Chùa Phổ Minh, còn được gọi là Chùa Tháp, là một ngôi chùa cổ kính tọa lạc ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, chùa Phổ Mình còn là ngôi chùa tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý, được mở rộng trong thời gian triều đại nhà Trần. Chùa là di tích có danh tiếng trong tập bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1470 và được coi là đại danh lam của nước Đại Việt. Đây còn là một trong những nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang.
Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lị của Vua cha vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa.
Chùa Phổ Minh, còn được gọi là Chùa Tháp, là một ngôi chùa cổ kính tọa lạc ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.Tháp Phổ Minh có 14 tầng, cao 19,51m. Hai tầng tháp dưới cùng xây bằng đá có chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước. 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch, để trần không trát. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ "Hưng Long thập tam niên" (tức năm Hưng Long thứ 13/1305) và khắc họa hình rồng nổi thời Trần. Đỉnh tháp có một khối đá tạo dáng hình bông sen nhiều lớp cánh.
Đế tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh, mỗi cạnh dài 5,20m. Dưới chân tháp có một băng hoa sen có cánh, nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong theo hai phía khiến người xem dễ lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất xây dựng để tạo đà cho hơn một 10 tầng phía trên đều có độ cong tương tự.
Tháp được xây bằng gạch đỏ mở 4 cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Xung quanh tháp có tường bao quanh. Chính giữa các tường có để cửa ra vào tháp, được trang trí bằng những đôi rồng đá. Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác tinh xảo theo hình hoa sen.
Tuy nhiên, vào những năm đầu thế kỷ XX, khi tu sửa lại, người ta đã sử dụng vật liệu xi măng bao quanh bề ngoài của tháp, làm mất đi những hoa văn trên viên gạch.
Bên cạnh đó, cụm kiến trúc chính của chùa có các gian tiền đường và toà thượng điện. Sau thượng điện, cách một sân hẹp là ngôi nhà dài 11 gian. Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ.
Các chạm khắc và kiến trúc bên trong chùa phản ánh nhiều nét nghệ thuật và tinh tế của thời Trần. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa. Các chạm khắc và kiến trúc bên trong chùa phản ánh nhiều nét nghệ thuật và tinh tế của thời Trần.
Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác. Thế nhưng hơn hết, nơi đây là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.
Bởi vậy, trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), đầu gối lên tay trái, tay phải duỗi thẳng đặt lên người, cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật.
Bên trái tượng Trần Nhân Tông là tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm và bên phải là tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc Lâm. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở chùa Phổ Minh có niên đại từ Thế kỷ XVII, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. Đây là bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 do Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà ký.
Cùng với đó, bên trong quần thể chùa có những cây cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm nhưng không phải ai cũng biết. Trong đó, có hai cây Muỗm cổ thụ được công nhận là cây Di sản được xác định trên 300 năm tuổi.
Theo tư liệu, hai cây Muỗm cổ thụ có hình dáng bề thế, thân tròn đều, đường kính của cây ở độ cao 1m là 143cm và 114cm, chiều cao vút ngọn là 18,5 và 19m, có nhiều cành lớn tán xoè rộng, đường kính của tán là 19,7 và 25,9m.
Hiện nay, mặc dù đã trải qua hơn 300 năm, nhưng hai cây Muỗm trong khuôn viên chùa Phổ Minh vẫn sinh trưởng và phát triển tốt; quả sai trĩu, ngọt bùi. Đặc biệt, 1 cây Muỗm bên trái tháp Phổ Minh (theo hướng chùa) dù thân cây và 1 số cành đã bị rỗng ruột nhưng vẫn sống khỏe, lá xanh tươi tốt.
Bộ cánh cửa 4 cánh có chạm khắc hình con rồng hiện đang lắp ở gian giữa nhà Tiền đường, chùa Phổ Minh.
Bộ cánh cửa 4 cánh có chạm khắc hình con rồng hiện đang lắp ở gian giữa nhà Tiền đường, chùa Phổ Minh phiên bản của bộ cánh cửa 4 cánh (hiện vật gốc, có niên đại thời Trần). Hiện nay, 2 cánh giữa (hiện vật gốc) đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hai cánh bên (hiện vật gốc) đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Bộ cánh cửa gồm có 4 tấm và được làm bằng gỗ lim, nguyên khối, mỗi tấm cao 1,90m, rộng 0,80m. Bộ cánh cửa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Phổ Minh còn lưu giữ các lan can thành bậc đá chạm khắc rồng có niên đại từ thời Trần. Cùng với cây Bàng cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, thân cây bị thủng xuyên lõi, chỉ còn lại phần da cây còn sót lại.
Thế nhưng, điều kỳ diệu, cây bàng cổ thụ vẫn xanh tốt bao năm qua. Cùng khuôn viên chùa còn có cây Đại trồng trước ngọn tháp có tuổi đời hàng trăm năm, gốc to, da xù xì, tán rộng, thân cây tựa dáng rồng bay.
Được biết, năm 2012, chùa Phổ Minh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một địa điểm tâm linh và du lịch quan trọng thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Chùa Phổ Minh không chỉ là một ngôi chùa cổ kính mà còn là một di tích lịch sử và văn hóa đầy ấn tượng.