26/02/2024

Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, nhân quả không thể sai chạy

Một nhóm Tỳ-kheo đến thăm Thế Tôn xong, rời tinh xá, vào làng khất thực. Dân làng lấy bát, phân phối chỗ ngồi trong nhà nghỉ và trong khi chờ dâng cúng, họ nghe pháp.

Bỗng một ngọn lửa phụt cháy dưới nồi cơm đang nêm xốt và cà-ri, bắt lên mái tranh. Một nắm tranh cháy đỏ bung ra khỏi mái, bay lơ lửng trên không. Một con quạ bay qua đâm đầu vào nắm tranh ấy, bị bắt lửa cháy. Lửa ngày càng mạnh đến khi con quạ bị thiêu cháy đen, rớt xuống đất.

Mọi việc xảy ra trước mặt các Tỳ-kheo, thật khủng khiếp. Họ đồng lòng đến hỏi Thế Tôn xem việc kiếp trước con quạ đã làm...

Một nhóm Tỳ-kheo thứ hai đi thăm Thế Tôn trên một chiếc thuyền. Ra giữa biển thuyền bỗng đứng lại không nhúc nhích. Hành khách nghi có một tên xúi quẩy nên rút thăm xem là ai. Thăm rơi trúng vợ thuyền trưởng là một thiếu phụ trẻ đẹp. Họ đồng ý rút thăm lại, lần thứ hai rồi lần thứ ba cũng là vợ thuyền trưởng. Hành khách nhìn thẳng mặt ông hỏi ông bây giờ tính sao?

Ông ra lệnh ném cô vợ xuống biển. Cô thét lên kinh hãi vì quá sợ chết. Thuyền trưởng bèn bảo tháo hết nữ trang, rồi vì không đủ can đảm chứng kiến cô vùng vẫy trên mặt biển, ông bảo cột bình cát vào cổ xong hãy ném.

Làm thế nào để người ta tin luật nhân quả trong ba đời?

Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, nhân quả không thể sai chạy-0

Khi thân cô chạm mặt nước, cá và rùa bơi đến rỉa thịt cô. Ngoài Thế Tôn không ai biết được kiếp trước cô đã là gì, vì thế các Tỳ-kheo trên thuyền định sẽ hỏi Thế Tôn khi lên bờ.

Tiếp theo, có một nhóm bảy Tỳ-kheo lên đường đi gặp Thế Tôn. Họ đến một tinh xá nọ vào buổi chiều. Lúc đó có bảy chiếc giường trong một hang đá dùng làm phòng, và họ ngủ trong đó. Ðêm khuya, một hòn đá lớn bằng ngôi chùa lăn từ dốc bên kia xuống và bít lối vào hang. Các Tỳ-kheo tại đó cùng với dân trong bảy làng hợp lực hết mình cùng với Tỳ-kheo bên trong đẩy hòn đá đi, nhưng không nổi.

Suốt bảy ngày người bị nhốt đói meo; đến ngày thứ bảy, thình lình hòn đá tự động lăn khỏi miệng hang. Các khách tăng được trả tự do, họ chờ gặp Phật để hỏi nguyên nhân.

Trên đường đi, họ gặp hai nhóm Tỳ-kheo trước và chung đường đến gặp Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Tuần tự mỗi nhóm xin Phật giải thích và được nghe Phật kể:

- Này các Tỳ-kheo! Thuở xưa con quạ là một nông dân ở Ba-la-nại. Anh cố hết sức điều khiển con bò nhưng nó đi một chút lại nằm xuống, dù bị đánh. Anh nổi giận mắng nó: "Tốt lắm! Từ phút này, mày sẽ nằm lại đây cho vừa lòng mày."

Anh lấy rơm quấn hết thân con bò rồi mồi lửa. Bò bị cháy đến giòn và c.h.ế.t ngay. Do hành động ác đó, anh ta chịu đau đớn trong địa ngục rất lâu, sau đó vì nghiệp báo chưa hết phải bảy lần liên tiếp làm thân quạ bị đốt cháy.

Còn về người phụ nữ bị cột bình vào cổ rồi ném xuống biển, Đức Phật nói:

- Người đàn bà này đã chịu đau đớn giống hệt một lần bà đã gây cho kẻ khác. Xưa, bà là vợ một gia chủ ở Ba-la-nại. Bà tự tay làm mọi việc trong nhà, từ lấy nước, giã gạo, nấu nướng, với một con chó ngồi một bên. Ra ngoài đồng gom lúa hay vào rừng nhặt củi, con chó cũng đi theo. Ðám thanh niên thấy thế hay chọc ghẹo bà cùng con chó.

Bực mình, bà đánh chó, ném đá đất và đuổi nó đi. Nhưng chạy đi một quãng, nó quay trở lại theo bà. Là vì trong kiếp trước, con chó là chồng bà, do đó tình cảm của nó đối với bà vẫn còn.

Bà rất tức giận, nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Gom lúa đủ dùng, lượm một sợi dây cột vào chéo áo, bà về nhà, con chó vẫn lẽo đẽo theo sau. Lo bữa ăn cho chồng xong, bà lấy cái bình không ra hồ nước. Ðổ cát đầy bình, bà nhìn quanh và nghe tiếng chó sủa bên cạnh.

Chó chạy đến, ngoáy đuôi mừng rỡ vì tưởng bà sẽ vui vẻ với nó. Bà nắm chặt cổ nó buộc vào một đầu dây, còn đầu kia cột bình nước, quăng xuống hồ. Con chó bị bình kéo xuống nước chết ngay.

Nghiệp của hành động ác chín muồi, bà ta bị đọa rất lâu ở địa ngục. Sau đó nghiệp báo chưa hết, nên trong một trăm kiếp liên tiếp bà bị cột cổ vào bình cát ném xuống biển chết chìm.

Về bảy tỳ kheo bị nhốt trong thạch thất, Đức Phật nói:

- Cũng thế, này các Tỳ-kheo! Các ông phải chịu đau đớn y như lần đã gây cho người khác. Xưa, có bảy chú mục đồng ở Ba-la-nại chăn một bầy gia súc từng đợt bảy ngày. Gặp một con tắc kè khổng lồ, mấy chú đuổi theo, nhưng nó đã nhanh chân chui vào ụ mối có bảy lỗ.

Mấy chú mỗi người lấy cây chà nhét bít mỗi lỗ, xong lùa bò đi nơi khác. Bảy ngày sau, nhớ đến con tắc kè, bảy chú mục đồng trở lại ụ mối moi lấy cây chà ra, tắc kè bò ra ngoài chẳng kể sống chết, chỉ còn da bọc xương, run lẩy bẩy. Bảy chú thương tình bảo nhau đừng giết nó, và còn vuốt lưng chúc nó đi bình an. Do đó tuy bảy chú không rơi vào địa ngục, nhưng mười bốn kiếp liên tiếp thiếu thức ăn trong bảy ngày liền. Các Tỳ-kheo, các ông là bảy mục đồng ấy, và đó chính là hành động xấu ác mà các ông đã làm.

Như thế Phật đã trả lời câu hỏi của ba nhóm Tỳ-kheo, giải thích cả ba chuyện đã xảy ra. Một Tỳ-kheo vẫn còn thắc mắc, hỏi:

- Bạch Thế Tôn, một người làm ác không thể nào tránh hậu quả bằng cách bay lên không, lao xuống nước, hay trốn vào hang núi sao?

Phật đáp:

- Này các Tỳ-kheo! Không thể tìm ra nơi nào để trốn tránh, dù trên không, dưới biển hay trong lòng đất. Không nơi nào trên thế gian này có thể thoát khỏi hậu quả của việc làm ác.

Và Ngài nói Pháp Cú:

Không trên trời, giữa biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệp.

Trích "Tích truyện Pháp Cú".

Cư sĩ Trí Phật là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Câu chuyện con rùa và sáu căn

Tin tiếp

Ái sinh thì buồn khổ sinh