Quan trọng là họ nhanh chóng nhận ra lỗi lầm, sám hối, làm hòa với nhau và tiếp tục sống chung an lạc. Thường thì người có lỗi sẽ đến sám hối người kia, người kia liền cảm thông, hỷ xả.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Pháp thoại dưới đây, có Tỳ-kheo bị người khác gây sự, tuy bên ngoài im lặng và nhẫn nhịn nhưng bên trong lại để bụng, ghim gút. Khi người kia hết giận, hồi tâm, nhận ra sai trái liền đến xin lỗi thì Tỳ-kheo này không hoan hỷ, không chấp nhận sự sám hối. Tỳ-kheo này trước thì không sai nhưng về sau do không hỷ xả cho người nên thành ra sai.
“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào sáng sớm, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, cầm tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà, trải tọa cụ ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.
Khi ấy, trong tinh xá Kỳ-hoàn, có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mạ lỵ, một người im lặng. Người mạ lỵ liền hối cải, đến xin lỗi vị kia, mà Tỳ-kheo kia không nhận sự sám hối của vị này. Vì không nhận sự sám hối, nên trong tinh xá khi ấy, các Tỳ-kheo cùng đến khuyên can; lớn tiếng ồn ào.
Bấy giờ, Thế Tôn bằng tịnh thiên nhĩ hơn tai người, nghe trong tinh xá Kỳ-hoàn đang lớn tiếng ồn ào. Nghe vậy, từ thiền tịnh dậy, trở về tinh xá, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:
- Sáng nay Ta đi khất thực trở về, vào rừng An-đà ngồi thiền, nhập chánh thọ ban ngày, nghe trong tinh xá, cao tiếng, lộn xộn, ồn ào, rốt cuộc là ai vậy?
Tỳ-kheo bạch Phật:
- Trong tinh xá này có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mắng, một người im lặng. Khi ấy Tỳ-kheo mắng đến sám hối, vị kia không nhận. Vì không nhận nên nhiều người khuyên can, cho nên mới có lớn tiếng, cao tiếng, ồn ào.
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Thế nào, Tỳ-kheo ngu si? Người đến sám hối mà không nhận sự sám hối của người ta. Nếu có người sám hối mà người nào đó không nhận, thì đó là ngu si, bị khổ não lâu dài, không có lợi ích.
- Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, có chư thiên Tam thập tam tranh chấp nhau. Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ dạy rằng:
Với người, tâm không hại
Sân cũng không trói buộc
Không ôm lòng hận lâu
Vì không trụ sân nhuế.
Tuy lại nổi giận dữ
Không nói ra lời thô
Không tìm người trút giận
Nêu cái dở của người.
Luôn luôn tự phòng hộ
Bên trong tỉnh sát nghĩa
Không giận cũng không hại
Thường câu hữu Hiền Thánh.
Nếu câu hữu người ác
Cứng rắn như núi đá
Tự giữ cơn giận lại
Như điều xe ngựa sổng
Ta nói người khéo điều
Chẳng phải người cầm dây.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thích Đề-hoàn Nhân đối với trời Tam thập tam là vua Tự tại, thường hành nhẫn nhục, cũng lại khen ngợi người hành nhẫn nhục. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà, cũng nên hành nhẫn nhục và khen ngợi người hành nhẫn nhục. Nên học như vậy.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 40, kinh 1108. Được mắt)
Hẳn ai cũng từng trải qua những cuộc chiến tranh lạnh với người thân. Giận lắm nhưng im lặng. Khoảng lặng này cũng cần thiết, giúp cho đối phương suy ngẫm về mình và tìm cơ hội để sửa sai. Vấn đề là im lặng bao lâu, xác định đúng điểm dừng để chấp nhận xin lỗi, cùng nhau làm lại từ đầu.
Người tu cũng hay ứng xử im lặng khi gặp điều trái ý, nghịch lòng. Khi người ta nóng thì mình lạnh, chịu đựng một chút rồi mọi việc sẽ qua nhanh. Im lặng cũng có hai trường hợp. Thứ nhất, im lặng nhờ tâm đã vững chãi, an trú được trước những biến động, họ bình tĩnh lắng nghe để hiểu sự việc và nhanh chóng tìm cách hóa giải vấn đề. Lớn thì dàn xếp cho nhỏ lại, nhỏ thì xem như không có gì. Sau cơn mưa trời lại sáng.
Thứ hai, bên ngoài im lặng nhưng dồn nén vào lòng. Sức chịu đựng vốn giới hạn, khi vượt ngưỡng sẽ bùng nổ dữ dội. Có người chịu đựng khá hơn, nóng giận được tích tụ lại thành khối đè nặng tâm hồn. Khi người mắc lỗi tìm đến sám hối, xin lỗi mà vẫn giận, không hoan hỷ, chẳng xả buông thì có vấn đề. Người giận lâu thường nói: Đâu dễ như vậy, chửi mắng người ta xong rồi xin lỗi mà được sao!
Vẫn biết mỗi người đều có lý lẽ riêng nhưng người sai biết xin lỗi là tốt rồi. Hãy bao dung và tha thứ lỗi lầm. Vì tha thứ cho người cũng là để về sau người khác còn tha thứ cho mình. Hỷ xả là cho nhau cơ hội thoát khỏi bầu không khí nặng nề, hòa hợp mà sống vui. Mặt khác, trong sâu thẳm của vấn đề không tha thứ là mình còn giận, còn bực tức; mình đang đau khổ vì cố chấp sâu nặng.
Thế nên Đức Phật đã quở trách người ôm lòng giận lâu là si mê. “Nếu có người sám hối mà người nào đó không nhận, thì đó là ngu si, bị khổ não lâu dài, không có lợi ích”.