ vật này được thu hồi khỏi tay của quỷ dữ và biến thành biểu tượng chống lại căn nguyên khởi sinh quỷ dữ, sự chấp thủ bản ngã” (1). Tác giả cuốn sách này được coi là hóa thân của đức Đạo sư Liên Hoa Sinh, tinh thông nhiều lĩnh vực, như hội họa, điêu khắc, thi ca, lễ nhạc… của nghệ thuật Mật giáo. Vì vậy, nhận xét của ông có giá trị tham khảo nhất định, đặc biệt trong phạm vi Mật giáo. Đến ngay như chiếc mõ sử dụng trong nghi thức tụng kinh, trì chú hay niệm Phật cũng mang giá trị biểu trưng của thứ “vũ khí” dùng để hàng phục vọng tâm, tạp niệm, bên cạnh chức năng tu trì nhằm đạt tới cảnh giới “Định”. Hoặc như chiếc não (tiểu bạt) trong lễ Vu lan, Tang lễ của người Triều Châu, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh dùng lúc hóa tiền, vàng, hàng mã… có tác dụng trấn áp tà ma, không cho xảy ra tình trạng tranh giành, cướp đồ lẫn nhau giữa những oan hồn dưới cõi âm. Âm thanh mang tính chu kỳ gồm 5 tiếng lặp đi lặp lại tượng trưng cho hiệu của đức Phật A Di Đà (Nam Mô A Di Đà)… Tất nhiên, trong phạm vi pháp khí kiêm chức năng nhạc khí, không phải khí cụ nào cũng có nguồn gốc chiến trường. Nhiều trường hợp thông qua âm thanh biểu hiện của pháp khí hướng tới mục đích cúng dường, từ hiện vật cụ thể như chuông, mõ, khánh, chiêng, trống, vật tự nó… cho đến âm thanh do pháp khí tạo ra.
Quan sát nhiều nghi lễ diễn ra ở các tự viện, đạo quán, đặc biệt như lễ Vu lan, pháp khí tham gia hoạt động pháp sự khá đa dạng, gồm: não, bạt, chuông, đẩu, chung, linh, mõ, trống, chiếu diện kính, pháp loa (hào đồng hay hiệu đồng), hải loa (ốc biển)… Trong đó, pháp khí kích âm bằng dùi, sử dụng phương pháp gõ đóng vai trò chủ đạo. Trong lĩnh vực âm nhạc, người ta dựa vào nhiều phương pháp phân loại nhạc khí, như: chất liệu tạo âm, có bát âm (bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, ti, trúc); cách kích âm, có thổi, kéo, gảy, vỗ, gõ, lắc…; dựa vào nguồn phát âm, có các họ: thân vang, màng rung, hơi, dây và điện tử. Phương pháp sau cùng được vận dụng phổ biến trong ngành Âm nhạc học. Theo đó, pháp khí tập trung chủ yếu vào ba họ:
Thân vang, gồm: chuông, chiêng (la), khánh (vân khánh, dẫn khánh) mõ, linh, não bạt, mộc bản, chiếu diện kính…
Màng rung, có: trống.
Hơi, có: pháp loa, hải loa (ốc biển), tù và...
Trong đó, pháp khí thuộc họ thân vang, kích âm bằng phương pháp gõ, lắc chiếm đa số. Màu sắc của pháp khí chịu sự chi phối bởi mấy yếu tố, thứ nhất: chất liệu tạo âm; thứ hai: phương pháp kích âm; thứ ba: hệ bồi âm.
Trước hết nói về chất liệu tạo âm, các pháp khí liệt kê trên đây đa số chế tác từ gỗ, như mõ, mộc bản; kim loại, như chuông, khánh, linh, não bạt, chiếu diện kính, pháp loa; chất liệu da, như trống. Phương pháp kích âm có thể bằng dùi, như: trống, chuông, đẩu, mộc bản, mõ; lắc, như: linh (chuông nhỏ) hay va đập, cọ xát giữa hai vật thể cứng, như: não, bạt. Cả chất liệu tạo âm và cách thức kích âm đều góp phần tạo nên hiệu quả âm thanh khác nhau, gián tiếp ảnh hưởng đến âm sắc. Chẳng hạn pháp khí chế tác bằng chất liệu gỗ, như mõ, mộc bản… tùy thuộc vào kích cỡ, càng lớn càng phát ra âm thanh trầm, ấm. Pháp khí chế tác bằng kim loại, tùy thuộc vào kích cỡ, càng nhỏ càng có âm thanh đanh, lảnh. Đi kèm với chất liệu tạo âm là phương pháp kích âm. Nếu sử dụng dùi gõ, âm thanh tạo ra vang, chắc khỏe, sử dụng bàn tay kích âm với các thủ pháp vỗ, đập, chặn, cọ xát, bịt âm… tạo ra âm sắc phong phú, cường độ biến hóa đa đoan. Có loại pháp khí kích âm bằng thủ pháp gõ, lắc, va đập giữa hai vật thể tạo âm, như linh, não bạt… mặc dù cũng thuộc họ thân vang, nhưng thông qua cách thức này tạo nên âm sắc rất riêng. Bản chất âm thanh của các pháp khí nhằm đem đến cho hoạt động nghi lễ tính chất linh thiêng, trang nghiêm, thanh tịnh, điềm tĩnh… cộng hưởng với phương thức hòa tấu cùng giọng xướng, tán, niệm, thỉnh, sám, nguyện… của tăng lữ khiến cho âm nhạc Phật giáo giành được một vị trí đặc biệt trong nghệ thuật tôn giáo.
Xuất phát từ sự độc đáo về âm sắc, nên pháp khí kết hợp nhau chủ yếu dựa trên thủ pháp hòa sắc, chứ không phải hòa thanh. Hòa thanh là sự kết hợp nhiều âm thanh, trong đó có những âm đồng chất. Nghệ thuật hòa sắc cũng kết hợp nhiều âm thanh, nhưng chủ yếu gồm những âm thanh khác nhau về âm sắc. Có lẽ chỉ có mõ mới thường xuất hiện bằng thủ pháp hòa thanh, bao gồm nhiều chiếc cùng tề tấu (diễn tấu âm hình tiết tấu giống nhau). Những pháp khí khác, như linh, chuông, khánh, chiếu diện kính, trống, mộc bản… chủ yếu kết hợp đơn chiếc trên cơ sở hòa sắc. Điều này phát huy được lợi thế của pháp khí, đồng thời chứng tỏ sở trường đa sắc của chúng trong khi kết hợp với nhau. Thông qua đó, mỗi pháp khí tự làm nổi bật vai trò của mình thông qua âm sắc đặc trưng, cũng như vị trí xuất hiện trong âm nhạc khoa nghi, như mõ với âm sắc mộc, duy trì nhịp điệu đồng độ, khánh (cũng gọi là chuông) có âm thanh ngân vang thường xuất hiện cuối câu, linh (chuông lắc) nhờ thủ pháp kích âm bằng các viên kim loại bên trong va đập nhau, nên có sở trường về âm reo (tremolo) thường nằm trước vị trí kết câu…
Thủ pháp hòa sắc phổ biến trong âm nhạc cổ truyền nước ta, nhờ đó làm nên đặc trưng thẩm mỹ truyền thống. Trong lĩnh vực cổ nhạc, hiếm khi xuất hiện cùng một lúc nhiều nhạc cụ có chung âm sắc kết hợp nhau như ở âm nhạc phương Tây. Dàn nhạc giao hưởng tuy có biên chế đồ sộ lên tới hàng trăm người, nhưng cơ cấu tổ chức tập trung vào bốn bộ, gồm: dây, gỗ, đồng, gõ. Các bộ này kết hợp với nhau dựa trên nhiều nhạc cụ đồng sắc, như nhiều cây violon, viola, cello… Trong khi dàn nhạc cổ truyền, như Đờn ca Tài tử chẳng hạn, với biên chế căn bản, gồm: kìm, cò, tranh, độc, nhưng từng loại nhạc cụ tham gia hòa tấu bằng âm sắc đặc trưng, độc nhất vô nhị. Không giống như tư duy hòa thanh sử dụng nhiều loại nhạc cụ đồng chất. Nếu vận dụng tư duy thẩm mỹ phương Tây áp dụng vào nhạc Ta, như Đờn ca Tài tử sử dụng 10 cây đàn kìm, 5 cây đàn bầu, 6 cây đàn nhị… Như vậy, không những không phát huy được vẻ độc đáo qua âm sắc nhạc cụ mà còn dẫn tới tình trạng thiếu hòa quyện giữa các nhạc cụ đồng chất, như đàn bầu cùng một lúc xuất hiện hai cây, vì tính chất phi định âm, lại sử dụng vòi đàn thay đổi cao độ dễ dẫn tới hiệu quả âm thanh “lệch pha”, thậm chí như “ong vỡ tổ”.
Trở lại âm sắc pháp khí, nhờ đặc trưng riêng đã mang lại vẻ đẹp huyền bí, thoát tục trong môi trường tín ngưỡng linh thiêng. Âm nhạc cổ truyền Ấn Độ có chiếc trống Tambla sử dụng thủ pháp kích âm bằng tay, kết hợp với tính chất định âm theo vị trí xác định trên mặt trống có thể tạo nên sự biến ảo vô cùng kỳ diệu, phong phú về âm sắc. Trống cơm thuở xưa sử dụng cơm nhão phết lên màng trống (bao gồm 2 mặt) để định âm. Nhờ cách này đã mang lại âm sắc đa dạng, đồng thời có tác dụng định âm (điều chỉnh cao độ) cho trống.
Xét về tính chất vật lý của âm sắc nói chung và âm sắc pháp khí nói riêng, chúng đều phụ thuộc vào cấu trúc hệ bồi âm. Hệ bồi âm gồm một hàng âm tạo bởi sự khúc chiết các dao động độc lập, trong đó có 1 âm cơ bản. Âm cơ bản có tần số bằng cả chiều dài vật tạo âm. Âm cơ bản có cường độ mạnh nhất, nên, cơ quan thính giác của chúng ta đa số chỉ nghe thấy âm cơ bản. Nếu lấy dây đàn làm ví dụ. Âm cơ bản tạo bởi tần số của cả chiều dài sợi dây. Vì, sợi dây dài, biên độ dao động (của sợi dây) rộng, nên âm thanh phát ra (cường độ) lớn. Bởi vậy mà cơ quan thính giác dễ dàng tiếp nhận. Ngược lại, đối với những dao động độc lập hình thành bởi sự khúc chiết các đoạn khác nhau trên tổng chiều dài sợi dây (hay vật thể phát âm) tạo thành, cơ quan thính giác của con người hoàn toàn không thể tiếp nhận. Nói cách khác, một vật thể tạo âm không chỉ có một dao động mà còn có rất nhiều dao động khác tham gia. Tuy không được cơ quan thính giác ghi nhận, nhưng chúng đóng vai trò tô điểm cho âm cơ bản nhằm tạo nên âm sắc đặc trưng, như những âm thanh trầm ấm, sáng sủa, ảm đạm, ngân vang… Tất cả âm sắc đều tạo bởi thành quả chung của nhiều dao động độc lập, nhưng đa số không được ghi nhận, ngoại trừ âm cơ bản. Tính chất vật lý này khiến chúng ta liên hệ tới luân lý đạo đức trong xã hội. Thành quả của một con người cũng được tạo bởi vô số người âm thầm hộ tr ì, giúp đỡ, trong đó có cả những người chết trước khi ta sinh ra và sinh ra sau khi ta mất đi. Giới hạn trong khoảng thời gian hiện hữu, thành quả của chúng ta cũng phản ánh kết quả của vô vàn con người hữu danh lẫn vô danh. Tính chất này thị hiện trong cả thế giới hình sắc hữu hình và âm thanh vô hình. Và âm sắc chính là một ví dụ điển hình minh họa sống động cho thực tế đó. Thực tế ấy tuy không thể quan sát bằng mắt thường hay nhận biết thông qua cơ quan thính giác, nhưng nhờ thiết bị đo tần (số) hoặc thí nghiệm về sự dao động của vật thể tạo âm người ta đã sớm phát hiện cơ chế hoạt động và sự tồn tại của hệ bồi âm. Hệ bồi âm ẩn náu, “giấu mặt”, nhưng góp phần tạo nên âm sắc đặc trưng của các vật thể phát thanh, trong đó có pháp khí.
Như vậy, một âm thanh sinh ra bao giờ cũng là kết quả tổng hợp của muôn vàn dao động của cả vật thể tạo âm, trong đó có một âm cơ bản và hàng bồi âm. Hàng bồi âm với đặc tính của mình tham gia tô điểm cho âm cơ bản, tạo nên âm sắc cho âm thanh. Giọng người, tiếng đàn hay tiếng pháp khí sở dĩ khác nhau về âm sắc là vì cấu trúc hệ bồi âm. Chúng như những âm thanh ẩn tàng sau âm cơ bản nhằm tạo nên sự khác biệt. Một tiếng chuông do vị cao tăng đắc pháp đạt tới cảnh giới “Đại định” gõ lên có khả năng ngân rền ba cõi. Xét về nguyên lý tạo âm, hệ quả đó quyết định bởi hệ bồi âm. Chúng ta khen một tiếng đàn đẹp hoặc giọng hát hay thực chất đã gián tiếp bình phẩm cho sự đóng góp thầm lặng của hệ bồi âm. Vì, những âm thanh đó không được quán chiếu bởi cơ quan thính giác, nên dễ dàng bị lãng quên. Song, bằng cách thị hiện qua màu sắc âm thanh, khắp thế giới âm thanh đều có sự tham gia của hệ bồi âm. Chúng đóng vai trò gia trì cho âm cơ bản nhằm tạo nên màu sắc, căn tính của âm thanh. Cùng một bản nhạc, nghệ sĩ bậc thầy diễn tấu khác một học sinh mới bước chân vào lĩnh vực âm nhạc. Tương tự như vậy, cùng một pháp khí, nhưng các vị cao tăng, đắc pháp sử dụng khác hẳn một sa di mới chập chững trên con đường tu tập. Bởi vậy, trong các nghi lễ quan trọng, linh, bạt, đẩu… thường nằm trong tay những vị cao tăng, pháp sư, sám chủ, thầy cả... Họ mới đủ định lực để huy động sức mạnh âm thanh quyền biến của pháp khí. Thông qua pháp lực của bản thân nhằm lôi kéo âm sắc kỳ diệu của pháp khí ra khỏi hình tướng bất biến, từ đó tạo nên sự biến ảo kỳ diệu trong thế giới âm thanh vô hình, nhiệm mầu.
Chú thích: 1. Khamtrul Rinpoche: “Nghệ thuật Mật giáo”, Nxb Mỹ thuật, năm 2010, tr. 62.