03/06/2024

Sợ hãi với “lời phát nguyện trung thành tuyệt đối”

Bạn thân mến!

Trước hết, chúng ta cùng nghe Đức Phật dạy về năm nguy hại của việc chỉ tin một người.

“Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ-kheo:

- Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy phạm lỗi và chúng Tăng tùy theo lỗi đã phạm ngưng chức người ấy; bắt người ấy xuống ngồi cuối. Lại nữa, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy đi đến nơi khác; người ấy bị loạn tâm; người ấy bị mạng chung. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ, ưa thích, nay người ấy bị chúng Tăng ngưng chức; bị bắt xuống ngồi cuối; nay người ấy đã đi xa; bị loạn tâm; bị mạng chung” và người này không còn tịnh tín với các Tỷ-kheo. Do không còn liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp, do không nghe diệu pháp nên người này thối đọa khỏi Chánh pháp.

- Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại đối với việc chỉ tịnh tín đối với một người”.

(Kinh Tăng chi bộ, chương 5, phẩm Ác hành, phần Tịnh tín đối với một người [trích, lược])

Rõ ràng, Đức Phật không tán thành việc xây dựng niềm tin trong sạch vào một người, dù cho người ấy là ai. Tịnh tín, lòng tin trong sạch vào một người (có thể là bậc Thánh, bậc có giới) mà Đức Phật còn chỉ ra đến năm nguy hại huống gì “trung thành tuyệt đối” với người phàm thì nhuốm màu cuồng tín, si mê.

Đức Phật luôn khuyến khích hàng đệ tử xây dựng lòng tin trong sạch với Tam bảo nhưng đức tin ấy luôn đi kèm với trí tuệ. Tin và hiểu song hành thì được gọi là chánh tín. Hiểu rõ giáo pháp và từng bước thể nghiệm những giá trị an lạc, cao quý của giáo pháp để gia cố cho niềm tin thêm lớn mạnh, vững chắc là cách thiết lập đức tin của Phật tử.

Đạo Phật không xây dựng niềm tin cho tín đồ dựa trên sự si mê (trung thành tuyệt đối), cũng không xây dựng niềm tin bằng sự đe dọa (phản bội sư phụ bị đọa làm cầm thú). Đạo Phật cũng không chủ trương thần quyền và giáo quyền, không ai có quyền thưởng phạt ai, tất cả đều vận hành theo nhân quả. Nếu có người thiếu duyên quay lưng với Tam bảo, đồng nghĩa họ đi vào con đường xấu ác và tự gánh chịu hậu quả.

Việc ngăn cấm đệ tử nghe giáo pháp từ những vị Tăng Ni khác (chỉ nghe pháp sư phụ) là sự độc đoán, u mê không nên có. Đức Phật còn tùy duyên giáo hóa, tùy bệnh cho thuốc vì căn cơ chúng sinh sai biệt. Phật tử cũng cần tùy duyên nghe pháp, chọn pháp để ứng dụng trong đời sống hàng ngày.

Nếu bạn cảm thấy đạo tràng ấy không truyền dạy sự bao dung, yêu thương và hiểu biết; tu học trong hội chúng ấy mà không an lạc, hoan hỷ, giải thoát thì nên từ bỏ và gieo duyên với đạo tràng khác. Không nên sợ hãi lời hù dọa “phản bội sư phụ bị đọa làm cầm thú” vô căn cứ và bất lương. Nhân quả luôn rõ ràng, bạn cứ tùy duyên tu học một nơi khác, chuyển ba nghiệp thân khẩu ý thiện lành thì đời bạn sẽ hạnh phúc, an vui.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin trước

Gặp vị sư khất thực, Phật tử phải làm sao cho đúng?

Tin tiếp

Hóa giải nghiệp báo