Xóm không có gì đặc biệt, bởi nhà ai cũng đóng cửa sớm, bật tivi xem thời sự, xem phim, xem gameshow, nói chung là xóm yên bình.
Trong xóm có hai vợ chồng bà Muôn năm nay đã trên 80 tuổi, mỗi ngày hai người cứ nương nhau đi bộ từ đầu xóm đến cuối xóm gọi là tập thể dục. Bà đi chậm hơn ông, ông níu tay bà khe khẽ như dắt một đứa trẻ, cứ sợ nó vấp té, như thể chỉ có một cơn gió mạnh thổi cũng đủ làm cho bà ngã. Thằng con trai của ông bà là Tân, ở căn nhà bên cạnh, như thể ông bà và Tân là hàng xóm chứ không phải có tình ruột thịt. Nghe nói Tân hiện làm giám đốc một công ty nào đó, có ô-tô đưa rước, căn nhà khá đẹp với ba tầng, vườn nhiều cây cỏ, nhà có gắn cả camera chống trộm. Nói chung, Tân là người đàn ông thành đạt. Nhưng có đứa con trai thành đạt mà bất hiếu thì cũng chẳng để làm gì.
Ở căn nhà nhỏ riêng biệt là hai vợ chồng bà Muôn, hai người già sống thui thủi bên nhau như hai cái bóng hắt hiu cùng dựa vào nhau trong buổi chiều tà. Họ ôm trong lòng một nỗi trống vắng vô bờ bến. Mà phàm người già lại càng giống như trẻ con, cần được chăm sóc và cần được sống trong một gia đình có con cháu, để nghe tiếng trẻ bi bô. Nhưng ông bà sống biệt lập như thể ông bà và đứa con trai chẳng liên quan ruột thịt gì với nhau. Ngay cả ngày giỗ chạp, mạnh con con cúng, mạnh ông bà ông bà cúng. Con trai mời bạn bè về nhậu nhẹt, cũng là một cách trả nợ miệng, trong khi hai vợ chồng ngồi ăn cơm thui thủi, nghe tiếng vọng vui đùa bên nhà con mình mà lòng buồn như những cơn mưa chiều nhiều gió.
Câu chuyện vợ chồng bà Muôn là một câu chuyện buồn, và mỗi câu chuyện buồn dường như không trùng lắp với bất cứ câu chuyện nào. Nguyên bà là một cô cấp dưỡng ở một trạm xá nhỏ, nơi ông Muôn được đưa tới điều trị trong thời chiến tranh. Khi đó ông Muôn đã bị chiến tranh cướp mất bàn chân phải. Ông Muôn quê tận Thanh Hóa, tánh tình hiền lành, có tài thổi sáo. Nhất là những khi chiều vàng võ, chỉ có cây lá lao xao thì thầm cùng những đám mây cuộn trôi, ông cầm chiếc sáo trúc của mình bắt đầu những giai điệu trầm bổng là lòng bà cứ nôn nao. Ông Muôn là mối tình đầu của bà và cũng là tình cuối. Cả cuộc đời, bà theo ông Muôn như một chiếc lá cứ cuốn trôi theo dòng sông xa mù cho đến khi hai vợ chồng phục viên, hòa bình lập lại, vào tận miền đất xa lạ này sinh sống.
Ông Muôn vốn là người lính, sau khi hòa bình lập lại, ông đã trở thành một thương binh. Con trai đầu của ông chẳng mấy chốc trở thành con người thành đạt, xây dựng được nhà cửa, mà căn nhà cũng xây trên mảnh đất do ông được cấp cho chứ chẳng phải tự nó mua. Lúc đầu sống chung với con trai, nhưng chưa tròn một vòng quay của đất trời, ông dứt khoát phải cất riêng căn nhà nhỏ mà ở. Ông giận Tân đến mức độ ở giữa hai nhà, ông xây một bức tường cao lên, che khuất tầm nhìn như bức tường phân chia ranh giới... Bởi lẽ xưa nay ông có thói quen dậy sớm, mà dậy sớm thì ông đun nước pha trà. Ông thích ngồi nhâm nhi bình trà nóng, rít từng hơi thuốc lào như thói quen từ lâu, tận hưởng không khí tinh sương buổi sáng. Còn ăn uống thì ông chẳng cầu kỳ, chỉ một vài con cá kho mặn, đĩa rau muống luộc, nước luộc rau dầm cà, nặn chanh vào. Con dâu ông dứt khoát không nấu món đó cho cha chồng: “Thời buổi này biết bao nhiêu sơn hào hải vị, bố cứ phải bắt con nấu”. Còn bà Muôn thì trong một lần ở chiến trường, do một quả bom nổ gần trạm xá đã làm cho tai bà bị thương, bây giờ ai nói lớn bà mới nghe được. Việc bà nghễnh ngãng như thế cũng trở thành vấn đề cho con trai. Nghe nói ông Muôn từng viết giấy từ con. Bởi có lần ông gạt tay làm vỡ chiếc bình gốm sứ đẹp cô con dâu chưng ở phòng khách, cô ta làm như là cả thiên hạ đều biến mất, nặng lời với ông. Đã vậy Tân còn bênh vợ, phê bình ông này nọ. Đến bữa ăn, nó lại dọn riêng một mâm cho ông bà, lý do là ba mẹ khi ăn cứ hay khạc nhổ, ảnh hưởng đến con cháu. Ông thề là không bao giờ bước chân vô nhà nó nữa.
Thật ra thì ông bà Muôn còn hai đứa con gái. Hai đứa đều lấy chồng xa, cô Mận nghe đâu ở tận Móng Cái, mở cửa hàng nhỏ buôn bán nước và các loại hàng thiết yếu cho khách du lịch. Cô thứ hai tên Đào lại lấy chồng ở miệt sông nước tận Cần Thơ. Hai cô con gái lấy chồng xa ấy là vai em của Tân, thỉnh thoảng có về thăm bố mẹ. Vì thế, không ngạc nhiên khi tình cờ gặp giữa đường, bắt mồi nói chuyện, bà Muôn lại kể về hai đứa con gái mình.
***
Cuộc sống của một đời người đôi khi tênh tênh như một chiếc lá lìa cành. Ông Muôn cũng như một chiếc lá đã vàng, nhẹ rụng vào một buổi chiều gió thổi buồn hiu hắt. Ông bệnh mấy tháng trời, cô con gái tên Đào từ miền Nam bỏ mọi việc về chăm sóc bố. Ông nằm liệt giường, như một đứa trẻ, một mình cô Đào phải lo mọi chuyện, thỉnh thoảng gặp ngoài đường, cô nói dăm câu chuyện rồi bảo: “Em về chăm cho bố em”. Trong những ngày cuối cùng của đời ông, cô Mận cũng về, dắt theo đứa con gái nhỏ để tang cho ông ngoại. Ông Muôn qua đời trong đêm hè, tiếng ve lao xao gọi nhau râm ran ở cây phượng trước nhà, tiếng khóc vỡ òa giữa tĩnh yên.
Có cái lạ là những ngày đó dường như Tân đi công tác, khi về thì mồ mả đã yên. Tân chỉ qua nhà bố mình thắp nén hương, không thấy khóc. Như cái tình cha con phai lạt từ lâu đã làm cho lòng chàng trai này không giẫy lên nỗi đau thương mất cha. Hay là ông Muôn đã quá già rồi, ông rời cõi tạm về với cõi vĩnh hằng là điều bình thường?
Cuộc sống rồi cũng lao nhanh về phía trước, nhưng câu chuyện hai đứa con gái của ông bà Muôn là tấm gương soi cho cả xóm. Mọi người lại có thói quen khi có gì, lại đem tới cho bà Muôn, người đàn bà nặng tai đang sống một mình, chắc chắn là ngày của bà buồn hơn ngày của người khác.
Rồi Chủ nhật bỗng tưng bừng khi cô Đào xuất hiện. Cô đến từng nhà với giọng Bắc pha chút âm hưởng nước sông Tiền sông Hậu chào mọi người: “Em cám ơn các bác, các cô đã lo cho bố mẹ em. Em xin phép đưa bà về ở cùng vợ chồng em. Bà ở một mình buồn lắm, lại không có người lo cho tuổi già”.
Chuyến taxi đưa hai mẹ con ra sân ga. Căn nhà đã bán cho chủ khác, họ sẽ đập ra và xây lại, mọi dấu vết cũ rồi cũng nhòa tan. Nhưng dáng cô Đào dìu bà mẹ đầu bạc thếch, đôi tai nghễnh ngãng, lên chiếc taxi với cái túi xách nhẹ tênh và di ảnh ông Muôn được gói cẩn thận đã để lại cho tôi một điều gì đó bâng khuâng trong cõi vô thường này.