06/06/2024

Dáng xưa Thiên Mụ

Sự tích của chùa Thiên Mụ mang đậm chất huyền thoại: Truyền rằng có một bà tiên đã hiện ra trên đồi Hà Khê báo cho dân trong vùng biết sẽ có một vị chân chúa đến dựng chùa thờ Phật ở đây để tụ linh khí cho bền long mạch. Và kể từ đó, ngọn núi này được mang tên là núi Thiên Mụ.

Sau này, vị chân chúa ấy chính là chúa Tiên – Nguyễn Hoàng. Năm Tân Sửu (1601), khi Nguyễn Hoàng (quan trấn thủ Thuận Hóa và là chúa Nguyễn đầu tiên ở xứ Đàng Trong) đi qua vùng đất này đã nghe dân chúng kể lại truyền thuyết về núi Thiên Mụ, tự cho mình là chân chúa nên đã ra lệnh cho dựng chùa và đặt tên là chùa Thiên Mụ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 20 còn ghi việc này rằng: “Bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng phẳng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp…”.

Dáng xưa Thiên Mụ-0

Hình ảnh chùa Thiên Mụ. Ảnh: Internet.

Sau khi xây dựng, chùa Thiên Mụ luôn được nhiều đời chúa và vua Nguyễn quan tâm và sửa sang đẹp hơn. Vào mùa thu năm Ất Tỵ (1665), chúa Nguyễn Phúc Tần cho tu bổ chùa. Tháng 4 năm Canh Dần (1710), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn nhất ở Huế. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 9 còn ghi: “Đúc chuông chùa Thiên Mụ (nặng 3.285 cân). Chúa thân làm bài minh khắc vào chuông”. Đến năm Giáp Ngọ (1714), chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục tiến hành trùng tu và mở rộng chùa với nhiều hạng mục, công trình khác nhau. Chúa Phúc Chu tự làm một bài ký để ghi công của mình trong việc chấn hưng Đạo Phật… cho khắc vào một tấm bia lớn dựng trên lưng con rùa bằng đá cẩm thạch chạm trổ rất tinh vi. Lúc bấy giờ, chùa Thiên Mụ là một quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ nguy nga với nhiều điện thờ, nhà bia, đình tạ, lầu gác…

Tuy nhiên, những năm chiến tranh cuối thế kỷ XVIII, chùa Thiên Mụ bị tàn phá nặng nề. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long và vua Minh Mạng đã trùng tu, sửa sang chùa đẹp hơn. Năm Giáp Thìn (1844), vua Thiệu Trị cho xây thêm tháp 7 tầng, gọi là tháp Từ Nhân sau đó lại được đổi thành là tháp Phước Duyên. Trước tháp, vua cho dựng đình Hương Nguyện và hai nhà bia ở hai bên. Năm Nhâm Tuất (1862), vua Tự Đức cho đổi tên là chùa Linh Mụ. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 32, mặt khắc 54 ghi việc này như sau:

“Năm Tự Đức thứ 15 (1862), bản Tấu được chuẩn: Ngày mồng 9 tháng này, Bộ Lễ đem việc xin đổi tên chùa Thiên Mụ 天 姥 làm chùa Tiên Mụ 仙 姥 đem tiến trình, kính được Châu phê: Tiên gia với Phật gia sợ có chỗ khác nhau, cho nên chùa dùng chữ Linh 靈 thì hơn. Cho phép duyệt lại để khỏi nghi ngại. Khâm thử.

Kính tuân lời phê, bộ Lễ chúng thần coi xét lại, thì khoản này trước đây xin đổi làm chữ Tiên 仙 là do chúng thần xét sự tích tưởng cũng đủ thể hiện dấu tích thiêng liêng, chưa kịp nghĩ suy thấu đáo. Nay được phê bảo, mới biết chữ Tiên 仙 chỉ được một bên không bằng chữ Linh 靈 ổn hoạt hơn. Xin đổi làm chữ Linh 靈 tưởng không còn nghi ngại gì, bèn dám tâu lại để tuân làm, đổi tên chùa Thiên Mụ 天 姥 gọi là chùa Linh Mụ 靈 姥”.

Mặt bằng chùa Thiên Mụ được chia làm hai khu vực: Khu vực phía trước là nơi có những công trình mang tính chất lưu niệm như chuông đồng, bia đá, tháp gạch (trước cửa Nghi Môn là đình Hương Nguyện nay chỉ còn lại nền đất và bọ móng xây bằng đá thanh), tháp Phước Duyên, lầu bia, lầu chuông… Khu vực phía sau cửa Nghi Môn gồm các điện thờ Phật (điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm) và các nhà trai, nhà khách, vườn hoa. Chùa Thiên Mụ toạ lạc ở vị trí đắc địa, trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng Hương Giang. Đây là nơi các vua, chúa Nguyễn thường lui tới vãn cảnh, thăm viếng. Năm Nhâm Dần (1602), vào ngày tiết Trung nguyên, chúa Nguyễn Hoàng đã đến chơi chùa Thiên Mụ và lập đàn chay làm lễ bố thí ở đây. Năm Giáp Ngọ (1714), chúa Nguyễn Phúc Chu cho mở hội lớn ở chùa. Chúa ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo.

Dưới triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ được xem là một trong những ngôi quốc tự lớn, nơi đây vào các ngày lễ của Phật giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan hay các sự kiện trọng đại của Vương triều như lễ mừng thọ, thánh thọ, lễ mãn tang.… các đời vua thường cho lập đàn chay cúng tế, cầu phúc cho vương triều cũng như cho quốc thái, dân an ở nơi đây. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 32, mặt khắc 56 còn ghi lại vào ngày Phật đản, vua Đồng Khánh đã cấp tiền cho các chùa ở Huế trong đó có chùa Thiên Mụ: “Còn như các ngày lễ Phật đản, cùng lệ cả năm xin liệu cấp mỗi chùa đều có khác nhau: chùa Linh Mụ 300 quan, chùa Diệu Đế 250 quan, chùa Thánh Duyên 200 quan… đều do các chùa ấy làm đơn lĩnh tiền về dự trữ mua giấy vàng bạc mã, hương đèn, trầm trà các hạng theo hàng tháng làm lễ”.

Trải qua hơn 4 thế kỷ, chùa Thiên Mụ với quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ, nguy nga với nhiều điện thờ, nhà bia, đình tạ, lầu gác…cùng tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng đã điểm tô thêm vẻ đẹp hiền hòa, cổ kính cho thành phố Huế. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng ngàn Phật tử, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành đến với gia đình và tất cả mọi người.

Tài liệu tham khảo:

1. H21/51, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. H22/4, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. H23/37, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. H28/9, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. H49/33, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

Cư sĩ Trí Tuệ là một phật tử tại gia, tin vào thuyết nhân quả và rất hâm mộ Phật giáo. Những giáo lý của đức Phật giúp cho chúng ta hành trì và có được hạnh phúc ngay tại đời sống hiện tại. Với mong muốn xiển dương Phật pháp, cư sĩ Trí Quảng đã tập hợp các tin bài nghiên cứu về Phật giáo, thông tin cập nhật về tin phật sự, tạo ra một trang website thuần Phật giáo với mong muốn mang pháp tới cho mọi người.

Tin trước

Báo hiếu cha mẹ theo Phật dạy

Tin tiếp

Không biết như thật về bốn chân lý còn tối tăm hơn vực thẳm