Ngu là cái gì đó rất không hạnh phúc khi có người vô tình hay cố ý dùng ngôn ngữ hoặc hình ảnh bình phẩm mình. Tuy nhiên, nếu muốn tịnh hoá tự thân, vượt thắng phiền não và thành tựu thánh trí, mình không thể không đối diện với cái ngu của mình.
Ngu, tên gọi khác trong kinh Phật là vô minh.
Vô minh là trạng thái tăm tối của nhận thức. Một người ngu hay vô minh, nhận thức của người ấy rất tăm tối. Người ấy không thấy biết như thật nhân quả, không thấy biết như thật nghiệp báo, không nhìn được như thật bản chất vô thường, có khổ và vô ngã của sự sống. Thế giới của người ấy giới hạn trong sinh tồn và hạnh phúc của người ấy giới hạn trong hưởng dục. Bố thí, thiền định và trì giới là cái gì đó rất xa lạ. Tự do trong tĩnh lặng và hạnh phúc trong cho đi là cái gì đó quá mới mẻ.
Người vô minh nhìn đâu cũng chỉ thấy phải giết, phải cướp, phải dối, phải tham, phải thủ và phải sân. Những bất thiện người ấy đã làm, người ấy không bao giờ thấy. Những bất thiện người ấy đã thấy, người ấy không bao giờ sửa. Người ấy rất ít thấy lỗi mình và cứ để cho cái tôi u mê tiếp tục dẫn dắt suy nghĩ, lời nói và hành vi. Trong nhiều trường hợp, người ấy biện minh cho cái ngu của mình bằng việc gia tăng cường độ ngu.
Khi một người thật sự bước chân trên con đường tịnh hoá tự thân, vượt thoát phiền não và thành tựu thánh trí, cái ngu trong người ấy sẽ bắt đầu được soi sáng. Rất đẹp, người ấy thấy mình ngu rất nhiều. Mình ngu trong tham dục, mình ngu trong sân hận, mình ngu trong chấp thủ. Rất nhiều cái ngu muội và yếu kém được người ấy nhìn thấy và làm mới. Người ấy biết mình có ngu và cũng biết mình đang chuyển hoá những cái ngu mình có. Chứng minh, thể hiện là cái gì đó mất dần ý nghĩa trong tâm thức người biết mình còn ngu.
Đức Phật Gotama nói: “Người ngu biết mình ngu, là người trí. Người ngu nghĩ mình trí, là người (trí) ngu”.[1] Ngài nói thêm: “Người ngu si thiếu trí, nên bị tự ngã dẫn dắt làm các nghiệp bất thiện. Do các nghiệp bất thiện đã làm, người ấy chịu khổ đau”.[2] Lão Tử (老子) cũng nói: “Hiểu người là khôn, hiểu mình là khôn thật sự.[3]”
Khi chúng ta ý thức được “mình có ngu” trong ánh sáng trải nghiệm cá nhân và minh triết của nhân loại, chúng ta bắt đầu không còn sợ “ngu” nữa. Ngu trở thành chỉ dấu nhận biết những giới hạn để chúng ta tiến bộ. Ngu làm cho chúng ta hiểu mình và trở nên minh triết thật sự. Có ngu, biết có ngu. Chưa có ngu, biết chưa có ngu. Ngu ở đâu, biết ngu ở đó. Ai chỉ cái ngu cho mình, mình biết ơn. Mình không còn sợ ngu, cho nên mình cũng không mặc cảm vì có ngu nữa.
Tất nhiên mình cũng không có gì kiêu ngạo, bởi lẽ mình biết mình có ngu và mình cũng biết rõ cái ngu có những đẹp đẽ riêng của nó khi được soi sáng trong trái tim trách nhiệm và ý thức biết mình.
Nhuận Đạt
---------
[1]Kinh Pháp Cú
[2]Kinh Pháp Cú
[3]自人者智,自知者明。