01/07/2024

Tâm linh và mê tín

LTS. Tâm linh và mê tín, ranh giới để phân biệt mức độ trưởng thành nội tâm rất mong manh trong đời sống thực tế. Do đó, nhiều người đã ngộ nhận, để rồi rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc, như chúng ta thấy dư luận xôn xao gần đây. Tuần báo Giác Ngộ xin giới thiệu nội dung được ghi lại từ một bài nói chuyện với doanh nhân từ gần 10 năm trước, với sự bổ túc và đồng thuận của tác giả - nhà nghiên cứu Phật học, đồng thời là nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, cùng bạn đọc quan tâm (GN).

***

Hai cực đoan

… Trong cuộc đời, phần lớn con người dễ rơi vào hai thái cực sau đây: thứ nhất, là thái cực cho rằng thế gian này chẳng có gì khác ngoài sự vận hành của vật chất và thân thể chúng ta, thế gian chẳng qua là nguyên tử phân tử đang vận động, tư tưởng hay tinh thần cũng chỉ do xương thịt “tiết ra”. Đó là những người tin rằng thế giới này chẳng có gì nữa sau thế giới hiện tượng được cảm nhận. Con người sinh ra với hình hài thân thể một đứa trẻ, từ từ lớn lên, tư tưởng xuất hiện trong tâm não. Tâm tình vui buồn thương nhớ giận hờn hình thành, sau khi lớn lên tư tưởng trở thành hệ thống, triết lý, ý thức hệ. Đến khi chết, não bộ tiêu hủy, là hết, không còn gì nữa. Thế giới xung quanh này như trời mây, tinh tú… chỉ là nguyên tử, phân tử, ngoài ra đằng sau nó không có gì. Chỉ có vật chất này vận hành mà thôi! Phần lớn con người, Đông cũng như Tây phương suy nghĩ như vậy, không thể nói là xấu, lương tâm của họ vẫn hướng về điều thiện. Tuy nhiên trong đó cũng có một số người sẵn sàng làm điều bất thiện. Họ cho rằng nếu thế gian này không có gì, ngoài vật chất đang vận hành một cách máy móc, thì không có gì phải e ngại. Thế gian này là một sân khấu bất di bất dịch, con người ta chỉ là những hạt cát tồn tại một cách tình cờ, ngoài ra không còn gì nữa. “Tôi sẵn sàng làm sao mà quyền lợi, ý thích bản thân được thỏa mãn. Tôi hiện diện trên đời chẳng qua do một sự tình cờ của tạo hóa, do tinh cha huyết mẹ hòa hợp”! Họ cho rằng cái gọi là ý thức là do não bộ tiết ra, như gan tiết ra mật, khi chết là hết! Cách nhìn này được mệnh danh là quan điểm “duy vật tầm thường”. Đây là quan niệm đã có từ lâu trong lịch sử loài người, ngay từ thời Đức Phật cũng đã có ít nhất 8 bộ phái nhận thức như vậy.

Thái cực thứ hai là cách nhìn ngược lại. Loại thái cực này cho rằng con người chỉ là một sinh linh rất tầm thường yếu đuối, xung quanh chúng ta có thánh, có thần, có ma, có quỷ, có trời, có Phật... Mọi thứ đang luôn luôn dòm ngó chúng ta, luôn luôn sẵn sàng trừng phạt nếu chúng ta làm sai trái, luôn luôn sẵn sàng ban phát ân thưởng nếu chúng ta biết khẩn cầu. Tâm lý này cho rằng ở đâu cũng có thần, có Phật, có ma, có quỷ sẵn sàng đe dọa con người. Ở đâu, con người cũng phải lo lắng, sợ sệt! Thái cực này cho rằng số phận chúng ta chỉ như một trái banh trong các thế lực vô tận của thần thánh vô hình nhưng luôn luôn hiện diện. Đây chính là thái cực mê tín. Khuynh hướng này xuất hiện rất nhiều ở châu Á như Miến Điện, Trung Quốc, Ấn Độ... và Việt Nam. Hệ quả tự nhiên của khuynh hướng này là con người luôn luôn xin xỏ cứu độ, sao cho quyền lợi của mình được thỏa mãn, đi thi cũng phải xin ông thần chuyên thi cử, làm quan thì xin thần xin thánh cho mình thăng quan tiến chức, muốn an toàn khỏe mạnh cũng xin thần xin thánh ban phát cho tránh tai nạn, được an vui.... Đó là những người luôn quan tâm quyền lợi hạnh phúc của chính mình mà đến với thánh thần. Họ nghĩ rằng van vái thật nhiều, cúng bái thật nhiều, ở đâu cũng cúng, chuyện gì cũng cúng, mong cầu ân thưởng từ những lực lượng mà mình không biết tới, tưởng như vậy là tâm linh. Tiếc thay khuynh hướng này đang lan tràn ở Việt Nam khá rộng!

Hai khuynh hướng cực đoan, một bên không tin gì cả và sẵn sàng làm ác, một bên là cái gì cũng sợ, cái gì cũng tin, và sẵn sàng khấn vái, thậm chí bỏ ra những số tiền rất lớn làm những điều chính bản thân họ không rõ, chỉ biết tin mù quáng. Hai thái cực này có lẽ chiếm phần lớn trong tâm lý con người, nhất là ở Việt Nam.

Hơn mười năm qua, ta lại thấy có những hiện tượng quay 1800 của những người trước kia thuộc về khuynh hướng không tin gì cả, sau đó quay ngược lại, họ tin hẳn và đi về thái cực kia, cái gì cũng tin, cái gì cũng cúng bái, nên sinh ra những hiện tượng khác thường, như: đua nhau đi cầu xin cúng bái, nhét tiền vào tay, vào miệng các tượng thánh thần, đốt vàng mã khắp nơi… Và thật tiếc thay những điều này lại đang lan tràn trong xã hội.

Chúng tôi nêu những chuyện đó, không hề muốn công kích niềm tin tôn giáo của bà con, mà chỉ muốn bằng kinh nghiệm bản thân, trình bày với quý vị thế nào là con đường tâm linh? Thế nào là con đường tâm linh trung đạo, đi giữa hai thái cực này? Trung đạo ở đây không có nghĩa là xuề xòa mỗi bên một chút, mà chính là con đường Phật đã dạy, nếu đi đúng con đường, chúng ta sẽ trở thành những con người giải thoát. Hai thái cực trên chỉ là biên kiến sai lầm.

Đức Phật luôn dạy đệ tử phải tránh xa các cực đoan trong đời sống

Thế nào là lòng tin nơi sự nhân quả?

Đó là lòng tin rằng bất cứ chúng ta làm cái gì cũng có một kết quả đi về sau. Đó là lòng tin rằng bất cứ cái gì xảy ra cho chúng ta dù cho chuyện nhỏ tới mấy, cũng có một nguyên nhân phía trước. Tin nhân quả là tin rằng mọi sự việc xảy ra hiện nay trước đó phải có một nguyên nhân và sau đó có một kết quả. Tin nhân quả mới đầu nghe rất đơn giản, ví dụ: tôi đánh chuông, thì chuông ngân; tôi quẹt cây diêm, cây diêm cháy lên; tôi uống rượu, tôi sẽ nhức đầu; tôi đánh người ta, người ta ghét tôi; tôi siêng năng trau dồi, tôi sẽ có việc làm; tôi cho anh vay một triệu đồng ngày hôm trước, ngày hôm sau anh phải trả tôi một triệu đồng... tất cả đều là nhân quả. Nhưng những nhân quả vừa liệt kê chỉ là nhân quả có tính chất cơ giới, hôm nay tôi sẽ gọi chúng là nhân quả về mặt dương. Mặt dương là gì? Mặt dương là chúng ta có thể thấy được, suy luận ra được, dùng lý lẽ để nhận thức được. Nhưng sự vận hành trên thế gian này không phải chỉ có mặt dương, mà còn có mặt âm.

Thế nào là dương? Thế nào là âm? Mặt dương là mặt thể hiện ra cho chúng ta thấy, biết; còn sự biểu hiện mà chúng ta không thấy được gọi là mặt âm. Mặt dương chỉ là một phần rất nhỏ, giống như đỉnh băng sơn ở phía trên, chúng ta thấy được, còn toàn bộ phần còn lại nằm dưới nước chúng ta không thấy được là mặt âm. Cho nên, nói tin nhân quả là phải tin rằng ngoài sự vận hành trên mặt dương, trên mặt thấy, hiểu, nghe được; chúng ta còn nên tin rằng nó còn vận hành trên mặt âm. Mặt âm là mặt kín, mặt lớn, mặt rộng, thậm chí nó là phần mang mặt dương lên mặt nước, chính nó là phần cơ sở làm cho mặt dương xuất hiện. Mặt âm là mặt cực kỳ quan trọng của nhân loại. Đa số chúng ta hiểu nhân quả, nhưng chúng ta không thấy mặt âm. Khoa học chỉ có thể chứng minh mặt dương, khoa học không thể nói về mặt âm của nhân quả. Tôi nợ bạn một triệu đồng, ngày hôm sau tôi trả bạn một triệu, đó là mặt dương. Nhưng mà tôi nợ bạn một triệu đồng mà tôi không chịu trả, nhưng 10 năm sau, có một chuyện khác xảy ra, hoàn toàn xa cách với chuyện trước và tôi sẽ tốn hết 15 triệu. Tôi không hề biết, tôi tưởng là ngẫu nhiên, nhưng thực ra nó là đường đi của mặt âm. Các tuyến của mặt âm chúng ta không thấy được, khi nó xảy ra chúng ta tưởng là ngẫu nhiên. Tôi giúp con tôi học, con tôi đi thi đậu thì đó là mặt dương. Thế nhưng khi tôi giúp đỡ con cái một người khác, rồi chục năm sau con tôi lại được một người khác hoàn toàn xa lạ, giúp đỡ hỗ trợ, thí dụ trong chuyện nghề nghiệp, thì đó là mặt âm. Thấy thì không liên quan nhưng có liên quan. Tại vì chúng ta không thấy mặt âm nên không tin là có.

Người đời là vậy, hễ không thấy thì không tin, nghĩ rằng không có! Chúng ta chỉ thấy mặt dương, nhưng các tuyến mặt âm đi phía sau lưng thì chúng ta không thấy. Khi bắt đầu tin rằng có các tuyến vận hành trong mặt âm, chúng ta bắt đầu hiểu cuộc đời. Hiểu rằng có những cách vận hành hết sức bí ẩn, hết sức vi diệu. Khi đó chúng ta mới biết rằng vấn đề không còn đơn giản, có những đường đi thuộc mặt âm. Cho nên, ông bà chúng ta hay dùng từ “âm đức” là vậy. Âm đức là gì? Âm đức là đức để lại chạy vòng trong tuyến âm, tuyến kín. Âm đức nghĩa là nhân quả vận hành trong tuyến âm, và tuyến đó vi diệu, chúng ta không bao giờ thấy, dù cho ta thông thái bao nhiêu cũng không thể thấy, ngay cả các vị thánh tăng của Phật giáo cũng chưa chắc thấy được, đến nỗi Đức Phật nói rằng nhân quả là “bất khả tư nghì”. Chúng ta không thể hiểu hết được cơ chế vận hành của nhân quả, chúng ta chỉ nên tin rằng cơ chế vận hành của nhân quả có mặt âm, và mặt âm mới là mặt chủ yếu.

Chính vì vậy, các bạn nên hiểu rằng, những gì chúng ta làm đều có sự vận hành của nó, những gì chúng ta chịu hôm nay đều có sự vận hành của mặt âm, những gì xảy ra hôm nay đều có một nguyên nhân trước đó, chỉ có điều chúng ta không biết hết. Ví dụ như hôm qua tôi uống rượu quá nhiều, hôm nay tôi nhức đầu, và giả định tôi không biết đến ngày hôm qua, thì tôi sẽ than thở: “Sao không ai nhức đầu chỉ có mình tôi nhức đầu! Tôi xui quá!”. Cũng vậy, sống trong đời này chịu nhiều đau khổ, rủi ro, bệnh tật, mình có thể than thở: “Tại sao đời mình bất hạnh như thế!” nhưng nếu mình tin có một đời sống trước, mình sẽ nghĩ rằng: “Phải chăng đời sống trước mình đã có những cái nguyên nhân để ngày hôm nay mình bị như vậy!”. Tương tự như việc hôm nay tôi nhức đầu, nhưng sực nhớ ra rằng do hôm qua mình uống rượu nhiều quá, khi đó mình sẽ không than thở, trách móc ai nữa, mà biết rằng nguyên nhân là vậy, mình sẽ không uống rượu nhiều nữa. Nếu chúng ta hiểu rằng mặt âm là mặt kín, và chấp nhận giả thuyết có một đời sống trước và đời sống sau thì nhiều điều trong cuộc sống được sáng tỏ và giải tỏa. Do đó tin nhân quả là tin có sự vận hành trên mặt âm và tin có nhiều đời sống tiếp nối lẫn nhau.

Ngoài ta, tin nhân quả là tin rằng chúng ta vận hành trên cả ba khía cạnh, ba lĩnh vực, ba mức độ. Đó là thân, khẩu, ý. Thân là tay chân thân thể chúng ta, khẩu là miệng, lời nói chúng ta, ý là tâm tư chúng ta. Chúng ta nói tin nhân quả là tin mỗi hành động có kết quả của nó. Trong đời sống bình thường, người ta chỉ để ý đến mức độ thân, hành động, còn lời nói và tư tưởng thì không xem trọng. Thí dụ như: một người nào đó dùng dao giết người, thì tòa sẽ kết án. Nhưng nếu người đó mới dùng lời nói hoặc ý tưởng, to tiếng hăm dọa giết hay tính toán giết người, thì tòa án sẽ không kết tội. Nhưng về mặt tâm linh, nhân quả vận hành trên cả ba mức độ thân, khẩu, ý. Nghĩa là mình chỉ tác ý giết người hoặc mắng chửi đòi giết là nhân quả đã bắt đầu kết, tâm bắt đầu vận hành, trong mặt âm. Chính vì vậy mà Đức Phật có khuyên chúng ta giữ gìn “tâm ý”.

Cho nên, chúng ta nên giữ tâm khẩu ý làm sao để chúng ta có thiện nghiệp, để đời sau hay ngay đời này được an vui, hoặc không phải chúng ta thì con cháu chúng ta được an vui, thậm chí nếu các bạn tin, các bạn có thể tin ông bà chúng ta, những người đã chết cũng được an vui. Mức độ huyền diệu của tâm là không thể suy luận được, sự tác dụng của tâm là rất lớn, chúng ta không thể dùng trí óc tưởng tượng được.

Tin nhân quả là tin rằng chúng ta vận hành trên cả ba khía cạnh, ba lĩnh vực, ba mức độ. Đó là thân, khẩu, ý

Quan tòa ngồi đợi?

Phải chăng có một ông quan tòa, ngồi đó đợi chúng ta làm điều đúng sai thiện ác, đều ghi chép để về sau trừng phạt hoặc khen thưởng?

Không có ai ghi chép, không có ông Diêm vương nào ghi chép cả! Chúng ta cần phải hiểu nhân quả vận hành như thế nào? Theo chúng tôi, mỗi hành động chúng ta dù là thân, khẩu, hay, ý khi vừa được phát ra thì trong tâm lập tức xuất hiện một vết cắt trong tâm. Vết cắt đó tương ứng với hành động làm ra ngoài, nói theo vật lý thì hễ có lực ra ngoài thì có phản lực đi ngược vào trong, hai bên bằng nhau, gọi là actio=reactio. Nòng súng bắn ra viên đạn thì bị giật lui, xung lực giật lui bằng xung lực viên đạn bắn ra. Hay nếu tôi đứng trên bục nhảy qua phía bên kia, thì thân tôi nhảy qua nhưng chân tôi đạp vô bục, bục chịu cái đạp đó; cũng vậy, khi mà chúng ta vừa tác ý, chửi mắng, giết người khác thì trong tâm xuất hiện một vết cắt. Vết cắt đó phải được hóa giải một lúc nào đó trong tương lai. Ta không hiểu tâm sẽ vận hành thế nào nhưng chắc chắn một điều rằng nó sẽ chiêu cảm những hoàn cảnh xảy ra để chủ nhân của tâm sống lại điều bản thân nó đã làm cho người khác.

Đó là cái huyền diệu của tâm, hoàn toàn khách quan, tự vận hành, chí công vô tư. Tâm chúng ta không có trong, ngoài, to, nhỏ, nó chính là bản nguyên của đời sống này. Hễ chúng ta làm gì đó, lời nói, hành động, ý niệm lập tức có vết cắt trong tâm. Vết cắt này chỉ đợi đủ điều kiện để đơm hoa kết trái, sinh ra một hoàn cảnh để chúng ta sống lại những điều mình đã gây nên cho người khác. Thế nên giết người sẽ bị người giết lại, lừa dối người sẽ bị người lừa dối lại. Vì hoạt động của tâm lạ lùng như vậy, nên kẻ sát nhân sống lại cảnh bị giết. Ví dụ như ngài Mục Kiền Liên, khi mà ngài đạt đến đệ nhất thần thông rồi, Phật nhiều khi còn cần dùng đến thần thông của ngài, nhưng trước lúc chết mà ngài còn bị giết, tại vì trong đời quá khứ ngài đã giết người. Ngài Xá-lợi-phất cũng vậy, hay như vị Nhị tổ Thiền tông, ngài Thần Quang đã tự cắt tay được Sư tổ Đạt-ma truyền cho Thiền tông, cũng là một người đạt đạo, tới lúc chết cũng bị giết bởi vì trong quá khứ ngài đã giết người. Bản thân Đức Phật cũng bị chảy máu bởi vì trong quá khứ Ngài cũng đã từng làm tổn thương người khác. Cho nên, tất cả chúng ta những ai đã làm ác với người khác, thì sẽ sống lại cảnh ác đó. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Tôi lấy thêm một ví dụ để quý vị thấy rõ vấn đề nó phức tạp hơn những gì chúng ta đang thấy. Một người sau khi giết người, vì một lý do nào đó không bị tòa án truy tố. Giả định người này vì vậy mà rất ăn năn, hối lỗi, tu hành, thương yêu người khác, vì lòng ăn năn của mình đem hết tài sản giúp đỡ, bố thí mọi người, thì ngay đời này hoặc đời sau, với người đó sẽ có hai hiện tượng xảy ra. Hiện tượng thứ nhất là người đó sẽ được hạnh phúc, sung sướng được nhiều người giúp đỡ vì người đó đã từng giúp đỡ rất nhiều người, nhưng cũng chính người đó vẫn sẽ chịu cảnh bị giết lại. Cảnh giết lại này có thể là thực, cũng có thể chỉ ở trong mộng, tùy mức độ gây ra đau khổ. Tóm lại hai nghiệp lực này tác dụng đồng hành cùng nhau, không thể “cấn”, xí xóa hay đổi được, không thể nói: “Tôi vừa mới giúp nhiều người, giờ tha cho tôi”, tại vì tâm không biết “cấn”. Tâm đã có hai vết cắt rồi thì phải có hai chuyện xảy ra để hóa giải, chỉ có điều khi hóa giải nó giải nhiều cách, ví dụ như: bị giết lại theo kiểu chết lại, hoặc kiểu chết trong mộng. Tâm phải chiêu cảm cảnh nào đó để làm sao nó trải nghiệm lại điều đã xảy ra cho người khác, khi đó tâm mới “sạch” được.

Như vậy, cách vận hành của tâm là không có một quan tòa nào ghi sổ việc làm của chúng ta, nhưng với tất cả khả năng của mình, tâm nhớ hết, và vận hành theo kiểu mọi hành động đều có những phản ứng, từ đó chiêu cảm lại để hoàn cảnh xảy ra cho chúng ta trải nghiệm lại. Chính vì vậy, cuộc đời này có nhiều mặt, chúng ta có niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, ngay cả người giàu cũng có đau khổ của người giàu, tại sao có người rất ưu tư, lại có người rất nhiều hỷ lạc, tại sao có rất nhiều bệnh tật, rất nhiều may mắn, rất nhiều rủi ro hoặc những tai nạn bất ngờ xảy ra… Tất cả những điều đó là những vận hành vô cùng vi diệu của tâm, từ đó sinh ra thiên hình vạn trạng của các đời sống khác nhau. Những quả đó không nhất thiết xảy ra trong đời này. Nhiều khi đời này chưa đầy đủ nhân duyên thì chưa xảy ra, nhiều khi nó đợi tới đời sau, đủ nhân duyên, đủ phương tiện thì sẽ xảy ra những biến cố tương ứng.

Thế nào là đầy đủ nhân duyên? Ví dụ như các bạn muốn viết một bức thư chẳng hạn, tức là có ý định, nhưng muốn viết ra một bức thư thật sự để cho người khác đọc, thì chúng ta cần có bút, giấy, thời gian thì mới viết được bức thư. Cho nên, ý định mới chỉ là “vết cắt” trong tâm, còn những điều kiện kia tức các duyên phải đầy đủ thì bức thư mới thành hình. Tương tự muốn có một chuyện gì xảy ra theo lý nhân quả, thì phải có nhân là vết cắt trong tâm, cộng với điều kiện bên ngoài, thí dụ giấy, mực, thời gian.

Tác giả, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách

Sợ nhân nhưng không sợ quả

Thế nào là sợ nhân? Sợ nhân là sợ gây ra ác nghiệp. Mỗi mỗi hành động của chúng ta phải thử xem nó có gây ra ác nghiệp trên mặt thân khẩu ý hay không? Chúng ta không đánh, giết, làm người ta bị đau đớn đó là chúng ta không gây nghiệp ác trên thân. Chúng ta cũng không mắng chửi, chia rẽ người khác bằng lời nói đó là chúng ta không gây nghiệp trên mặt khẩu. Ngay cả tư tưởng, chúng ta cũng không để tư tưởng xấu đi vào tâm, nếu tư tưởng xấu đi vào chúng ta sớm biết tới, để nó không tác động nhiều hơn tới khẩu và thân.

Còn không sợ quả là thái độ hết sức trưởng thành của một con người tâm linh. Chúng ta biết rằng một khi xảy ra điều gì đều có nguyên nhân trước đó, không phải là sự ngẫu nhiên, nên khi xảy ra hãy bình tĩnh chấp nhận. Vì biết rằng dù điều đó đáng buồn, đáng tránh nhưng đã xảy ra, chúng ta tin rằng có nguyên nhân và do chính chúng ta gây ra trước đó. Chúng ta không sợ quả, nó đã tới rồi thì để cho tới! Thậm chí, đối với những người đi xa về đường tâm linh, họ còn cầu cho quả tới sớm, thà tới sớm đời này, còn đời sau biết đâu chừng mình không đủ sức mạnh, để đương đầu đối phó. Bây giờ, mình còn đủ sức mạnh, tài sản, sức khỏe, ý chí, thà nó tới để trả cái quả này. Nói như vậy, không có nghĩa là một biến cố, bệnh tật hay tai nạn xảy ra chúng ta thụ động chấp nhận.

Khi bệnh tật hay tai nạn xảy ra, thường thì rất bất ngờ, ta hay than thở, không ai bị sao mình bị? Nhưng trong tâm mình nên có một sự hối tiếc, nếu như tôi đã làm sai trái cho ai tôi xin sám hối. Song, đồng thời người đó cũng phải chữa bệnh, phải chạy chữa, cũng phải tìm những phương tiện để làm cho bệnh này bớt đau, để cho mình bớt chịu đựng đau khổ, tức là không phải chúng ta thụ động chịu đựng đau khổ, mà chủ động tìm khả năng trong đời này để làm sao biến cố đó bớt đau khổ. Đó là nói sợ nhân không sợ quả.

Một điều đáng nói nữa là chúng ta cần nhìn nhân quả với một thái độ hiểu biết và có lòng kính sợ. Trước một biến cố của mình hay của người chúng ta không thể biết được đây là nhân hay là quả, chỉ hiểu đây là một mắt xích trong vòng diễn biến vô tận của đời sống. Chúng ta có thể tự mình tìm hiểu một cách cẩn trọng về nhân quả của chính mình, nhưng không nên tùy tiện suy đoán luận bàn về nhân quả của người khác. Lý do đơn giản là chúng ta không thể dùng suy luận để hiểu những điều nằm ngoài suy luận. Chỉ Phật hay các vị Thánh tăng hiếm hoi mới biết sinh mạng của chúng sinh nhưng các vị đó không bao giờ nói. Đúng như câu nói của Lão Tử: “Người biết không nói; người nói không biết”.

Như tôi và các bạn gặp nhau ở đây không phải là ngẫu nhiên. Chiều thứ Bảy đẹp trời, lẽ ra các bạn có thể đi dã ngoại, đi picnic, có thể đi chơi các trò chơi khác thú vị hơn nhiều so với cuộc nói chuyện khô khan như hôm nay. Nhưng không, các bạn vẫn tới đây để nghe câu chuyện này. Điều đó nói rằng giữa chúng ta với nhau cũng có mối liên hệ. Phải chăng giữa chúng ta với nhau xưa nay đã có quen biết rồi? Tại sao các bạn không nghe người khác nói chuyện, hôm nay lại tới nghe tôi nói chuyện? Tại sao tôi không đi nói chuyện với người Đức, người Mỹ, hoặc người khác lại về đây nói chuyện cùng các bạn? Cũng bởi vì là một mối liên hệ, một nguyên nhân xa xưa, có thể đời này, có thể đời trước. Cho nên, cuộc nói chuyện về đạo như hôm nay, luôn khiến tôi xúc động. Tôi tin không có gì ngẫu nhiên, tôi tin rằng giữa chúng ta đã từng gặp nhau trên đời này và từng bàn luận về vấn đề này.

Thấu suốt nhân quả

Thấu suốt nhân quả là thấy mọi sự đều nằm trong một biển bất tận của lý duyên khởi. Duyên khởi là gì? Duyên khởi là quan điểm của Phật, nói rằng mọi sự việc đều liên hệ với nhau. Khi nói về duyên khởi, Đức Phật có nói một câu, nghe thì bình thường, thậm chí ngô nghê, nhưng không có một câu nào thâm sâu hơn câu này. Câu này chính là công thức của vũ trụ. Đó là: “Có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, tức là mọi sự đều dựa vào nhau, dùng tiền đề của nhau để sinh thành, khi mà hết sinh thành thì tới diệt. Ví dụ như tôi lấy một que diêm quẹt, cháy lên một ngọn lửa, có củi, có hành động quẹt diêm để sinh ra ngọn lửa, sau 5, 7 giây, củi hết, lửa tàn. Nghe rất đơn giản nhưng xin thưa các bạn mọi hoạt động của thân, tâm, bên ngoài, bên trong đều chỉ theo quy luật này. Và toàn thể hiện tượng này, Phật gọi là pháp hữu vi. Toàn thể pháp hữu vi đại diện cho thân, tâm hoạt động trên cơ sở duyên khởi. Toàn thể thế giới chúng ta, bên ngoài là thế gian, bên trong là tâm. Tất cả chúng là một biển vô tận của các pháp hữu vi đang vận hành. Và điều này gọi là pháp duyên khởi. Trong pháp duyên khởi, quy luật nhân quả đang vận hành. Đây là phần tinh túy nhất của đạo Phật, không phải ai cũng hiểu được ngay, nhưng nếu quý vị không hiểu thì cứ nghe và bảo lưu ở đó, mai mốt sẽ hiểu.

Thõng tay vào chợ

Đây là bước cuối cùng của mức độ tâm linh. “Thõng tay vào chợ” nghĩa là không có gì để nhất định phải làm, tùy duyên mà làm. Lấy ví dụ như việc hôm nay tôi về Việt Nam, anh bạn gọi điện hỏi: “Anh tới thăm bà con Phật tử được không? Nói câu chuyện nào vui vui được không?” Tôi mới nói: “Được!”. Sau đó, lấy giấy ra viết mấy ý để trình bày với các bạn. Đó là tôi tùy duyên với các bạn, không nhất thiết tôi phải gặp ai, nhưng duyên tới, tôi làm; và không đủ duyên thì không làm, không ai hỏi thì làm thinh. Song các bạn phải lưu ý rằng, tùy duyên nhưng phải thuận pháp. Tùy duyên mà không theo pháp, nghịch pháp thì không làm.

Tùy duyên nghịch pháp là sao? Ví dụ: có người đi ngang qua thấy người ta để cửa mở trong có chiếc xe Honda, không dự định lấy nhưng cửa mở nên “tùy duyên” lấy cắp chiếc xe thì đó là nghịch pháp. Còn chúng ta, những người đi con đường tâm linh, phải hiểu rằng mọi sự đều vận hành trên lý duyên khởi, nhưng tạo thiện nghiệp thì sinh ra an lạc, tạo ác nghiệp thì sinh ra đau khổ. Không dự định gì cả nhưng đúng việc thì làm, làm mà không vướng điều mình làm, đó gọi là tùy duyên thuận pháp, “thõng tay vào chợ”.

Tôi biết, ngày hôm nay, chúng ta là những người sống trong xã hội bình thường, tất cả đều còn trách nhiệm với gia đình và xã hội, tất cả đều còn vài tật xấu, chưa ai đạt tới trình độ giống như vị thiền sư “thõng tay vào chợ”, chuyện gì vui thì làm, chuyện gì hợp thì làm, tâm như hư không. Được như các vị đó rất khó, vài chục kiếp nữa. Tôi chỉ mong các bạn và tôi mỗi ngày an vui hơn một chút!

Tin trước

Quyết tâm

Tin tiếp

Mười lợi ích an cư