04/02/2024

Nhất tâm bất loạn

Liên Trì Đại sư chia có “sự nhất tâm” và “lý nhất tâm”.

Phân tích thì thấy sự nhất tâm có hai loại: một là tịnh niệm tương tục (nhớ nghĩ thanh tịnh nối nhau), hai là định tâm hiện tiền (thực hiện được sự định tâm).

Nội tâm của chúng sanh hết sức là phức tạp, đặc biệt là phiền não, tập khí, từ vô thỉ đến bây giờ, nằm êm trong thâm tâm nhưng muốn khởi dậy lúc nào là khởi, rất khó mà làm cho tâm bất loạn. Công đức vô biên của Phật pháp cốt yếu là do định lực mà khai phá sự nhất tâm bất loạn.

Những tâm niệm bất tịnh, tức tán loạn, là do tâm hư vọng phân biệt mà có, mà phân biệt tức là vọng tưởng.  Những tâm niệm này khả dĩ bao quát tất cả hữu lậu tâm, cho nên dầu là niệm Phật, niệm Pháp, ở cương vị chúng sanh mà nói, đều chẳng ngoài hư vọng phân biệt tâm.  Đứng về mặt chứng ngộ mà nói, thì đó toàn là vọng tưởng. Nhưng đứng về mặt nhất tâm bất loạn mà nói, vọng tưởng vẫn có cái diệu dụng của nó. Thật vậy, tại hư vọng phân biệt tâm và tâm sở, có thiện tâm sở và ác tâm sở. Thiện tâm sở như những thiện niệm đối với Phật, với Pháp; ác tâm sở như những phiền não của tham, sân, si. Người mới học Phật cứ tưởng đừng phân biệt, đừng vọng tưởng là xong. Không phải dễ như vậy đâu!

Vì cái khó này mà trước tiên cần phải dùng thiện niệm để đối trị ác niệm, lấy tịnh niệm khử trừ nhiễm niệm. Niệm Phật là một trong những phương pháp này: một niệm A-di-đà Phật khả dĩ trừ khử các thứ bất tịnh vọng niệm. Tuy nhiên, trong thiện niệm, tịnh niệm, chưa ắt là không có sự loạn tâm, thí dụ như lúc thì niệm Phật, rồi lúc kế đó lại niệm Pháp, tuy biết cả hai thứ niệm đều là thiện niệm, nhưng vẫn có sự tán loạn. Vì vậy mà cần tu tịnh niệm, niệm niệm thuần nhất và như một dòng nước chảy. Trong lúc đó, chẳng những ác niệm không khởi mà ngoài niệm A-di-đà Phật, cũng chẳng còn một thiện niệm nào khác xen vào, nghĩa là niệm niệm đều là Phật, đó gọi là tịnh niệm tương tục (nhớ nghĩ thanh tịnh nối nhau) và đó cũng là tướng ban sơ của nhất tâm bất loạn. Trong chỗ tu hành, đây chẳng phải là điều khó khăn thái quá nhưng cũng chưa phải là bằng chứng đắc định.

Nhất tâm bất loạn-0

Những tâm niệm bất tịnh, tức tán loạn, là do tâm hư vọng phân biệt mà có, mà phân biệt tức là vọng tưởng.

Có điều này xin lưu ý các hành giả là trong những lúc mình tưởng là tịnh niệm tương tục, có những chốc lát tán loạn nó xảy đến dưới hình thức hôn muội mà mình không hay, ấy là vì, thật sự, tâm mình chưa hẳn lìa tạp niệm. Nếu tâm được đặt trên một niệm, chẳng còn chạy theo ngoại cảnh, thì một khi con ngựa tâm phóng mình chạy bậy, liền dùng Phật niệm mà kéo nó về.

Một niệm một niệm, chỉ có Phật niệm, lìa trạo cử, lìa hôn trầm, không có tạp niệm xâm nhập, không có gián đoạn, rõ rõ ràng ràng, đó là nhất tâm bất loạn.

Niệm Phật chẳng phải tại thời gian dài ngắn, chẳng phải tại ít nhiều mà chủ yếu tại đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn. Như trong Kinh nói: Niệm Phật hoặc một ngày hoặc chí bảy ngày, một niệm dĩ chí mười niệm. Như vậy, chẳng luận thời gian dài ngắn, nếu thật năng buông thả muôn duyên, chỉ có một tịnh niệm Di-đà, khiến cho niệm niệm tương tục dầu trong một khoảng thời gian ngắn, là đạt đến nhất tâm bất loạn rồi vậy.

Thực hiện được cái tịnh niệm tương tục là tự ban cho mình sự bảo chứng vãng sanh Tịnh độ. Lại nữa, trong khoảng thời gian thực hiện được cái tịnh niệm tương tục này, hành giả hưởng được nhiều cái vui sướng tinh thần gọi là  thanh tịnh pháp lạc, hoặc mũi bắt được mùi hương nhiệm mầu, hoặc mắt thấy được ánh quang minh rực rỡ.

Sau giai đoạn nhất tâm bất loạn, là tới giai đoạn định, một giai tầng cao hơn.

Định có điều kiện của nó, và điều kiện đó chẳng phải kiết già phu tọa ngồi yên một chỗ.  Trước hết phải cột niệm vào chỗ ngừng dứt, ngừng dứt xong chừng ấy mới cố định tâm. Nhưng trước khi đạt đến cái định cùng tột tế vi, thân tâm thường trải qua một cảnh giới do tự kỷ bị đục vẩn và vọng tưởng gây ra, nên biết đó chỉ là một ít ánh sáng của sự thanh tịnh mà thôi.

Niệm Phật mà được định thì gọi là “niệm Phật tam muội”. Trong lúc được định này, năm thức trước là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt và thân không có khởi, duy có ý thức còn hoạt động, vì vậy mà xưng danh niệm Phật hay quán tưởng niệm Phật đều có thể hiện thấy Phật A-di-đà. Thậm chí chưa đến mức tịnh niệm nối tiếp nhau, vẫn có thể nằm mộng thấy Phật A-di-đà, nhưng đó là cảnh chiêm bao, không nhất định là đã vãng sanh.  Chỉ khi nào trong chánh định hiện thấy A-di-đà mới là bảo chứng của sự vãng sanh. Không có việc tín nguyện niệm Phật mà nhất định được vãng sanh, dầu có thể đạt đến việc thành tựu sự quán Phật.  Đã đành do Phật chuyển giáo cho nên phát nguyện tức là có thể vãng sanh, tuy nhiên nói rằng Phật là đại từ che chở khắp nơi, chẳng lúc nào là chẳng cứu độ, vấn đề ở chỗ chúng sanh có khả năng hay chẳng có khả năng tiếp lãnh ân huệ của Phật. Chúng sanh mà năng khiến tâm mình lần hồi quy nhất, tâm địa thanh tịnh, các hoặc nghiệp và những chướng ngại trọng đại khử trừ hết, thì nguyện của chúng sanh và nguyện của Phật có thể tương cảm tương thông mà hiện thấy Di-đà, vãng sanh Tịnh độ.  Đây là trường hợp làm tỏ rõ tác dụng của nguyện lực từ bi.

Có hạng chúng sanh bình thời chẳng biết Phật pháp là gì, đến lúc mạng sắp cáo chung, may gặp bạn lành chỉ bảo cho, hết lòng ăn năn tội lỗi trong quá khứ, rồi năng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, một lòng chí thành khẩn thiết niệm được mấy câu A-di-đà Phật và được vãng sanh Tịnh độ. Ấy là vì một mặt bị cái chết uy hiếp, một mặt hết sức sợ hãi cho nên tín nguyện trở thành đặc biệt thâm thiết, làm cho trong một khoẳng khắc được nhất tâm bất loạn mà được vãng sanh vậy.

Cư sĩ Trí Tuệ là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Kẻ cướp trở thành môn đồ

Tin tiếp

Tầm quan trọng của chánh định