Một thời Thế Tôn trú tại Kusinàrà, rừng Sàlà dạy Tôn giả Ananda: Này Ananda, có bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?
“Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: “Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác”, “Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn”.
Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.
(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.643)
Lời bàn:
Bốn di tích cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp tu tập và độ sanh của Đức Thế Tôn bao gồm: Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Thế Tôn đản sanh; Bodhgaya (Bồ Đề đạo tràng), nơi Thế Tôn thành đạo; Isipatana (Vườn Nai), nơi Thế Tôn chuyển Pháp luân; Kusinara (Câu Thi Na), nơi Thế Tôn nhập Niết bàn.
Theo thời gian, trải dài hơn hai mươi lăm thế kỷ, bốn Thánh tích về cảnh quan cũng nhạt nhòa, phai mờ và vô thường cùng năm tháng. Tuy nhiên, về phương diện tâm linh, nguồn mạch tuệ giác và từ bi của Thế Tôn vẫn còn dào dạt làm rúng động tâm hồn khách hành hương. Khách hồng trần chợt sực tỉnh cơn trường mộng thế thường khi đến Thánh tích, bởi ẩn hiện đâu đây cảnh quan huy hoàng ngày Thế Tôn giáng thế, ngời sáng hào quang tuệ giác của đêm thành đạo dưới cội Bồ đề, vang vọng mênh mang pháp âm trầm hùng Chuyển pháp luân và khung cảnh bi tráng đến ngập trời đêm Phật Niết bàn nơi rừng thiêng Ta la song thọ.
Không phải ngẫu nhiên mà những người con Phật từ khắp nơi trên thế giới đều hướng về Ấn Độ, đất Phật. Hành hương về xứ Phật để chiêm bái những Thánh tích là ao ước, khát vọng của nhiều Phật tử.
Tận trong sâu thẳm nơi tấm lòng mỗi người con Phật ai cũng mong mỏi được ít nhất một lần trong đời chiêm ngưỡng và lễ bái bốn Thánh tích, để tiếp nhận thêm niềm tin, sức sống và năng lượng yêu thương từ tuệ giác Thế Tôn.
Đặc biệt là phước báo thù thắng từ việc chiêm bái Thánh tích mà Đức Thế Tôn đã huyền ký rằng, nếu ai đã từng một lần chiêm bái Thánh tích rồi từ trần trong thâm tín hoan hỷ thì được sanh về cõi lành.
Thật phước báo cho những người con Phật nào đã từng chiêm bái Thánh tích. Trở về xứ Phật cũng chính là tìm về cội nguồn tâm linh của chính mình. Tuy vậy, pháp thân Phật có mặt ở khắp nơi, nếu người con Phật nào không hội đủ thắng duyên để đến chiêm bái Thánh tích nơi xứ Phật thì chúng ta hãy hướng về Pháp thân, chiêm bái và đảnh lễ Phật tâm thanh tịnh của chính mình.