30/01/2024

Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma qua sông bằng phương tiện gì?

Tuổi trưởng thành, Ngài rời cung vua, theo học Tổ sư đời thứ 27 là Bát Nhã Đa La và được truyền y bát, trở thành Tổ đời thứ 28 Thiền tông Ấn Độ (tính từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni)

Theo lời dạy của thầy, Ngài sang Trung Hoa, truyền pháp kiến tánh, giương cao tông chỉ:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

Ngài trở thành Sơ tổ Thiền tông Đông độ (Trung Hoa).

Cuộc đời Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma với nhiều truyền thuyết ly kỳ, là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ trong Thiền tông, Phật pháp mà còn lan rộng khắp các lĩnh vực sáng tác văn học, thơ ca, hội họa, điêu khắc…

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bức họa, phù điêu khắc họa Tổ Đạt Ma nhẹ nhàng mà uy dũng, thanh thoát mà kỳ vĩ, cưỡi trên con sóng dữ, qua sông đơn giản bằng một nhành lau!

Có một số bức họa khác, vẽ Tổ Đạt ma qua sông bằng nhánh bồ đề. Và đây cũng là tác phẩm tùy theo mỗi tác giả. Tất nhiên, nhánh cây bồ đề hay nhành lau, thậm chí là phi thân, lướt trên mặt nước,… là do ẩn ý của tác giả gởi gắm qua tác phẩm của mình.

Mỗi tác phẩm đều có nguồn gốc, thời gian phát sinh, tác giả là ai, thuộc lĩnh vực nào… Tuy chưa có tài liệu khảo cứu cụ thể, nhưng một tác phẩm - qua thời gian lâu xa, qua các thời kỳ lịch sử, mà vẫn tồn tại, được lưu giữ, bảo tồn và truyền bá rộng rãi - Điều đó xác định được giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Quan trọng hơn, đó là ý nghĩa sâu sắc, hàm chứa một thông điệp cho hậu thế, đem lại lợi ích rộng lớn cho nhân loại.

Tại sao lại là một nhành lau? Một nhành lau rỗng ruột!

Chợt nhớ lại một câu chuyện tiền thân của Đức Phật, liên quan đến những nhành lau:

Thuở xưa, trong một khu rừng thuộc cõi Nam diêm phù đề, có một đàn khỉ rất đông. Được dẫn dắt, che chở bởi một con khỉ chúa rất khôn ngoan tài trí, hình vóc to lớn vượt trội hơn tất cả các con khỉ khác trong đàn. Một hôm nọ, trên đường di chuyển tìm thức ăn, đàn khỉ qua một khu rừng khác. Tại đây có nhiều cây trái lạ, nhìn rất hấp dẫn, và đặc biệt, giữa khu rừng rậm rạp có một hồ nước trong mát. Đàn khỉ vui mừng, thích thú vì vừa tìm được thức ăn ngon, vừa có nơi uống nước, tắm mát giữa mùa hè nóng bức. Nhưng nơi khu rừng lạ, trước đây chúng chưa từng đến, nhớ lời khỉ chúa dặn dò, chúng chưa dám tự ý ăn những trái cây lạ, và không dám xuống uống nước ở hồ nước vắng lặng kia, mà ngồi chờ khỉ chúa đến.

Khỉ chúa đến hỏi, rõ sự việc, khen ngợi đàn khỉ. Sau khi cho phép đàn khỉ dùng các loại trái cây lành, khỉ chúa đi quanh hồ nước một vòng quan sát. Phát hiện ra quanh hồ có những dấu chân các loài thú đi xuống hồ mà không có dấu chân đi lên. Chúa đàn biết rằng hồ nước này được cai quản bởi Quỷ Dạ xoa, nó sẽ bắt ăn thịt tất cả con thú nào đi xuống hồ uống nước và tắm mát. Chúa khỉ quay lại bảo bầy đàn:

- Các con ngoan lắm, đã kiên nhẫn không xuống hồ uống nước, tắm mát mà ngồi chờ ta đến. Hồ nước này rất nguy hiểm, do Dạ xoa cai quản, và sẽ ăn thịt tất cả con thú nào đi xuống hồ của nó.

Đàn khỉ nghe qua kinh sợ. Dạ xoa chờ lâu không thấy đàn khỉ xuống hồ. Hết kiên nhẫn, nó hóa thành một người ra vẻ tốt bụng, hiện lên giữa hồ cất lời dụ dỗ:

- Hồ nước rất trong mát, các ngươi hãy xuống dùng!

Khỉ chúa hỏi: Hồ này do ông cai quản phải không?

- Đúng vậy. Hãy để mọi người xuống hồ uống nước và tắm mát!

- Khoan đã! Này ông! Tại sao quanh hồ chỉ có dấu chân các loài thú đi xuống mà không có dấu đi lên?  Điều gì đã xảy ra với các con thú?

Biết bị bại lộ, Dạ xoa hiện nguyên hình xấu xí, dữ dằn cất lời hăm dọa:

- Các ngươi vẫn sẽ không thoát được ta. Rồi các ngươi cũng phải xuống, cũng phải lội vào hồ này để uống và tắm mát. Chưa loài thú nào đi qua khu rừng này mà thoát được tay ta.

Nói xong Dạ xoa biến đi. Khỉ chúa dặn dò bầy đàn:

- Dạ xoa sẽ hại người nào đi vào hồ nước của nó. Chúng ta sẽ có cách, vẫn dùng nước hồ mà Dạ xoa không hại được.

Nói rồi, khỉ chúa lấy một cọng lau mọc ven hồ nước, chú nguyện. Do lợi hành Ba la mật rộng lớn của bậc Bồ tát, các cọng lau ven hồ đều rỗng ruột. Khỉ chúa hướng dẫn đàn khỉ, không lội xuống hồ, vẫn uống nước và dùng nước hồ thoải mái qua cọng lau rỗng ruột ấy.

Dạ xoa rất tức tối nhưng đành bất lực bỏ đi. Khỉ chúa cho đàn của mình ăn ngon, tắm mát, uống nước thỏa thích bằng cách đặc biệt như vậy, bảo vệ bầy đàn an toàn, không bị nguy hại.

Rồi Đức Phật kết thúc câu chuyện tiền thân khỉ chúa là Ngài, bầy đàn đông đúc ngày xưa là hội chúng trong pháp hội hiện tại.

Ở đây nhấn mạnh điều quan trọng là những cành lau rỗng!

Dòng sông sanh tử, hồ nước ngũ dục, bể ái trầm luân,….Là con người sinh ra, lạc lối trong rừng rậm tối tăm vô minh, không ai thoát khỏi vòng cương tỏa của nó, không ai tự nhiên vô nhiễm. Không một ai chưa từng trầm mình trong hồ nước ngũ dục ấy. Mỗi người, trong vô lượng kiếp đã từng như vậy, cho đến đời hiện tại, và có thể trong nhiều kiếp vị lai, lại vẫn tiếp tục như vậy. Quan trọng là được làm người, từng gieo đầy đủ những duyên lành với Phật pháp, được học đạo, ứng dụng được lời Phật dạy, để thấy ra cách thức nào đó, để hiện tại, dù vẫn sống trong đời ngũ trược ác thế, mà vẫn an nhiên vô sự.

Dạ xoa như hình ảnh đại diện cho thế lực hắc ám, gây ra lo sợ, phiền não, khổ đau… cũng đều từ tâm mình mà ra. Con người do chưa sáng tỏ, lại thêm tập nghiệp sâu dày, nên luôn thích đắm mình trong dòng nước ngũ dục. Tạm thời được thoải mái, thích thú đâu biết sau đó là phiền não khổ đau. (Dạ xoa đợi sẵn để làm nguy hại).

Có thể học được phương pháp khỉ chúa dạy hay không? Hãy thử xem, đừng đắm mình trong dòng nước ấy, tạm dùng vừa đủ qua một cọng lau rỗng, để Dạ xoa không thể làm hại được.

Có gì khế hợp trong câu chuyên tiền thân Đức Phật ngày xưa với việc Sơ tổ Đạt Ma qua sông bằng một nhành lau?

Thiền tông hay nhắc đến vô tâm, đây là yếu tố quan trọng trên con đường Đạo: Chúng ta hay nghe nói: “Học Đạo quý vô tâm”, “Vô tâm đạo dị tầm” (Thiền sư Hương Hải), “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” (Trần Nhân Tông) “Đây là trường thi Phật, Tâm không thi đậu về” (Bàng Long Uẩn),…

Thiền tông dạy pháp thông tâm. Tâm vô chứ không phải vô tâm. Cách đọc thì như vậy, quan trọng là rõ nghĩa để biết mà ứng dụng. Nói rõ là tâm không, là Diệu Tâm rỗng rang thanh tịnh, liễu liễu thường tri, tịch chiếu vô ngại; chứ không phải không có tâm, rơi vào đoạn diệt, đồng như cây khô gỗ đá. Công phu đến được chỗ này đã là xuất cách, nhưng trụ chỗ này, cho là tối hậu, vẫn bị nhà Thiền quở trách, chê là ngồi trong hang quỷ, nước đen, cảnh giới của vô ký, trầm không trệ tịch. Cũng vì không rõ việc này, mà có giai thoại “Bà Tử đốt am” trong nhà Thiền, đuổi vị tăng đã tu học ba năm vì câu trả lời còn ngồi nơi nước chết (tử thủy), hang ổ của vô thủy vô minh:

Khô mộc ỷ hàn nham           Cây khô tựa hang đá lạnh

Tam niên vô noãn khí                   Ba năm không hơi ấm

Nhà Thiền dặn dò rất kỹ:

Mạc vị vô tâm vân thị đạo.            Chớ bảo vô tâm là thấy Đạo

Vô tâm do cách nhất trùng quan.  Vô tâm còn cách một lớp rào.       

(Trần Nhân Tông)

Cho nên việc học Đạo phải thật rõ ràng, chân thật, không thể mù mờ cho qua. Chưa rõ phải tham vấn cho thật thấu đáo; nhiều khi còn kẹt ở giữa đường, vui thích nơi Hóa Thành, chấp cho là Bảo Sở (Kinh Pháp Hoa), mà không tự biết, luống uổng một đời tu học.

Ngày xưa, Đức Thế Tôn chỉ bày dùng cành lau rỗng mà được an nhiên tự tại, quỷ Dạ xoa chẳng thể làm hại được. Đến đời Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, lặng lẽ dùng lại nhành lau, qua sông nhẹ nhàng mà thiện xảo. Bậc Thiện tri thức khéo biết hàng phục tâm, qua biển mê sanh tử, dạo chơi nơi cõi Ta bà, tùy duyên vô ngại.

Hình tượng Tổ Đạt Ma trên vai quảy một chiếc giày, dưới chân đạp nhẹ nhành lau, cưỡi sóng ba đào, thanh thoát qua bến sông mê. Đệ tử hàng hậu học, cảm khái viết đôi dòng kệ:

Giày Cỏ Ngàn Xưa - Gánh Vác Tông Thừa - Đốn Môn Nào Che Đậy.

Nhành Lau Tĩnh Lự -  Qua Sông Sanh Tử - Phương Tiện Đã Lộ Bày.  

Đạo lý nhà Phật sâu mầu, chẳng thể nghĩ bàn. Pháp Vô Thượng Đức Thế Tôn khéo chỉ bày, ai đủ duyên lành  lĩnh hội, tỉnh giấc đêm trường đại mộng, mới cảm thông lời Phật, Tổ: Chúng sanh xưa nay là Phật. Sanh tử, Niết bàn như giấc mộng đêm qua...

Con đường Phật pháp thênh thang, rộng mở sẵn sàng cho tất cả. Tuy nhiên, vẫn còn đó một chút nhân duyên dành lại cho mỗi người.

Tin trước

Rồng và tín ngưỡng

Tin tiếp

Tản mạn đôi dòng về Thiền và Trà đạo