Ấy vậy mà trong pháp thoại dưới đây, Thế Tôn nói việc tu hành nghe sao khá dễ. Dễ đến mức là trong vô số phiền não, người tu chỉ cần diệt một pháp thôi thì sẽ đắc thần thông, thành A-la-hán. Pháp đó chính là diệt trừ sự tham đắm mùi vị. Bình tâm để lắng nghe Thế Tôn dạy về pháp tu đơn giản mà kết quả thật diệu kỳ:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, Ta sẽ chứng cho các thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt. Thế nào là một pháp? Ðó là tham đắm mùi vị. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy diệt sự tham vị này, Ta sẽ chứng cho các thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Chúng sanh đắm vị này/ Chết đọa trong đường ác/ Nay nên xả dục này/ Liền thành A-la-hán.
Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên xả bỏ ý tưởng tham đắm vị này. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Lợi dưỡng, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.153)
Phật dạy sáu pháp không thối đọa
Lời bàn:
Thì ra, tu tập không nhất thiết là ngồi thiền nhập định, cũng không cứ là niệm Phật nhất tâm… mà có thể tu ngay nơi cái mũi và cái lưỡi của mình. Pháp tu này còn gọi là tu căn, tức làm chủ các giác quan. Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị mà tham đắm khởi lên thì sẽ hướng chúng sanh đi vào đường ác. Ngược lại mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị mà không tham đắm thì tự khắc được thảnh thơi, giải thoát.
Nói đến mùi vị thì đầu tiên chúng ta nghĩ ngay đến đồ ăn thức uống mà mình thọ dụng hàng ngày. Dĩ nhiên ăn món lạ và ngon thì ai cũng thích nhưng quá nuông chiều theo sở thích mùi vị đã khiến cho nhiều người phải khổ nhọc. Điều quan trọng là mùi thơm và vị ngon của một số món ăn đôi khi lại không liên quan gì đến dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta thật sự cần. Cho nên, người không có tiền để ăn rồi suy dinh dưỡng, bệnh tật thì đã đành nhưng người thừa tiền ăn uống thoải mái rồi sinh bệnh cũng không phải ít.
Muốn tu cái mũi và cái lưỡi thì hãy bắt đầu bằng tuệ giác về ẩm thực, nên ăn uống những gì cơ thể cần hơn là thọ dụng những gì mà chúng ta thích để tiết chế tâm tham đắm mùi vị. Người tu thường ăn ít (có người chỉ ăn một bữa trong ngày), chỉ vài món đạm bạc nhưng nhờ họ ăn chậm, nhai kỹ và chú tâm nên tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt.
Với người tu, cách ăn quan trọng hơn cả món ăn. Ẩm thực là lễ nghi, có cả một Nghi thức Quá đường đàng hoàng rất trang nghiêm và cẩn mật. Cách ăn này thật chậm rãi trong yên lặng hoàn toàn, ăn với chánh niệm cao độ, cảm nhận rõ ràng những hương vị thiên nhiên tinh khiết của thực phẩm đồng thời biết ơn sâu sắc những người đã dày công tạo ra thực phẩm cho mình. Người biết cách ăn uống có chánh niệm như vậy thì sự tham đắm mùi vị được loại trừ.
Mặt khác, mùi và vị không đơn giản chỉ hạn cuộc nơi đồ ăn thức uống mà còn nhiều thứ khác nữa. Nói chung những gì mà mũi và lưỡi cảm nhận và yêu thích đều gọi là hương trần và vị trần. Tùy theo nghiệp của mỗi người mà có sự tham đắm về mùi và vị khác nhau. Mùi thơm của thực phẩm, hoa trái cây cỏ, hương liệu; mùi của người nam (nữ); mùi hương của ký ức (tâm tưởng)… chính là hương dục. Vị cũng vậy, vị ngon ngọt, vị cay đắng, vị nồng nàn… tất cả hương và vị dục đều khiến cho con người tham đắm, không dứt ra được.
Thực ra thì hương và vị vốn không có lỗi. Lỗi ở chỗ tâm chúng ta tham đắm và dính mắc vào hương trần và vị trần. Nên phải duy trì chánh niệm thường trực để ngửi hương biết rõ mùi mà không say, nếm vị biết rõ vị mà không đắm. Nếu làm được vậy thì chúng ta “xả dục”, dù sống trong hồng trần mà chẳng vướng bụi trần. Căn thanh tịnh thì chắc chắn nghiệp thức sẽ thanh tịnh, đây là cơ sở của “thành quả thần thông, các lậu được dứt, thành A-la-hán”.