Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, dạy các Tỷ kheo:
Ví như, này các Tỷ kheo, người vợ trẻ trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hỗ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng cho đến các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng và cả với chồng: Hãy đi đi, các người có biết được gì.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo, trong đêm hay ngày được xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ cho đến trước cả Sa di và những người làm vườn. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, vị ấy có thể nói với thầy A xà lê, thầy Giáo thọ: Hãy đi đi, các người có thể biết được gì.
Do vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập như sau: Ta sẽ sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là điều cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Không hý luận, phần Người vợ trẻ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.702).
Sơ tâm bao giờ cũng đẹp, trong veo và mạnh mẽ
Lời bàn:
Trong vai trò và phận sự làm vợ, làm dâu có lẽ đẹp nhất và dễ thương nhất là lúc nàng dâu mới được đưa về nhà chồng. Chuyến đò vu quy đưa nàng dâu về bến lạ với nhiều nỗi buồn vui lẫn lộn. Hiện hữu và hòa nhập trong một gia đình hoàn toàn xa lạ là một thử thách lớn.
Vì thế, nàng dâu mới lúc nào cũng rụt rè, e thẹn, khép nép và khiêm cung. Nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ từ hòa, kính trên nhường dưới, siêng năng chăm chỉ cho đến đi thưa về trình, nhất nhất đều lễ phép, hiền thục. Chính mang tâm niệm này nàng dâu đã thể hiện trọn vẹn nét đẹp đoan trang, thùy mỵ, thục nữ.
Sau một thời gian chung sống, quen người và quen việc rồi thì nàng dâu hiền thục kia không còn ý tứ và lần lượt xuất hiện những tính cách thô tháo vốn ẩn tàng trong bản chất của mình. Không những thô tháo, thậm chí có lúc hỗn hào với chồng và vô lễ với cha mẹ chồng. Giờ đây, trong mắt mọi người và cả chính nàng, nàng không còn đẹp và dễ thương nữa.
Người xuất gia cũng vậy, sơ tâm thật trong trắng và đẹp đẽ. Những ngày mới xuất gia, nhìn đâu cũng thấy Phật và Bồ tát. Tiếc rằng, ngày tháng thoi đưa, “nhất niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên” để rồi ngẩn ngơ tiếc nuối cái sơ tâm ngày ấy.
Thực ra, cái tâm ban đầu trinh nguyên ấy không mất, nó vẫn ẩn tàng trong tâm khảm mọi người. Có điều, cuộc sống với bao hiện thực trần trụi đã làm nó chai lì, héo úa và cằn cỗi. Chính điều này đã làm suy giảm niềm tịnh tín, dễ dàng tăng trưởng tự ngã dẫn đến bất kính và thối thất.
Người đệ tử Phật phải luôn chánh niệm để biết rõ tự thân của mình. Sống với đức khiêm hạ, tâm trong sáng, ý hiền thiện và thận trọng trong hành xử cũng như mọi việc làm. Sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng là bí quyết để tồn tại và được trưởng dưỡng trong Chánh pháp.