18/12/2024

Hạnh phúc trong tầm tay

Mãn nguyện là hạnh phúc

Thật khó định nghĩa, giải thích một cách chính xác hạnh phúc là gì. Mỗi người có những cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Người ta thường dùng khái niệm “hạnh phúc” để chỉ cho sự thỏa mãn nhu cầu của con người, có nghĩa rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn.

Nếu nói hạnh phúc là sự thỏa mãn thì chỉ có sự tự thỏa mãn, tự biết đủ mới giúp cho con người hạnh phúc. Bởi nhu cầu cuộc sống mỗi ngày một tăng cao, mỗi ngày thêm nhiều thì biết bao giờ thỏa mãn? Nếu có chăng là sự thỏa mãn tạm thời. Người ta cho rằng nhu cầu cuộc sống mỗi ngày một tăng là quy luật phát triển, phải có nhiều nhu cầu và sự đáp ứng những nhu cầu đó mới nâng cao giá trị cuộc sống. Và thế là người ta khó tìm được một giá trị hạnh phúc lâu dài bởi nhu cầu không bao giờ dừng lại, những nhu cầu cao hơn sẽ tiếp nối thay thế cho những nhu cầu ban đầu.

Nhu cầu của con người tăng theo lòng tham muốn, tỷ lệ thuận với lòng tham. Lòng tham muốn là động lực làm cho cuộc sống con người thêm đa dạng, phong phú, làm cho diện mạo xã hội luôn thay đổi, mới mẻ, nhưng lòng tham muốn không làm cho con người hạnh phúc. Có nhiều cuộc khảo sát trên thế giới cho thấy rằng phụ nữ hạnh phúc hơn nam giới và người nghèo hạnh phúc hơn người giàu. Bởi người phụ nữ dễ thỏa mãn, dễ mãn nguyện hơn người đàn ông, rất ít phụ nữ có tham vọng cao xa ngoài cuộc sống gia đình và tình yêu, tình bè bạn, trong khi đó đàn ông có quá nhiều tham vọng về quyền lực, tiền tài. Còn những người nghèo thường có cuộc sống đơn giản hơn người giàu có, cuộc sống của họ không chịu nhiều áp lực nội tâm cũng như các áp lực bên ngoài, từ đó họ có nhiều hạnh phúc hơn. Những áp lực mà người giàu phải chịu về nội tâm có lòng tham, sự đố kỵ, hận thù; các áp lực bên ngoài là công việc, tiền bạc, những mâu thuẫn, xung đột, phiền toái từ cuộc sống xô bồ bận rộn, từ cuộc sống đua tranh.

Hạnh phúc trong tầm tay-0

Chúng ta thường sống với quá khứ và tương lai nhiều hơn sống với hiện tại, từ đó mà không cảm nhận được nhiều những gì đang diễn ra, không nhận biết nguồn hạnh phúc đang có mặt...

Hạnh phúc là sự tự mãn nguyện. Nói như thế người ta sẽ bảo rằng: “Mãn nguyện là mãn nguyện về điều gì mới được. Không có cái gì làm sao mãn nguyện”. Tự mãn nguyện ở đây là tự biết đủ, ít tham muốn mong cầu, không đứng núi này trông núi nọ. Khi làm được như thế thì tự dưng thấy lòng thanh thản, thoải mái hơn. Những người sống theo chủ nghĩa thực dụng thì không tin điều này, thấy nó dường như phi lý, bởi thế mà họ chạy theo lòng tham muốn của mình. Và kết quả là vui ít khổ nhiều, cuộc sống vương nhiều hệ lụy, niềm vui của sự thỏa mãn chỉ là tạm thời mà sự lo âu, phiền muộn thì kéo dài dai dẳng. Đối với họ, hạnh phúc thật sự như cái bóng mờ không thể nào nắm bắt. Bằng chứng là có rất nhiều người nhà cao cửa rộng, có rất nhiều tiền của, có địa vị, danh vọng nhưng họ không hạnh phúc. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật cũng có dạy: “Người biết đủ tuy nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị ngũ dục sai khiến”.

Để có hạnh phúc phải biết đánh giá nhu cầu

Trong nhận thức của con người thường xuất hiện hai loại nhu cầu, đó là nhu cầu thật và nhu cầu ảo. Nhu cầu thật là những nhu cầu chính đáng xuất phát từ thực tế, là những đòi hỏi của cuộc sống, cần thiết cho cuộc sống, ví dụ ăn để no, mặc để ấm, nhà cửa để che mưa che nắng, xe cộ dùng làm phương tiện đi lại đỡ tốn công sức, không mất nhiều thời gian v.v… Nhu cầu ảo là nhu cầu không chính đáng, không xuất phát từ thực tế, mà phát sinh từ ý nghĩ, tư tưởng chủ quan hay nhận thức cảm tính. Ví dụ người chạy theo lối sống đua đòi thường nghĩ rằng nếu có được những gì mình đang mong muốn thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc, sẽ có niềm vui, nhưng kỳ thực khi có được những thứ đó, họ lại mong cầu những thứ khác và không cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có. Từ đó niềm vui, hạnh phúc mà họ có được rất mong manh và dễ dàng bị đánh mất. Vì khi họ không thỏa mãn với những gì đang có mà hướng tới một thứ khác thì niềm vui, hạnh phúc không còn.

Có những nhu cầu ảo chẳng những không có lợi mà còn có hại cho con người. Chẳng hạn như nhu cầu trả thù để thỏa lòng căm hờn, ghen tức; nhu cầu thăng hoa cảm giác nhờ các chất kích thích, gây nghiện… Một khi chúng ta thỏa mãn những nhu cầu này, hậu quả đau khổ sẽ bám theo chúng ta như hình với bóng. Vì thế, để có được hạnh phúc, chúng ta cần loại bỏ những nhu cầu ảo không có lợi hoặc mang bản chất có hại.

Việc loại bỏ những nhu cầu ảo thật không phải dễ dàng, cần phải có nhận thức sáng suốt, đúng đắn và quyết tâm. Và nếu không biết đánh giá nhu cầu, không xác định được đâu là nhu cầu thực sự, những gì mình thật sự cần, đâu là nhu cầu ảo không có thật mà chỉ do tình cảm chủ quan, nhận thức sai lầm, lệch lạc, thì con người sẽ không bao giờ hạnh phúc.

Hạnh phúc trong hiện tại

Giây phút con người cảm nhận hạnh phúc là giây phút hiện tại, thời gian con người cảm nhận hạnh phúc là thời gian hiện tại, vì thế có thể nói hạnh phúc nằm ở hiện tại chứ không phải ở quá khứ hay tương lai. Khi hiểu được điều này, khéo sống và cảm nhận hạnh phúc ngay trong hiện tại chúng ta sẽ có được niềm vui, sự bình an mà không cần phải tìm kiếm hạnh phúc đâu xa, không cần phải có nhiều những nhân tố mà thế gian thường cho là làm nên hạnh phúc như tiền tài, địa vị xã hội, sự nổi tiếng, v.v…

Khi sống quay cuồng, mải chạy đuổi theo khát vọng, chúng ta vô tình bỏ quên những hạnh phúc mà chúng ta đang có, đến khi hạnh phúc mất đi hoặc khi chúng ta mỏi mệt trên đường đời, lúc đó chúng ta mới thấy rằng hạnh phúc không cầu kỳ và không ở xa xôi như ta tưởng. Những người bị bệnh tật hoành hành hoặc khi nằm liệt giường họ mới ý thức rằng có được một cơ thể khỏe mạnh thật sự là một hạnh phúc lớn lao, nó còn quý hơn cả bạc tiền. Nhưng trước đó họ không hề nghĩ điều đó, họ lao vào các cuộc ăn chơi sa đọa để tìm niềm vui, tìm hạnh phúc và dần dần đánh mất sức khỏe của mình. Khi gia đình tan vỡ, người ta mới ý thức được rằng có một tổ ấm gia đình trong đó các thành viên biết sống hòa thuận, yêu thương nhau là một hạnh phúc lớn lao, nhưng trước đó người ta mải lo chạy đuổi theo bóng sắc, tiền tài để tìm hạnh phúc.

Những hoài niệm, tiếc nuối quá khứ và những băn khoăn, lo lắng về tương lai cũng là những yếu tố khiến cho người ta quên đi phút giây hiện tại. Chúng ta thường sống với quá khứ và tương lai nhiều hơn sống với hiện tại, từ đó mà không cảm nhận được nhiều những gì đang diễn ra, không nhận biết nguồn hạnh phúc đang có mặt. Quá khứ không còn nữa, tương lai thì chưa xảy ra, chỉ còn hiện tại, cần nắm bắt hiện tại, sống với hiện tại thì mới ý thức được hạnh phúc đang có mặt ở bên ta.

Cư sĩ Trí Phật là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Pháp niệm Phật nào đúng?

Tin tiếp

Cùng mỉm cười với Phật