“Đây là những điều tôi được nghe hồi Đức Thế Tôn còn cư trú gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn Kỳ Đà. Hôm đó, trời đã vào khuya, có một thiên giả hiện xuống thăm Người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ: “Thiên và nhân thao thức/ Muốn biết về phước đức/ Để sống đời an lành/ Xin Thế Tôn chỉ dạy”.
Và sau đây là mười điều Đức Thế Tôn đã dạy.
• Điều một: Lánh xa kẻ xấu ác/ Được thân cận người hiền/ Tôn kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều hai: Sống trong môi trường tốt/ Được tạo tác nhân lành/ Được đi trên đường chánh/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều ba: Có học có nghề hay/ Biết hành trì Giới luật/ Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bốn: Được cung phụng mẹ cha/ Yêu thương gia đình mình/ Được hành nghề thích hợp/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều năm: Sống ngay thẳng, bố thí/ Giúp thân bằng quyến thuộc/ Hành xử không tỳ vết/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều sáu: Tránh không làm điều ác/ Không say sưa nghiện ngập/ Tinh cần làm việc lành/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bảy: Biết khiêm cung lễ độ/ Tri túc và biết ơn/ Không bỏ dịp học đạo/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều tám: Biết kiên trì phục thiện/ Thân cận giới xuất gia/ Dự pháp đàm học hỏi/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều chín: Sống tinh cần tỉnh thức/ Học chân lý nhiệm mầu/ Thực chứng được Niết-bàn/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều mười: Chung đụng trong nhân gian/ Tâm không hề lay chuyển/ Phiền não hết an nhiên/ Là phước đức lớn nhất.
Đọc kỹ bản kinh trên, chúng ta thấy Đức Thế Tôn chỉ dạy về “tạo” phước mà không hề có chuyện “xin” phước. Phật không có ban phước cho ta an lành mà Ngài chỉ dạy phương cách diệt khổ. Và chúng ta phải thực tập hành trì để tạo ra phước đức mới được bình an và giải thoát.
Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức của tự thân được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp: thân, khẩu và ý theo hướng thiện lành. Nhờ thế, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây.
Theo lời Phật dạy, nếu ai cũng thực hiện trọn vẹn 10 điều trong kinh Phước Đức đều sẽ tạo phước đức ngay hôm nay cho chính mình và đó cũng chính là tạo phước đức cho con cháu chúng ta ngày mai. Xin luôn nhớ: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.