25/11/2024

Tâm từ hóa giải đố kỵ, ghét ganh

Đôi khi những tâm này không bộc lộ ra ngoài, người khác khó thấy nhưng chính đương sự biết rõ. Dù sao thì đố kỵ, ganh ghét ngầm vẫn hơn, ít ra thì cũng giữ được vẻ đứng đắn bên ngoài. Theo lời dạy của Đức Phật, dẫu ngấm ngầm hay bộc lộ thì tâm ghét ganh, đố kỵ là nhân đưa đến hoại diệt.

“Một thời Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta ở trong đây không thấy một pháp nào đưa đến hoại diệt nhanh như ganh ghét, đố kỵ đối với đồng phạm hạnh. Cho nên, các Tỳ-kheo nên tu hành từ nhẫn, thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Một pháp, phẩm 12. Nhập đạo, kinh số 2)

Mọi sự thành công trong cuộc sống đều do tài trí, siêng năng và phúc phần. Tài trí và nỗ lực là nhân lành trong hiện tại. Phúc phần là những nhân lành trong quá khứ. Duyên lành hội đủ thì họ thành công, không hề do may rủi hay ai đó thưởng phạt hoặc ban phát. Những người không thấy được nhân duyên xa và gần này thường tỏ ra khó chịu trước thành công của người khác. Từ đó ganh ghét và đố kỵ xảy ra.

Hiệu ứng liền theo ghét ganh, đố kỵ là tìm cách phá hoại thành công của người. Thân làm hại, miệng nói hại và tâm nghĩ hại người để thỏa sự tỵ hiềm, ganh ghét. Kết quả là người bị hại cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, có khi nghiêm trọng. Trớ trêu là người manh tâm làm hại lại tổn thất nhiều nhất, thân tâm bị thiêu đốt, phước đức bị tổn giảm. Một khi tâm xấu ác hoành hành thì chẳng ai được lợi, khiến cho tất cả đi đến hoại diệt.

Kinh Phật thường dạy cần dụng tâm tùy hỷ, vui với sự thành công của người, hoan hỷ với những việc tốt mà người khác làm được để chuyển hóa đố kỵ. Tùy hỷ sẽ khiến cho nhân cách và phước báo của mình tăng trưởng hơn lên. Nền tảng của tùy hỷ là tâm từ, yêu thương tất cả, mong cho mọi người luôn bình an và hạnh phúc. Nên việc cần làm trước hết là thực hành rải tâm từ trong đời sống hàng ngày.

Pháp thoại này, Đức Phật dạy cần vun bồi lòng từ và biểu hiện qua ba nghiệp thân khẩu ý. Thân làm điều lành, miệng nói lời yêu thương, tâm cầu mong cho người luôn tốt đẹp. Khi tâm từ được chế tác, làm cho sung mãn, tràn ngập thân tâm, trải ra đến vô lượng thì hỷ xả có mặt. Sự hân hoan sẽ chuyển hóa được đố kỵ, ghét ganh.

Tin trước

Học theo gương hạnh Đức Phật

Tin tiếp

Ý nghĩa của thần chú Om Mani Padme Hum