31/05/2024

Sinh phải có diệt, hợp phải có ly

Thưở xưa, đức Phật thuyết Pháp cho các hàng đệ tử ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có con gái của một vị Phạm Chí, tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, đoan chánh, thông minh rất được cha yêu mến, bỗng lâm bệnh nặng đột ngột chết đi. Đồng thời ruộng của vị Phạm Chí đó đang mùa lúa chín cũng bị lửa cháy hết sạch. Trước tai nạn dồn dập, vị Phạm Chí vô cùng đau buồn, tâm ý hoảng loạn như người phát cuồng, không cách gì giải tỏa nổi. Ông nghe người ta nói đức Phật là bậc đại thánh, Thầy của cả trời người, hay thuyết Pháp giúp cho chúng sinh hết phiền não, khỏi khổ đau, nên tìm đến chỗ Phật nhờ giúp đỡ. Đến nơi, ông đảnh lễ rồi quỳ xuống thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, con vốn hiếm muộn, chỉ có một người con gái sớm hôm an ủi, thế mà nó bỗng lâm trọng bệnh, bỏ con ra đi. Tình cha con quyến luyến là lẽ tự nhiên, nên con vô cùng khổ não. Xin đức Thế Tôn oai thần giáo hóa giúp cho con giải tỏa nỗi đau buồn này.

Đức Phật bảo Phạm Chí:

- Trên đời có bốn việc không thể lâu dài. Đó là những gì?

1. Trường tồn phải hoại diệt.

2. Giàu sang phải nghèo hèn.

3. Hội hợp phải chia ly.

4. Khỏe mạnh rồi phải chết.”

Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói kệ:

Trường tồn phải hoại diệt

Cao sang sẽ sa cơ

Gặp gỡ rồi ly biệt

Đã sinh ắt tử vong

Ông Phạm Chí nghe xong, tâm ý khai ngộ không còn đau buồn, rồi xin Phật xuất gia làm Tỳ-kheo.

Đức Phật hoan hỷ hứa khả bảo:

- Lành thay, hãy lại đây Tỳ-kheo.

Phạm Chí râu tóc liền tự rụng, thành tướng Sa Môn. Sau đó nhờ nỗ lực quán chiếu lý vô thường, chẳng bao lâu ông chứng quả A- la-hán.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ). 

Quan sát và sự sinh diệt theo nguyên lý vận hành của pháp

Ảnh minh họa.

Lạm bàn: 

Cuộc sống con người, dù thời xưa công nghệ chưa phát triển, hay thời nay khoa học tân tiến, đủ thứ phát minh tiện lợi thì vẫn luôn giống nhau là luôn chịu đau khổ. Có những đau khổ do nghiệp chướng mà ra, điều này rất nhiều đệ tử Phật được nghe giảng về nhân quả đã biết, đã hiểu.

Xong còn có những đau khổ do chu kỳ vô thường thì không phải ai cũng hiểu. Bản chất cuộc đời này là có sinh phải có diệt, đó là chu kỳ bất di bất dịch, không gì tồn tại mãi, gọi là vô thường. Một người nào đó, một điều gì đó, ngay từ lúc sinh ra, thì đã được ấn định sẽ phải có một ngày mất đi, phải tan hoại. Quy luật là như thế, rất đơn giản và dễ hiểu.

Nhưng rất nhiều người dường như đã từ chối hiểu. Không hề có chuẩn bị trước cho một ngày những thứ tốt đẹp xung quanh chúng ta sẽ đến ngày kết thúc, những phước báu có được như tiền tài, danh tiếng, quyền uy, sắc đẹp…rồi một ngày phải tiêu tan. Những điều khiến ta vui sướng rồi một ngày sẽ tàn lụi, không còn vui sướng nữa. Những người thân yêu xung quanh ta rồi một ngày sẽ phải rời xa đi nơi khác, hoặc rời khỏi cõi đời này luôn không ngày trở lại.

Để rồi khi ấy sốc, ngỡ ngàng, đau đớn, thống khổ, tự hỏi "Vì sao tôi phải chịu nỗi khổ này?" rồi hớt hải đi tìm nguyên nhân vì sao.

Thực sự thì chẳng vì sao cả, mặc định sự kết thúc này đã được ấn định ngay từ khi mới bắt đầu. Quy luật vô thường là như thế, chỉ là ta không chịu hiểu, không có một chút chuẩn bị nào, nên mới ngỡ ngàng, thống khổ khi sự kết thúc xảy ra.

Con người có trí tuệ, hiểu được quy trình mặc định của vô thường, thường xuyên quán chiếu vô thường, nghĩ tưởng đến ngày thân xác ta cùng mọi thứ xung quanh sẽ tan biến, không còn gì cả. Nhờ đó tâm bám chấp, tham luyến vào mọi thứ giảm bớt.

Đến ngày vô thường đến, đối diện với sinh ly tử biệt, trải nghiệm sự mất mát, tàn lụi, tâm cũng bình thản, dễ dàng đón nhận, nhẹ nhàng lướt qua.

Và quan trọng hơn nữa, người đó sẽ thấu hiểu được rằng, cuộc đời này chẳng có gì đáng để bám víu, tham đắm. Nếu gặp phải những thứ xấu xa, những người tệ hại thì ngay hiện tại khiến ta khổ sở.

Nếu gặp phải những thứ tốt đẹp, những người đáng yêu, đáng quý, thì tương lai khi vô thường đến, những thứ đó, những người đó không còn nữa, cũng khiến ta khổ sở. Nghĩa là kiểu nào thì ta cũng đều khổ hết.

Thế nên người có trí buông bỏ thế gian để theo Phật tu học, tìm đến nơi an vui vĩnh hằng nơi cõi Cực lạc, nơi chốn Niết bàn, chấm dứt mọi thứ khổ đau.

Tin trước

Bát nước của Ngài Anan

Tin tiếp

Chuyện vãng sanh của cụ bà Huỳnh Thị Dền (1917 -2000)