20/02/2024

Người mẹ đông con

Người mẹ đông con-0

Ảnh minh hoạ.

Bà bận rộn chuyện nuôi nấng, dạy dỗ rồi lập gia đình cho từng đứa. Cuối cùng, khi ông chồng xuất gia theo Phật, bà cũng chọn đời sống tu tại gia, và dặn dò 10 đứa con lo phần chu cấp cho mình đầy đủ.

Những người con trái lại, không thích đời sống đạo đức của cha mẹ, họ cho rằng thật vô lý khi từ bỏ của cải bạc tiền, chỉ chuyên tâm tu đạo. Thái độ của họ trở nên khinh thường, không nhớ đến ân nghĩa, xem mẹ như gánh nặng phiền phức. Như Phật từng nói, người biết tri ân thật hiếm hoi ở trên đời.

Với bà mẹ, đó thật là điều gây sốc. Tâm tư tình cảm của bà đầy đắng cay trách móc. Bà đã thương yêu các con biết bao nhiêu mà giờ đây chúng đối xử thật tệ. Có phải bà tin tưởng rằng tuổi già mình được đền đáp, chăm lo chu đáo? Bà suy nghĩ, ngày tháng trống rỗng càng làm bà tự tìm hiểu nhìn kỹ vấn đề. Cuối cùng, bà nhận ra lời dạy của Đức Từ phụ như ánh sáng soi tỏ nguồn cơn. Ngài dạy rằng, người phụ nữ không dựa vào của cải, quyền lực, tài năng mà chỉ dựa vào con cái. Trong khi đó, bậc tu hành chỉ dựa vào phẩm hạnh của mình.

Từ chiêm nghiệm này, bà xin vào Ni đoàn xuất gia. Cuộc sống xuất gia với một Sa-di già thật là nhiều bỡ ngỡ. Bà đã mang theo vô số thói quen của đời sống cũ. Không dễ dạy, khó sửa đổi, luôn luôn bị các sư nữ trẻ lên lớp điều này điều nọ. Té ra, đời sống trong tu viện cũng không phải thiên đường. Sona biết rằng mình sẽ phải dũng cảm để vượt qua bản thân, kiên quyết trở thành một tu sĩ phẩm hạnh và thấu đạt Chánh pháp, không còn là người yếu ớt.

Bà thực tập chánh niệm và Thiền minh sát, khẩn trương thúc đẩy bởi thời gian còn rất ít. Thức trọn đêm tọa thiền, đi kinh hành theo mấy cây cột hành lang, để khỏi vấp té bà chú tâm vào từng bước chân. Nuôi dưỡng tỉnh giác và thiền quán, dần dần những phiền não lậu hoặc được tịnh trừ, con đường thánh hạnh dần mở rộng, cứ thế bà tỏa sáng với chính mình.

Sự chứng đắc Thánh quả A-la-hán của Sona xảy ra không có nhân duyên đặc biệt nào báo trước, trong khoảng thời gian tất cả Tỳ-khưu-ni rời viện, để bà một mình ở nhà. Bà thuật lại sự kiện:

Các Ni rời tu viện

Để tôi lại một mình.

Họ dặn tôi đổ nước vào

Một chảo to để đun sôi.

Sau khi đã đi lấy nước,

Tôi đổ nước vào chảo to,

Đặt lên bếp, và ngồi xuống.

Rồi tâm trở nên định tĩnh.

Tôi thấy ngũ uẩn là vô thường,

Là khổ, bất toại, và vô ngã.

Tẩy trừ mọi ô nhiễm trong tâm,

Ngay lúc ấy tôi đắc A-la-hán.

(Ap. Ii, 3:6, vv.234-36)

Khi các Tỳ-khưu-ni trở về hỏi đến nước nóng, Sona vẫn chưa nấu sôi. Rồi dùng thần lực chú tâm vào yếu tố lửa, Thánh Ni Sona nhanh chóng đun sôi chảo nước và dâng chư Ni. Chư Ni trình sự kiện này lên Đức Phật. Ngài hoan hỷ và thốt bài kệ tán dương quả vị giải thoát cao quý nhất mà Sona vừa đạt được:

Dù sống một trăm năm

Nhác lười không chuyên cần,

Không bằng sống một ngày

Nhiệt tâm khởi tinh tấn.

(Dhp, 112)

Do phẩm hạnh trên, Đức Thế Tôn tán thán rằng trong hàng đệ tử Tỳ-khưu-ni, đệ nhất tinh tấn là Sona. (AN 1:14)

Trong Trưởng lão Ni kệ, Sona mô tả đời mình qua năm câu kệ:

Ta mang mười đứa con,

Trong thân mỏng manh này.

Rồi khi ta già yếu

Đến gặp một Ni sư.

Ni sư thuyết ngũ uẩn,

Căn trần, và tứ đại.

Nghe được lời Pháp bảo,

Ta cắt tóc xuất gia.

Khi còn đang tu tập

Ta thanh tịnh thiên nhãn;

Giờ thấy được tiền kiếp,

Nơi nào ta đã sống.

Với nhất tâm, an trụ,

Định trong thiền vô tướng

Tức thời ta giải thoát,

Dứt chấp thủ, tịch tĩnh.

Thấu suốt ngũ uẩn thủ,

Chặt được tận gốc rễ.

Hỡi tuổi già khốn khổ:

Từ nay ta vô sanh.

(Thig. 102-106)

Cư sĩ Trí Phật là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

“Trong thanh tao có thần kỳ, trong thanh tao có vi diệu”

Tin tiếp

Ý nghĩa tụng kinh Dược Sư và niệm Phật Dược Sư