18/07/2024

Tiền mặt có phải trai diên không?

Bạn Nam Nguyên thân mến!

Trai có nghĩa là thanh tịnh, trong sạch. Ngoài sự chay tịnh, tinh khiết, sạch sẽ của các phẩm vật dâng cúng, chữ trai còn mang ý nghĩa các phẩm vật ấy là thành quả lao động chân chính của tín chủ, không phải là tài vật phi pháp. Diên có nghĩa gốc là mâm cỗ, là toàn bộ những lễ phẩm được tín chủ bày biện cúng dường trong lễ trai tăng. Trai diên là những phẩm vật hợp luật, thanh tịnh do thí chủ thành tâm cúng dường.

Thời Phật tại thế, trai diên chủ yếu là tứ sự, bốn vật phẩm thiết yếu gồm thực phẩm, y phục, chỗ nghỉ, thuốc men. Ngoài ra, hàng Phật tử còn dâng một số vật dụng cần thiết khác như dao cạo tóc, kim chỉ, áo mưa v.v… 26 thế kỷ trước, đời sống chư Tăng như vậy là tạm ổn. Dân chúng Ấn Độ thời cổ đại chủ yếu là trao đổi hàng hóa. Bấy giờ tiền, vàng là tài sản quý giá nên Đức Phật không cho người tu cất giữ.

Ngày nay, mua sắm hàng hóa thông qua tiền mặt rất phổ biến. Phật tử theo truyền thống vẫn sắm sửa trai diên dâng cúng chư Tăng. Có khác biệt là tứ sự ngoài thực phẩm ăn uống còn có ít tiền mặt. Số tiền này, thay vì Phật tử sẽ mua một trong những thứ như vải vóc, mùng mền, thuốc men, khăn, bàn chải, kem đánh răng v.v… nhưng không biết chư Tăng thực sự cần vật dụng gì, nên phương tiện cúng tiền để chư Tăng tự mua lấy cho phù hợp. Cách này giúp chư Tăng có đúng loại vật dụng cần thiết nhất, xét về tính hiệu quả thực tiễn sẽ cao hơn. Trong pháp cúng dường, nếu dâng cúng các vật dụng lên chư Tăng mà hợp thời (đúng thời điểm đang cần), hợp vật (đúng với vật dụng đang cần nhất) thì thật ý nghĩa và trọn phần phước báo.

Trường hợp một số chư Tăng giữ giới không nhận tiền, khi Phật tử dâng cúng tứ sự cùng một ít tiền mặt thì vị cư sĩ thị giả sẽ giữ giúp, khi nào chư Tăng cần vật dụng gì thì thị giả sẽ đi mua sắm cho. Hoặc khi có người phát tâm cúng dường, chư Tăng cần loại vật dụng gì thì nói cho Phật tử biết, họ sẽ đi mua vật dụng ấy đem dâng cúng. Trong bối cảnh ai cũng bận rộn tất bật mưu sinh thì phương cách này có ưu điểm là chư Tăng giữ được giới không nhận tiền, nhược điểm là Phật tử mất nhiều thời gian, công sức hơn và kết quả có một vật dụng phù hợp cho chư Tăng cũng thấp hơn.

Hiện có một vài ý kiến không đồng tình với việc chư Tăng nhận số ít tiền để tự sắm những vật dụng cần thiết. Thực tiễn thì tất cả mọi phương diện liên quan đến đời sống của chư Tăng đều do Phật tử hộ trì, đều là tài vật của Phật tử. Sử dụng tài vật ấy mang đến lợi ích thiết thực nhất cho chư Tăng chính là nguyện vọng của Phật tử. Trong tinh thần phương tiện thì cách chư Tăng nhận một ít tiền mặt để tự mua lấy vật dụng phù hợp cho mình có thể chấp nhận được.

Thực tế thì cách dùng tiền trong thời đại Đức Phật và hiện nay khác biệt nhau. Thời cổ đại tiền vàng là tài sản để cất giữ, hiện nay tiền cũng là tài sản nhưng còn mang ý nghĩa là phương tiện trung gian để trao đổi, mua sắm các vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, vì giới luật là vấn đề không thể vượt qua nên mới dùng phương tiện. Vấn đề đặt ra là chư Tăng nhận số ít tiền mặt đó và sử dụng thế nào? Nếu sử dụng đúng mục đích của Phật tử dâng cúng là thay mặt họ mua các vật dụng thiết yếu cho đời sống tu hành thì nghiễm nhiên số ít tiền mặt dâng cúng ấy chính là tứ sự, là trai diên.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin trước

Những điều quan trọng của sự tu tập

Tin tiếp

Tinh tấn trong đạo Phật khác với nỗ lực ở đời thường