Câu hỏi này rất hay, vì bất cứ ai kể cả Phật khi mang báo thân người thì đều phải đi theo quy luật vận hành của sinh già bệnh chết.
Vấn đề có đau đớn hay không, quả vị tu chứng có bị tác động gì không, tuỳ thuộc vào định lực của mỗi vị hành giả.
Trong Kinh Khema - Tương Ưng bộ có nhắc đến việc Tôn giả Khemaka trú tại vườn Badarica và lâm trọng bệnh, đau đớn.
Nghe tin các trưởng lão cử tôn giả Dasaka đi thăm bệnh và nhắn hỏi ngài “Có kham nhẫn được không? Hiền giả có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?”.
Sau khi nghe hỏi thăm xong, tôn giả Khemaka đáp tạ rằng: Khemaka nói như sau: "Tôi không có thể kham nhẫn, này hiền giả... có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm!".
Tôn giả Dasaka về thưa lại với các Trưởng lão. Các trưởng lão lại nhờ Tôn giả Dasaka đi hỏi:
“Này Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?’".
Tôn giả Khemaka nói ngài không quán cái gì là tự ngã (cái tôi) hay ngã sở (cái của tôi).
Nghe nói lại, các Trưởng giả xác nhận “Tôn giả Khemaka là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận”.
Tuy nhiên khi Tôn giả Dasaka đến thưa lại thì tôn giả Khekama cho rằng: “Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn này, dầu cho tôi có chứng được: "Tôi là", tuy vậy tôi cũng không quán: "Cái này là tôi".
Các Trưởng lão lại hỏi: “Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", là cái gì? Hiền giả nói: "Tôi là sắc?", Hiền giả nói: "Tôi là khác sắc?. .. Hiền giả nói: "Tôi là thức?", Hiền giả nói: "Tôi là khác thức?". Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", là cái gì?".
Nghe hỏi xong, Tôn giả Khemaka chống gậy đi đến gặp trực tiếp các vị Trưởng lão, ngồi sang một bên và trả lời:
“Thưa chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc". Tôi không nói: "Tôi là khác sắc"..., "là thọ... là tưởng..., là các hành"... Tôi không nói: "Tôi là thức". Tôi cũng không nói: "Tôi là khác thức". Dầu rằng, này các Hiền giả, Tôi có chứng được (tư tưởng): "Tôi là", nhưng tôi không có quán: "Cái này là tôi". Ví như, này chư Hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen hồng, hay hoa trắng, nếu có người nói: "Hương thuộc về lá hay thuộc về sắc, hay thuộc về nhụy hoa", nói như vậy có nói đúng không?”
- Thưa không, này Hiền giả.
- Vậy chư Hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn? Chư Hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng đắn. Cũng vậy, này chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc"; tôi không nói: "Tôi là khác sắc"... "Tôi là thọ"... "Tôi là tưởng"... "Tôi là các hành"... Tôi không nói: "Tôi là thức". Tôi không nói: "Tôi là khác thức".
Nhưng này chư Hiền, dầu rằng đối với năm thủ uẩn của tôi được có này, tôi không có quán: "Cái này là tôi". Dầu cho đối với vị Thánh đệ tử, này chư Hiền, năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, nhưng vị ấy còn nghĩ: "Đối với năm thủ uẩn, vẫn còn dư tàn tế nhị". Dư tàn kiêu mạn "Tôi là", dư tàn dục "Tôi là", dư tàn tùy miên "Tôi là" chưa được vị ấy đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ... Đây là tưởng... Đây là các hành... Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt". Vì rằng vị ấy sống, quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, các dư tàn ngã mạn (?) "Tôi là", các dư tàn ngã dục "Tôi là", các dư tàn ngã tùy miên (?) "Tôi là", mà vị ấy chưa được đoạn trừ, nay đi đến đoạn tận.
Này chư Hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã bay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ.
Cũng vậy, này chư Hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy, cái dư tàn trong năm thủ uẩn, "Tôi là", dư tàn ngã dục "Tôi là", dư tàn miên, Tôi là" chưa được đoạn trừ. Vị ấy sau còn dư tàn ngã mạn, dư tàn ngã tùy thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt". Vì rằng vị ấy sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này nên các dư tàn trong năm thủ uẩn này, ngã mạn "Tôi là", ngã dục "tôi là", ngã tùy miên "Tôi là" chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ”.
Khi được giải đáp vậy, các Tỷ-kheo Trưởng lão hoan hỷ nói với Tôn giả Khemaka:
- Không phải chúng tôi vì muốn phiền nhiễu Tôn giả Khemaka mà chúng tôi hỏi. Nhưng vì chúng tôi nghĩ rằng: "Tôn giả Khemaka có thể giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn".
Qua những đối đáp trên giữa các vị trưởng lão, có thể thấy riêng việc đoạn trừ “thân kiến” (thân ngũ uẩn) đã diễn ra rất vi tế. Những gì đã huân tập trong kiếp sống là những dư tàn của ngã và ngã sở có thể trỗi dậy bất cứ khi nào. Trong khi mang trọng bệnh, Tôn giả Khemaka chịu đau đớn tới mức khó kham nhẫn, nhưng vẫn định tỉnh trước những tác động vi tế của thân ngũ uẩn. Điều đó cũng cho thấy, việc làm thiện hay ác, phúc hay tội tạo ra từ thân ngũ uẩn này không mất đi bao giờ, và nó không thể bù trừ cho nhau.