10/08/2024

Làm mẹ và hành thiền

Các vị Thánh trong Phật giáo thường được mô tả là từ bi như mẹ hiền, với sự kiên nhẫn vô tận của một người mẹ khi bón cơm, tắm giặt và chăm sóc con cái suốt ngày đêm. Thực ra, Phật giáo Nguyên thủy rất tôn trọng các bà mẹ đến nỗi hai vị Thánh đệ tử của Đức Phật, Sariputta (Xá-lợi-phất) và Mogallana (Mục-kiền-liên), được cho là “giống như người mẹ sinh con”“cô nuôi dạy trẻ”.

Tuy nhiên, trong Phật giáo, cũng như một số tôn giáo khác, quan điểm về chức năng làm mẹ rất phức tạp. Lòng mẹ từ bi được lý tưởng hóa - nhưng chế độ độc thân và giới pháp cũng được tôn vinh. Về mặt lịch sử, tôn giáo không có một ý thức hệ cốt lõi coi trọng hôn nhân và sinh sản như những đức tính trọng tâm cần được theo đuổi, hơn là việc nghiên cứu tâm linh và giác ngộ...

Trả ơn cha mẹ

Nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với chúng sinh là trọng tâm trong Giáo pháp, đặc biệt là đối với các bậc trưởng thượng. Phật tử được khuyến khích phải biết ơn những hy sinh mà cha mẹ đã chịu đựng để đưa họ vào thế giới này cũng như nuôi dạy họ nên người. Thực ra, việc bất hiếu với cha mẹ có thể đưa ta vào cõi địa ngục dành riêng cho những đứa trẻ vô ơn, dựa theo kinh thường được gọi là giáo lý về lòng hiếu thảo.

Phật tử có thể thể hiện sự tôn kính đối với cha mẹ hoặc những người được coi như cha mẹ trong cuộc sống của họ bằng cách chuẩn bị các bữa ăn hoặc tặng quà cáp. Quanh năm có nhiều nghi thức cụ thể khác mà Phật tử trẻ có thể tôn vinh cha mẹ. Ví dụ, ở Thái Lan, một số thanh thiếu niên tìm cách trả cái được gọi là “món nợ sữa” cho mẹ bằng cách tạm thời thọ giới và dành vài tuần sống với các nhà sư (xuất gia gieo duyên) - một truyền thống nhằm thể hiện sự báo hiếu và tôn trọng sâu sắc.

Tuy nhiên, nếu người mẹ không còn sống, vẫn còn nhiều cách để hướng lòng yêu thương đến bà. Một trong những cách phổ biến nhất là cúng dường thực phẩm tại đền thờ tổ tiên, chùa chiền hay các nơi thờ tự. Giống như việc nuôi dưỡng cha mẹ còn sống, nghi lễ này có ý nghĩa là làm cho Phật tử nhận thức được sự hy sinh của cha mẹ đã dày công nuôi dưỡng họ.

Món quà của Đức Phật

Phật tử thường tin rằng có nhiều cõi (sáu cõi) mà người chết có thể đến - một số thiên giới, một số địa ngục. Con cái có thể ngăn cản cha mẹ rơi xuống địa ngục và ở lại đó lâu bằng cách làm những việc tốt và hồi hướng công đức đến cho cha mẹ. Ngay cả nếu cha mẹ được tái sinh trong cõi trời, họ cũng có thể được duy trì ở đó nhờ những món quà về nghiệp tốt của con cái mình (hồi hướng đến).

Tuy nhiên, nhược điểm ở các cõi trời là chúng sinh ở đó chấp trước vào thức ăn, đồ uống, quần áo và những thú vui nhục dục khác. Trong nhiều truyền thuyết, các vị thần phải mất một thời gian để nhận ra giáo lý chính của Phật giáo: bản chất phù du, hư giả của tất cả các hiện tượng. Bất cứ điều gì bạn muốn hưởng thụ sẽ không kéo dài.

Theo truyền thống Phật giáo, mẹ của Đức Phật, bà Maya, may mắn vì bà có nghiệp tốt và đã trở thành thiên nữ sau khi chết. Dầu vậy sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật với tinh thần trách nhiệm của người con đã lên cõi trời nơi bà Maya cư ngụ và thuyết cho bà rằng ngay cả những thứ được hưởng thụ trên trời cũng nhạt nhòa so với sự giải thoát. Truyền thuyết nói rằng Đức Phật đã dành ba tháng để giảng cho thiên nữ Maya trên cõi trời những giáo lý thâm sâu nhất trong kinh điển Phật giáo - phức tạp hơn nhiều so với những gì Ngài đã dạy cha mình (vua Tịnh Phạn ở Ca-tì-la-vệ).

Thiền định và gia đình

Phật giáo châu Á, tính từ đầu phía Tây của Con đường tơ lụa ở Thổ Nhĩ Kỳ đến đầu phía Đông ở Trung Quốc, có đầy đủ các truyền thống sinh sản và số liệu sinh sản. Tuy nhiên, nhiều nơi ở châu Á, nơi Phật giáo được thực hành - đặc biệt là trong giới tu viện nghiêm mật - các văn bản tôn vinh sự tự do và giới đức của cuộc sống độc thân ở vị trí hàng đầu.

Phần lớn giáo lý của Đức Phật bắt nguồn từ ý tưởng rằng tất cả mọi thứ đều vô thường. Do đó, tất cả những ham muốn - bao gồm cả quan hệ tình dục hoặc việc lập gia đình - đều được coi là các hình thức trói buộc: Những ham muốn này trói buộc con người vào đời sống thế gian hơn là con đường trí tuệ hướng tới Niết-bàn.

Theo quan điểm này, ta nên kiềm chế ham muốn tình dục cũng như tánh tham ăn. Tình dục nói riêng (và tham dục nói chung) có tác dụng khiến việc thực hành thiền định trở nên khó khăn: thí dụ, thời gian dành cho gia đình, công việc để hỗ trợ gia đình, và nuôi dạy con cái. Việc đắm chìm trong dục vọng, Đức Phật thường cảnh báo mang đến nhiều nguy hiểm và khổ đau hơn là hạnh phúc.

Bát chánh đạo của Đức Phật đòi hỏi sự tập trung, thiền định - và tập trung là một món hàng quý giá, như mọi bậc cha mẹ đều biết. Bồ-tát Gotama đã rời bỏ vợ và con trai nhỏ của mình để tìm kiếm trí tuệ và giải thoát thông qua một cuộc sống thiểu dục. Sau khi đạt được giác ngộ, Ngài trở về quê hương - và lên cõi trời - để truyền đạt cho các thành viên trong gia đình những gì Ngài đã học và chứng nghiệm được.

Làm mẹ và hành thiền

Tùy theo văn hóa, người ta có thái độ khác nhau đối với việc lập gia đình và đời sống xuất gia. Ở Nepal và Nhật Bản, vấn đề sinh sản vẫn được coi trọng. Tại các quốc gia này, tu sĩ của một số phái Phật giáo vẫn có thể kết hôn, sinh sản và phục vụ trong môi trường chùa, và điều hành các ngôi chùa như những doanh nghiệp thừa kế của gia đình để phục vụ cho các nhu cầu của cư sĩ.

Ngoài ra, những cách giải thích hiện đại về Phật giáo có xu hướng thân thiện với gia đình hơn. Thay vì xem việc làm cha mẹ là một trở ngại, một số Phật tử đương đại coi công việc của cha mẹ là lao động tâm linh. Thí dụ, chăm sóc trẻ, có thể là một hình thức thiền định, đòi hỏi một sự tập trung quan sát nhưng không phán xét giống như thực hành chánh niệm. Các bà mẹ và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em có thể trải nghiệm việc nhìn thấy mọi thứ như chúng thực sự là, mà không có sự tham luyến và nắm bắt….

Trên hết, nhiều Phật tử tin rằng Đức Phật lịch sử đã có nhiều kiếp sống và không phải là người độc thân trong tất cả các kiếp. Khi là người chủ gia đình, Ngài thể hiện nhiều đức tính như lòng tốt, sự chịu đựng, kiên nhẫn. Và ngay cả khi sống độc thân, giáo lý tâm linh của Ngài cũng giống như sữa mẹ, theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy: “sữa của giáo lý bất tử”. Lập trường yêu thương vô điều kiện này đã khiến Ngài trở thành một người mẹ tinh thần trong mắt nhiều Phật tử - một đức tính mà hiện họ đang tìm cách noi theo.

Diệu Liên Lý Thu Linh

7-2024

(Phỏng dịch theo “Meditative mothering? How Buddhism honors both compassionate caregiving and celibate monks and nuns?”, tạp chí The Conversation xuất bản ngày 12-5-2023)

Cư sĩ Trí Tuệ là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Chánh ngữ trong mối liên hệ với truyền thông bất bạo động

Tin tiếp

Cầu siêu thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc