12/08/2024

Tam thời hệ niệm và lục thời cát tường

Bạn Bạch Liên thân mến!

Tam thời hệ niệm là một trong các pháp môn tu của tông Tịnh Độ, do Thiền sư Trung Phong - Minh Bản (1263-1323) người Trung Hoa đề xướng, chủ trương vừa tu tập thành tựu vãng sinh vừa cứu độ vong linh siêu sinh Tịnh độ. Tam thời, hiểu theo nghĩa hẹp là ba thời gồm buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Hiểu theo nghĩa rộng thì tam thời gồm tất cả thời. Hệ niệm có nghĩa là buộc niệm, nhiếp niệm, trú niệm. Nhiếp ba nghiệp thân khẩu ý quán tưởng văn nghĩa của kinh A Di Đà, một lòng niệm Phật, nhớ nghĩ đến cảnh giới Tây phương Tịnh độ và phát nguyện sinh về.

Lục thời nghĩa là sáu thời; là cách tính thời gian trong một ngày đêm (24 giờ) của người Ấn Độ cổ đại. Sáu thời gồm ba thời ban ngày và ba thời ban đêm, mỗi thời tương ứng với bốn giờ hiện nay. Ba thời ban ngày gồm đầu ngày, giữa ngày, cuối ngày và ba thời ban đêm gồm đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm.

Sáu thời tương ứng với cách tính giờ hiện nay như sau: Đầu ngày (từ 6 giờ đến 10 giờ), giữa ngày (từ 10 giờ đến 14 giờ), cuối ngày (từ 14 giờ đến 18 giờ) và đầu đêm (từ 18 giờ đến 22 giờ), giữa đêm (từ 22 giờ đến 2 giờ), cuối đêm (từ 2 giờ đến 6 giờ).

Khi Phật giáo truyền qua Trung Hoa (dù người Trung Hoa dùng 12 giờ theo các giờ Tý, Sửu,… Tuất, Hợi; mỗi giờ Tý, Sửu… này tương ứng với hai giờ hiện nay) nhưng cách tính giờ lục thời của Ấn Độ vẫn được Phật giáo Trung Hoa sử dụng trong sinh hoạt thiền môn. Đời Đường, ngài Thiện Đạo soạn Lục thời lễ tán, phương thức đảnh lễ tán dương công đức Phật và Bồ-tát trong sáu thời.

Ở Việt Nam, vua Trần Thái Tông (1218-1277) soạn Lục thời sám hối khoa nghi. Ðây là một nghi thức sám hối chia làm sáu phần, mỗi phần dành cho một thời, mỗi ngày đêm có sáu thời. Kinh cầu an người Việt hiện nay có đoạn“Đêm ngày sáu thời thường an lành” (Trú dạ lục thời hằng kiết tường). Chứng tỏ cách chia thời gian sáu thời theo lịch pháp Ấn Độ vẫn còn lưu dấu trong sinh hoạt tu học tại các chùa viện Trung Quốc và Việt Nam.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin trước

Cầu siêu thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc

Tin tiếp

Ý nghĩa của sự cầu nguyện