03/03/2024

Phật dạy thuyết Pháp cho người phải có đủ năm đức

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh. Tôn giả Ànanda thấy vậy bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh.

- Này Ànanda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm?

- Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự; Ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; Ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn; Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật; Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và người. Này Ànanda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Tôn giả Udàyi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.611)

Tùy cơ thuyết pháp

Lời bàn: 

Thuyết giảng giáo điển, kinh pháp cho mọi người hiểu rõ lời Phật dạy và ứng dụng thực hành để chuyển hóa khổ đau, xây dựng hạnh phúc an vui là nhiệm vụ của mỗi người con Phật. Không kể là xuất gia hay tại gia, đệ tử Phật phải chung sức gánh vác sứ mạng hoằng pháp, đem ánh sáng Chánh pháp soi sáng cuộc đời, thông qua sự tu học của chính mình để làm lợi ích cho bản thân và xã hội.

Diễn thuyết Phật pháp mà chuyển hóa được người nghe đồng thời khiến họ trở nên thích thú tìm hiểu giáo pháp, hâm mộ pháp sư chẳng phải là chuyện dễ dàng. Phải tu luyện, tích lũy kinh nghiệm, trau giồi tri thức và hội tụ đầy đủ phước duyên mới trở thành một pháp sư giỏi, chinh phục được người nghe.

Theo tuệ giác Thế Tôn, cơ sở để một pháp sư thuyết pháp thành công thì tâm phải an trú vào năm đức: Trình bày vấn đề theo trình tự; hiểu rõ về giáo pháp đang trình bày; động cơ thuyết pháp là từ bi; không thuyết giảng vì danh lợi; những điều nói ra không làm hại cho mình và người.

Hiện nay, không khí học Phật và thuyết giảng giáo lý ở nước ta diễn ra khá sôi nổi ở khắp nơi. Từ những giảng đường, học đường Phật giáo cho đến các chùa viện, đạo tràng và những khóa tu đều có tổ chức thuyết pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết pháp sư là chư tôn đức Tăng, trong khi đội ngũ pháp sư Ni tuy có hoạt động nhưng khá khiêm nhường và gần như hiếm hoi lắm mới có một vài cư sĩ thăng tòa diễn thuyết giáo pháp cho quảng đại quần chúng.

Đây là vấn đề mà chúng ta cùng suy ngẫm để đa dạng hóa đội ngũ pháp sư, giảng sư. Vì theo tiêu chí của Thế Tôn, năm đức như đã nói ở trên mới chính là nền tảng để kiện toàn khả năng hoằng pháp, thuyết pháp của một cá nhân chứ không phân biệt là Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni hoặc tại gia hay xuất gia…

Tin trước

Đệ tử Phật nguyện cầu gì?

Tin tiếp

Có hai sự cố gắng đúng chánh Pháp rất khó thực hiện