26/01/2024

Phật dạy Pháp “trừ sầu lo”

Khi cha mẹ qua đời chính là thời khắc mà chúng ta cảm nhận về sự mất mát rõ ràng nhất, dầu sinh diệt vẫn liên tục diễn ra quanh ta trong mỗi phút giây. Dĩ nhiên cảm xúc vỡ òa, mất mát trào dâng, đau thương ngút ngàn khi ly biệt xảy đến là lẽ thường của nhân thế. Ái biệt ly khổ! Thương kính cha mẹ càng nhiều thì niềm đau càng lớn, lo sầu càng khôn nguôi.

Ai cũng có cha mẹ, và cuối cùng thì dẫu duyên nghiệp thế nào, con cái có trọn hiếu hay không thì cha mẹ cũng lần lượt ra đi như một quy luật lạnh lùng, nghiệt ngã. Vẫn biết biệt ly là chuyện không thể níu kéo, trì hoãn hay vãn hồi.

Mỗi ngày nhìn xe tang qua phố với bao kẻ ‘mồ côi’ lũ lượt tiễn đưa mà lo sợ cho chính mình. Và rồi chuyện gì sẽ đến cũng đã đến. Người đi thì đã đi, người còn thì không thể ngã quỵ dù tiếc thương đến mấy. Phải gượng dậy và đứng lên, biến đau thương thành cầu nguyện.

Thời Thế Tôn còn tại thế, vua Ba-tư-nặc, một vị quân vương Phật tử hộ pháp thuần thành, khi mẹ hiền vừa qua đời ông đến đãnh lễ Thế Tôn và được dạy pháp ‘trừ sầu lo’. Lạ lùng là, Thế Tôn không dạy vua Ba-tư-nặc về cách thức cầu siêu cho người mất hay tang lễ theo tập tục mà Ngài lại dạy pháp bình an cho người sống, chính xác là dạy cầu an. Có lẽ tang nghi của bậc quốc mẫu thì đã có triều đình lo; có thể tập tục tang ma xứ Ấn ngày xưa khác biệt với xứ mình hiện tại?

Có khi nào, cầu an cũng chính là cầu siêu? Pháp ‘trừ sầu lo’ là cầu an nhưng cả người sống và người chết cũng đều cần nhằm thăng hoa cuộc sống.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc ra lệnh quần thần sửa soạn xe vũ bảo muốn ra khỏi thành Xá-vệ xem đất làm giảng đường. Ngay lúc đó, mẹ vua Ba-tư-nặc tuổi quá già yếu, vừa đúng trăm tuổi, vua rất tôn kính nhớ nghĩ chưa từng rời mắt (vừa mạng chung).

Khi ấy, vị cận thần của vua Ba-tư-nặc tên Bất-xà-mật tài cao cái thế, được người đời tôn trọng. Vị đại thần này nghĩ: ‘Mẹ vua Ba-tư-nặc này đã vừa trăm tuổi, hôm nay mạng chung, nếu mà nghe được, chắc vua rất sầu lo, không ăn uống nổi, rồi mắc trọng bệnh. Nay ta nên bày phương tiện, khiến vua chẳng sầu lo, cũng không mắc bệnh’.

Bấy giờ, đại thần liền sửa soạn năm trăm voi trắng, cũng sửa soạn năm trăm ngựa tốt, lại chỉnh đốn năm trăm bộ binh, lại sửa soạn năm trăm kỹ nữ, năm trăm bà già, lại xếp đặt năm trăm Bà-la-môn, lại có năm trăm Sa-môn, lại sửa soạn năm trăm y phục, và bày năm trăm trân bảo, làm quan tài lớn đẹp cho người chết, tô vẽ cực đẹp, treo phướn lọng, trỗi kỹ nhạc không thể tính kể, ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc trở vào thành vì có chút việc. Vua từ xa thấy người chết, mới hỏi tả hữu:

- Đây là người nào mà cúng dường đến thế?

Bất-xà-mật tâu:

- Trong thành Xá-vệ này, có mẹ của Trưởng giả chết. Đây là vật dụng của họ.

Vua lại hỏi:

- Những voi, ngựa, xe cộ này dùng làm gì?

Đại thần đáp:

- Năm trăm bà già dùng dâng lên Diêm vương để mua mạng (bà mẹ).

Vua bật cười nói:

- Đây là lỗi của người ngu. Mạng cũng khó bảo toàn, đâu có thể chế phục được. Như có người rơi vào miệng cá ma-kiệt, muốn mong ra khỏi, thật là khó được. Đây cũng như thế, đọa vào vua Diêm-la, muốn cầu ra thực khó thể được.

- Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để mua mạng bà.

- Đây cũng khó được.Nếu những kỹ nữ này chẳng thể được, thì sẽ dùng cái khác mua bà.

- Đây cũng khó được.

Nếu điều này không được, sẽ dùng năm trăm trân bảo mua bà.

Đây cũng khó được.

- Đây không thể được thì dùng năm trăm y phục mua bà.

- Đây cũng khó được.

- Nếu áo quần này không được thì dùng năm trăm Phạm chí này chú thuật, dùng chú thuật để giữ bà.Đây cũng khó được.

- Nếu năm trăm Phạm chí này không được thì sẽ lại đem năm trăm Sa-môn cao tài thuyết pháp để mua bà.

- Đây chẳng thể được.

- Nếu thuyết pháp không được, sẽ tụ tập binh lính cùng chiến đấu lớn để giữ.

- Đây là cách của người ngu, đã rơi vào miệng cá ma-kiệt, trọn chẳng ra được. Ông nên biết, có ai sanh mà không chết đâu?

- Đây thực chẳng thể được.

- Thực chẳng thể được. Chư Phật cũng dạy rằng: Hễ có sanh thì có tử, mạng cũng khó được.

Khi ấy, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:

- Thế nên Đại vương, chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sanh đều trở về với cái chết.

Vua hỏi:

- Cớ sao ta lại sầu lo?

Đại thần tâu:

- Vua nên biết, hôm nay mẹ của Đại vương đã chết.

Vua Ba-tư-nặc nghe xong, thở dài tám, chín cái, rồi bảo đại thần:

- Lành thay! Như lời ông nói, ông hay biết dùng phương tiện khéo léo!

Rồi vua Ba-tư-nặc trở vào thành bày các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng xong nhà vua liền lên xe đến chỗ Thế Tôn, đến nơi, cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:

- Đại vương! Cớ sao người lấm bụi đất?

Vua bạch Thế Tôn:

- Mẹ con mạng chung, vừa đưa đến ngoài thành. Nay con đến Thế Tôn để hỏi lý do. Mẹ con lúc còn sống, trì trai tinh tấn, hằng tu pháp lành, vừa đúng trăm tuổi, hôm nay đã mạng chung, nên con đến chỗ Thế Tôn. Nếu con có thể đem voi mua mạng mẹ được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu đem ngựa mua mạng được, con sẽ dùng ngựa để mua. Nếu dùng xe cộ mua được mạng, con sẽ dùng xe cộ để mua. Nếu lấy vàng bạc, trân bảo mua được mạng, con sẽ dùng vàng bạc, trân bảo để mua. Nếu lấy nô tỳ, tôi tớ, thành quách, đất nước để mua mạng được, con sẽ đem thành quách, đất nước để mua mạng. Nếu đem nhân dân nước Ca-thi mua mạng được, con sẽ đem nhân dân Ca-thi để mua, chẳng để cho mẹ con mạng chung.Thế Tôn bảo:

- Này Đại vương, chớ sầu lo quá, tất cả chúng sanh đều trở về cái chết. Tất cả pháp biến đổi, muốn cho không biến đổi, trọn không có việc này. Đại vương nên biết, thân người như tuyết đọng, rồi sẽ trở về tan hoại. Cũng như ngói đất sẽ tan hoại không thể giữ lâu; cũng như sóng nắng huyễn hóa, hư ngụy không thật; cũng như nắm tay không thể gạt con nít.

Thế nên, Đại vương chớ âu sầu, trông cậy thân này. Đại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi sẽ đến với thân này, chẳng thể che chở, cũng chẳng thể lấy ngôn ngữ, chú thuật, dược thảo, phù thư có thể khử trừ. Bốn điều đó là: Già làm bại hoại tuổi trẻ khiến không nhan sắc; bệnh làm bại hoại tất cả người không bệnh; chết làm bại hoại mạng căn; vật hữu thường trở về vô thường.

Đại vương, có bốn pháp này chẳng thể che chở, không phải dùng sức hàng phục được. Đại vương nên biết, ví như bốn phương có bốn núi lớn, từ bốn phía đến ép chúng sanh, chẳng phải sức trừ đi được.

Thế nên, Đại vương, đó chẳng phải là vật kiên cố, chẳng thể nương cậy. Do vậy, Đại vương, nên lấy pháp trị vì, chớ dùng phi pháp. Đại vương cũng chẳng bao lâu sẽ đến biển sanh tử. Đại vương cũng nên biết, những người lấy pháp cai trị, khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi trời, chỗ lành. Nếu người dùng phi pháp cai trị, thân hoại mạng chung đọa trong địa ngục. Thế nên, Đại vương, hãy lấy pháp cai trị, chớ dùng phi pháp. Như thế, Đại vương, nên học điều này!

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

- Pháp này tên là gì? Sẽ vâng làm như thế nào?

Thế Tôn dạy:

- Pháp này gọi là pháp trừ sầu lo.Vua bạch Phật:

- Thực vậy, bạch Thế Tôn. Sở dĩ như vậy vì con nghe pháp này rồi, bao nhiêu sầu lo hôm nay đã trừ. Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn, nay con muốn trở về cung.Thế Tôn bảo:

- Nên biết đúng thời.

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật và lui đi.Bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 26.Tứ ý đoạn [1],VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.584)

Phật dạy nên hướng nội để bình an

Lời bàn: 

Pháp thoại này cho thấy, mạng người mong manh, có sinh ắt có tử, không ai có thể đảo ngược quy trình tất yếu này. Kể cả bậc đại vương hùng mạnh, quyền uy tột đỉnh, thương kính mẹ hết lòng như vua Ba-tư-nặc cũng đành bất lực trước quy luật tử sinh.

Sở dĩ Thế Tôn không dạy vua Ba-tư-nặc pháp cầu siêu cho mẹ vì bà ấy chỉ ra đi mà không chết. Thực sự thì mọi người đều không chết, luôn luôn sống. Bỏ thân này thì liền theo nghiệp thọ thân khác nên làm gì có chết mà cầu siêu! Thành ra, khi đang sống trên đời, ta cầu nguyện cho người bình an. Khi họ bỏ thân này theo nghiệp thọ sinh một nơi khác, ta vẫn tiếp tục mong cho họ bình an. Vì lẽ ấy mà Thế Tôn chỉ có dạy cầu an.

Để an vui, người con Phật hằng quán sát vô thường là đặc tính của thế gian. Trong vũ trụ này, chỉ có sự vô thường mới thực sự thường hằng. Nói cách khác là không hề có sự vĩnh cửu, thường hằng. Đây là tuệ giác lớn mà chúng sinh cần có để vượt ra khỏi khổ.

Khi người thân mất đi, điều này phù hợp với quy luật vô thường. Chúng ta sầu lo, đau khổ nhiều vì muốn nắm giữ điều không thể. Thế Tôn từng nhấn mạnh: “Tất cả pháp biến đổi, muốn cho không biến đổi, trọn không có việc này”. Không chỉ người ở lại, người ra đi (chết) cũng rất cần tuệ giác vô thường soi sáng. Chấp thủ thân ta (ngã), tài vật của ta (ngã sở) là nguồn gốc của đọa lạc. Thấy rõ vô thường mới xả buông, xả buông được thì sớm thăng hoa siêu thoát.

Mặt khác, khi đã chấp nhận sự thật vô thường của thế gian, người con Phật hãy tích cực tạo nghiệp lành để luôn được hiện đời an lành, đời sau cũng sinh cõi lành.

Thế Tôn dạy vua Ba-tư-nặc thực hành Chánh pháp và xa rời phi pháp để ‘Nay vui đời sau vui/Làm phước, hai đời vui’ là vì vậy. Thành ra, pháp ‘trừ sầu lo’ của Thế Tôn vừa có tác dụng cầu an lẫn cầu siêu.

Hiện nay, chúng ta thường khuyến khích thân nhân thực hành nhiều thiện pháp như bố thí, cúng dường để hồi hướng công đức cầu siêu cho người thân quá vãng. Nhưng chắc chắn việc vì cha mẹ làm thiện sẽ không bằng tự thân cha mẹ thực hành Chánh pháp, biết ‘Tự mình thắp đuốc lên mà đi’.

Thế nên, khuyến khích cha mẹ hiện tiền bỏ ác làm lành, tu tập theo Chánh pháp để luôn được an vui mới là chơn chánh hiếu đạo và cũng là cách báo hiếu trọn vẹn nhất.

Tin trước

Vị sứ giả Như Lai hoằng Pháp thành công phải “làm chủ sáu căn”

Tin tiếp

“Nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời”