03/06/2024

Phật lịch được tính như thế nào?

Bạn Lưu Ly thân mến!

Niên đại Đản sinh và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca, về phương diện nghiên cứu độc lập hiện tồn nhiều thuyết khác nhau, nhưng về phương diện phổ quát, Phật giáo thế giới đều thống nhất Đức Phật Thích Ca đản sinh năm 624 (trước Tây lịch) và nhập Niết-bàn năm 544 (trước Tây lịch), trụ thế 80 năm.

Về Phật lịch, Phật giáo thế giới lấy mốc năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn để tính năm đầu Phật lịch (544 trước Tây lịch). Khởi nguyên từ Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức lần thứ I tại Sri Lanka (Tích Lan) vào năm 1950, toàn thể đại biểu Phật giáo đại diện 26 quốc gia thống nhất lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn làm mốc để tính năm đầu Phật lịch (cờ Phật giáo thế giới cũng được quyết nghị công bố và áp dụng tại Đại hội lịch sử này). Đến Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ VI, tổ chức tại Campuchia vào năm 1961, thống nhất ngày kỷ niệm Phật đản sinh trên toàn thế giới là ngày rằm tháng Tư âm lịch (ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ).

Cách tính Phật lịch là lấy năm Đức Phật nhập Niết-bàn cộng với năm hiện tại. Ví dụ, năm 2023 thì Phật lịch được tính: 544 + 2023 = 2567. Tuy nhiên, nói năm 2023 ứng với Phật lịch 2567 là nói chung, chính xác phải tính được ngày để sang năm mới Phật lịch.

Hiển nhiên, Phật giáo thế giới đã chọn năm Phật Thích Ca nhập diệt làm mốc tính năm đầu Phật lịch thì chắc chắn ngày sang trang Phật lịch trong năm phải là ngày kế sau ngày Đức Phật nhập diệt. Nhưng thực tế hiện nay, ngày sang trang Phật lịch trong năm lại là ngày kế sau ngày Đức Phật đản sanh (ngày 16-4 âm lịch).

Vì sao như vậy?

Theo Phật giáo Bắc truyền, Đức Phật Thích Ca đản sanh ngày 15-4 âm lịch (trước năm 1960 là ngày 8-4 âm lịch), Thành đạo ngày 8-12 âm lịch và Nhập diệt ngày 15-2 âm lịch. Theo Phật giáo Nam truyền, ngày 15-4 âm lịch (ngày trăng tròn tháng Vesak) là ngày Đại lễ Tam hợp, kỷ niệm ba sự kiện Phật Thích Ca Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn. Hiện Phật giáo thế giới đã chuẩn hóa ngày sang trang Phật lịch là ngày kế sau ngày Phật Niết-bàn (ngày 16-4 âm lịch) hàng năm. Nhưng vì ngày Phật nhập diệt trùng với ngày Phật đản sanh (theo Phật giáo Nam truyền) nên khiến nhiều người nghĩ rằng sau ngày Phật đản là ngày sang trang Phật lịch.

Như vậy, sau khi xác định được ngày sang trang năm mới Phật lịch là ngày 16-4 âm lịch hàng năm, thì ngay trong năm 2023, trước ngày 16-4 âm lịch (trước 3-6-2023) Phật lịch vẫn tính 2566, từ ngày 16-4 âm lịch (3-6-2023) trở đi cho đến Phật đản năm sau, Phật lịch được tính 2567.

Như đã trình bày, hai truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới đều thống nhất về năm Phật lịch đầu tiên là năm Đức Phật nhập Niết-bàn. Tuy vậy, về ngày Đức Phật nhập Niết-bàn giữa hai truyền thống Phật giáo có chút khác biệt (Nam truyền ngày 15-4 âm lịch, Bắc truyền ngày 15-2 âm lịch), và Phật giáo thế giới chọn ngày 16-4 âm lịch để sang trang năm mới Phật lịch là theo Phật giáo Nam truyền.

Chúc bạn tinh tấn!

Cư sĩ Trí Quảng là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Phật giáo cần ứng xử phù hợp trước cơn bão truyền thông

Tin tiếp

Bất biến và tùy duyên