21/03/2024

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Với những lý tưởng từ bi, đạo đức, hòa bình, cảm thông và tương kính… đã đánh thức hạt giống nhân bản, lòng yêu thương giúp con người đối xử với nhau thuận hòa và nhân cách ngày một hoàn thiện. Phải chăng cuộc đời và giáo pháp của Ngài là những bài học vô giá hướng nhân loại đến Chân, Thiện, Mỹ.

Ảnh minh hoạ.

Hơn thế nữa, con đường giáo dục này đã vượt qua sự phát triển của văn minh khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Bởi xã hội vẫn không thể giải quyết được những vấn nạn “nóng” đang báo động như vấn đề môi trường, đạo đức xã hội, tư tưởng hòa bình… một cách triệt để từ gốc rễ mà chúng chỉ xoa nhẹ trên bề mặt của những vết thương đau. Chính vì vậy sự góp phần giải quyết triệt để những vấn nạn, căn nguyên đau khổ của Phật giáo đã giúp cho đức Phật trở thành một nhà giáo dục đại tài trong thế giới ngày nay. Cho nên Tiến sĩ Lý Kim Hoa - một nhà giáo dục đại học Kyoto, Nhật Bản - đã nói về giáo dục Phật giáo rằng:

Giáo dục Phật giáo lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người, lấy thế giới làm đối tượng và cứu cánh cũng ở thế gian. Tư tưởng nhất thừa trong giáo dục Phật giáo không dạy ta chối bỏ con người thực tại để tìm kiếm một hiền thánh mà dạy chúng ta làm cho con người trở thành hiền thánh, không dạy ta từ bỏ ta bà để đi tìm tịnh độ mà dạy ta chuyển hóa ta bà thành tịnh độ”.

Đồng thời nét đẹp trong tinh thần giáo dục Phật giáo lại càng thể hiện rõ hơn qua những phương pháp thực tập để chuyển hóa những tập khí xấu quấy ác. Và con đường giáo dục này đã xây dựng hòa bình, an lạc nơi trần thế xuyên suốt trong chiều dài lịch sử là một minh chứng cụ thể. Cảm phục trước những vẻ đẹp tâm linh thánh thiện, và đường lối giáo dục nhân bản, cùng tinh thần hòa bình, cũng như những đóng góp vĩ đại của Phật giáo đối với nhân loại, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Kofi Annan đã ca ngợi Đức Phật và giá trị đóng góp của Phật giáo rằng:

“Thông điệp của Đức Phật là thông điệp về hòa bình và từ bi, nhưng cũng là thông điệp về sự tỉnh thức – nhận biết bản thân, hành động của mình và nhận biết về thế giới chung quanh. Đây là thông điệp mà những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người cần nghiêm túc đón nhận” (Trích Thông điệp LHQ, 2003).

Chính thông điệp về hòa bình và từ bi ấy được ngài thể hiện qua phương pháp giải quyết. Lối giải quyết của Ngài luôn biểu hiện tình thương bao la vô bờ bến. Điều này được minh chứng bằng câu chuyện về sự tranh chấp giữa hai bộ tộc Koliya và Sakya. Khi đứng trước một cảnh tượng thương tâm sắp xảy ra, gây biết bao đau khổ và chết chóc cho dân làng, Đức Phật đã đứng ra hòa giải giữa hai bộ tộc đang tranh chấp một dòng nước để dẫn vào đồng ruộng sắp bị khô cạn của mình. Đức Phật đã xuất hiện và nhẹ nhàng nói:

“Ai cũng thích sống còn, ai cũng thích bảo vệ mình, ai cũng vì sự sống riêng cho mình. Nếu cứ sát hại nhau, thì cuối cùng cả hai đều chết, đều bị thiệt hại. Vậy, ai là người thừa hưởng? chắc chắn là không còn ai. Vì đã tử vong. Đã bị hủy diệt. Vì một dòng nước mà không nhường nhịn nhau, đưa đến chiến tranh hủy diệt tương tàn!”.

Giáo lý Phật giáo lấy từ bi làm nền tảng nên luôn chủ trương phải lấy tình thương xóa bỏ hận thù, để tạo dây thân ái, yêu thương, đoàn kết giữa những trái tim có chung dòng máu đỏ. Thế nên, Đức Phật dạy: “Hận thù diệt hận thù, đời này không có được. Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu”.

Từ chân lý căn bản có ý nghĩa cao cả và phổ quát ấy, Đạo Phật từ ngàn xưa cho đến mãi mãi về sau, không bao giờ để cho một giọt máu của chúng sanh phải đổ vì những hận thù, chiến tranh. Ngược lại, Đạo Phật để hóa giải mọi hận thù, chiến tranh, để xây dựng nền hòa bình cho nhân sinh. Và kẻ thù của nền hòa bình ấy không gì khác hơn chính là vũ khí tham sân si trong tâm con người, và chúng đang ầm ỉ bốc cháy và sẽ bùng nỗ khi có cơ duyên châm ngòi. Vì vậy suốt 45 năm du hóa, đức Phật đã giảng dạy, đã thực thi việc phá vỡ cái xã hội bất bình đẳng của Ấn Độ, đã hóa độ và tổ chức một xã hội lý tưởng bằng lối sống Lục hòa, 5 giới cho người tại gia, 6 pháp Ba-la-mật cho hàng Bồ-tát…. Tất cả đều xuất phát từ tinh thần từ bi độ tha của đạo Phật.

Đồng thời tính giáo dục Phật giáo còn cống hiến cho thế giới hiện đại ngày nay. Cho nên trong bản hiến chương của tổ chức văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc (Unesco) có câu: “Chiến tranh là do tâm phát khởi thì hòa bình cũng do tâm xây dựng”. Phải chăng câu này đã “dựa” theo ý Phật dạy: “Tâm bình thì thế giới bình”? Không phải ngẫu nhiên mà cố thủ tướng Nehru, trong ngày độc lập Ấn Độ đã nói:

“Xưa vua Asoka chinh phạt nước Kalinga, cảm vì nỗi đau của nhiều người tử thương trong cuộc chiến nên đã quy y theo Phật giáo. Từ đó nhà vua đem giáo pháp từ bi trí tuệ của Phật dạy ra giáo hóa người đời, thay vì chinh phạt bằng vũ lực. Không những chỉ trong nước Ấn Độ, nhà vua còn phái khiển nhiều đoàn xứ giả hòa bình sang các nước láng giềng. Nay chúng ta dùng biểu tượng pháp luân Asoka cakra cho lá quốc kỳ độc lập của Ấn Độ và hình sư tử Asoka làm quốc huy là sự lựa chọn có ý nghĩa chứ không phải ngẫu nhiên. Đó là chúng ta tiếp nối cái lý tưởng chính trị của Asoka đại vương, nó tượng trưng cho sự nỗ lực và lòng thành của người Ấn Độ đối với lý tưởng hòa bình”.

Chính nền tảng giáo dục Phật giáo đã đưa ra những phương pháp, tư tưởng đạo đức để đi vào đời sống, nhằm giải quyết những tình trạng bế tắc của con người và xã hội. Đây là việc làm cần thiết của các nhà giáo dục Phật giáo nói riêng và các nhà làm công tác giáo dục nói chung. Nếu mọi người thực hành theo chánh pháp thì đời sống an lạc hạnh phúc chắc chắn được thực hiện. Cho nên Đức Phật từng quả quyết: “Ta sẽ đem lại ánh sáng trí tuệ cho cuộc đời đang bị bóng tối che phủ. Ta sẽ giải thoát cuộc đời khỏi sự già chết và mọi sự đau khổ”. Nên đối tượng giáo dục là lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người. Đó là quan điểm giáo dục và mục đích giáo dục của Phật giáo.

Tin trước

Thắp sáng hiện hữu

Tin tiếp

Suy ngẫm về sống chết