10/02/2024

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng

Nằm trên địa bàn thôn Vàn, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá, chùa Rồng còn gọi Long Sơn tự là điểm du lịch tâm linh tín ngưỡng lâu đời của Nhân dân. 

Chùa Rồng được xây dựng từ thời Hậu Lê, dưới chân núi Rồng vì thấy núi giống hình rồng bay. Chùa Rồng là một điểm du lịch tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời.

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng-0

Theo các cụ cao niên ở thôn Vàn, xã Cẩm Thạch kể lại, trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, khi  Lê Lợi đi ra phía Bắc, qua huyện miền núi Cẩm Thủy, thấy phong cảnh thôn Vàn, xã Cẩm Thạch, có thế núi tựa rồng bay liền cho quân dựng trại, chiêu mộ thêm binh lính.

Sau này, Lê Lợi chọn địa điểm này làm khu đóng quân và tìm các hang động trên núi Rồng để cất trữ lương thảo, rèn đúc vũ khí, là nơi cho nghĩa quân luyện tập. Quá trình đóng quân tại địa phương, Lê Lợi “phải lòng” bà Phạm Thị Ngọc Bích và lấy làm thứ phi. Sau đó, Lê Lợi cho xây dựng Chùa rồng dưới chân núi Rồng, vì thấy núi giống hình rồng bay.

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng-1

Hiện nay, trên núi Rồng vẫn còn hang lò rèn, hang trâu; đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Bích được đặt  tại thôn Vàn, xã Cẩm Thạch. Trong Chùa Rồng hiện có 2 giếng Tiên, nước trong vắt, không bao giờ cạn, nhân dân thường gọi là giếng “cầu con” và giếng “cầu của”.

Vì thế, nhân dân đến trẩy hội Chùa Rồng ai cũng đều thắp hương cầu tự, hoặc cầu tài, cầu lộc... Từ 2 giếng tiên, đi sâu vào bên trong có thêm một động Tiên với các bãi đá hình thù giống bãi ngô, khoai, cối xay lúa, núi tuyết.

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng-2

Những phiến đá tự nhiên trong chùa.

Phía trên động Tiên, có hình hai quả đào bằng đá trắng và các thạch nhũ nhiều màu nhìn rất bắt mắt. Vì thế, đến với lễ hội  Chùa Rồng, ngoài thỏa mãn nhu cầu về tâm linh, du khách còn thích thú leo núi, vãn cảnh chùa, thưởng thức cảnh đẹp trong động Tiên.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, năm 1992, chùa Rồng đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khác với nhiều chùa ở miền xuôi, chùa Rồng nằm trong hệ thống chùa người Mường đặt trong hang đá, quay mặt về phía ruộng cạn, xung quanh là rừng núi thâm u.

Ngôi chùa Rồng toạ lạc trong dãy núi đá vôi của làng Vàn, nơi đây xưa kia là trung tâm Mường Phấm có tên chữ là Thạch Lẫm. Đây là một mường lớn, là một vùng văn hóa của người Mường Phấm xưa là trung tâm của các mường: Mường Trám (Cẩm Thành), Mường Pứa (Cẩm Liên), Mường Vẩm (Cẩm Lương) và Mường Danh (Cẩm Bình).

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng-3

Ngôi chùa Rồng toạ lạc trong dãy núi đá vôi của làng Vàn.

Đường lên được ghép đá hoặc san bạt đá mà thành, các bậc đá còn đơn giản. Trong chùa có xây đắp những bệ trên đặt tượng Phật để thờ tự. Chùa Rồng còn một chuông đồng cỡ vừa, rất đẹp. 

Chùa Rồng có nhiều hang động như hang trâu, hang muối, thung phổ,… với nét đẹp hoang sơ, tự nhiên, tạo nên cảnh quan hấp dẫn và độc đáo cho nơi này.

Năm Rồng ghé thăm chùa Rồng-4

Chùa không có mái lợp mà che mưa nắng là mái đá. Theo đánh giá, Chùa Rồng vẫn là chùa hang còn nguyên sơ. Dưới chân chùa về phía đông bắc có một giếng nước ngọt trong và mát quanh năm. Không gian thoáng đãng, thanh tịnh của chùa Rồng mang đến cho người dân, du khách cảm giác bình yên, thư thái.

Để tô đẹp cho mùa xuân Giáp Thìn 2024, những ngày giáp Tết các sư Thầy và Phật tử chùa Rồng đã tạo dựng các mô hình, trang trí các tiểu cảnh nhằm mang thêm niềm vui và sự ấm áp cho mọi người khi đến chùa tham quan, lễ Phật và xin lộc đầu năm.

Lễ hội Chùa Rồng được nhân dân địa phương tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng nhằm ngưỡng vọng Đức Phật và tri ân công đức của các bậc anh hùng hào kiệt nghĩa quân Lam Sơn và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Cư sĩ Trí Tuệ là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Ngày xuân chúc nhau sống thọ

Tin tiếp

Mùa Xuân dưới cái nhìn của thiền sư