Chúng ta đều biết, trước lúc nhập Niết-bàn, Thế Tôn có di huấn rằng “sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi”(Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn).
Những lời Phật dạy trong hơn 45 năm hoằng hóa đã đủ cho thế gian, Ngài có nhập diệt hay trụ thế thêm nữa thì giáo pháp cũng vẫn như vậy. Sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, giáo pháp chính là hiện thân Phật sống động và trung thực nhất. Dù hàng đệ tử hậu thế không được trực tiếp diện kiến Thế Tôn nhưng vẫn có khả năng tiếp xúc và lãnh hội phương thức tu hành từ những lời dạy của Ngài. Nên nương tựa vào giáo pháp chính là nương tựa Phật.
Kính lễ Tam bảo Phật-Pháp-Tăng là bổn phận của mỗi người con Phật. Kính lễ Phật, bậc phước trí vẹn toàn. Kính lễ Pháp, đạo thoát ly tham dục. Kính lễ Tăng, các bậc tu hành thanh tịnh. Kính lễ Pháp để học và thực hành theo giáo pháp nhằm vượt thoát tham ái và khổ đau. Cho nên, kính lễ Tam bảo không đơn thuần là ba lạy chí thành chí kính. Nhất là kính lễ Pháp, ngoài sự thành kính cần phải quán niệm, tư duy về những đặc tính của giáo pháp nhằm hướng đến và chứng đạt sự giải thoát, an lạc.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn làm lễ pháp thì nên ghi nhớ mười một việc sau hãy lễ pháp. Thế nào là mười một pháp? Có kiêu mạn nên trừ kiêu mạn; Chánh pháp ở cõi dục mà trừ tưởng khát ái; Chánh pháp ở cõi dục mà trừ dục; Chánh pháp hay đoạn dứt dòng sanh tử thâm sâu; hành Chánh pháp được pháp bình đẳng; Chánh pháp đoạn dứt các đường ác; theo Chánh pháp này được đến chỗ lành; Chánh pháp hay đoạn dứt lưới ái; người hành Chánh pháp từ hữu vi đến vô vi; người hành Chánh pháp chiếu sáng khắp nơi; người hành Chánh pháp đến Niết-bàn.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn làm lễ pháp, nên tư duy về mười một pháp này, sau được phước vô lượng, phước không hạn lượng mãi mãi. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Lễ Tam bảo, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.477)
Phật dạy: “Nói năng và im lặng theo pháp Hiền thánh”
Lời bàn:
Mới hay, tôn kính giáo pháp không chỉ là kính thờ tháp báu Đại tạng kinh, hay san khắc kinh tạng vào đồng hoặc đá để lưu giữ đời đời. Thực chất của tôn kính giáo pháp chính là học và hiểu rồi ứng dụng giáo pháp trong đời sống hàng ngày để ân hưởng pháp lạc và giải thoát tự tại. Thế Tôn đã từng căn dặn muốn làm lễ Pháp thì phải ghi nhớ những đặc tính của giáo pháp, nhờ đó “được phước vô lượng, phước không hạn lượng mãi mãi”.
Giáo pháp là chiếc bè để qua sông. Người thông minh biết dùng bè như một phương tiện vượt sông để đến bờ kia chứ không phải chỉ khư khư ôm giữ chiếc bè. Cũng vậy, người đệ tử Phật kính lễ Pháp bảo cần tư duy đến 11 đặc tính căn bản của giáo pháp: “1-Trừ kiêu mạn, 2-Trừ tưởng khát ái, 3-Trừ dục, 4-Đoạn dứt dòng sanh tử thâm sâu, 5-Được pháp bình đẳng, 6-Đoạn dứt các đường ác, 7-Được đến chỗ lành, 8-Đoạn dứt lưới ái, 9-Từ hữu vi đến vô vi, 10-Chiếu sáng khắp nơi, 11-Đến Niết-bàn”.
Rõ ràng, nguyện trọn đời quay về nương tựa Pháp cũng chính là sự phát tâm quy hướng, thực hành và chứng đạt các đặc tính của giáo pháp. Đây cũng là ý nghĩa chân thực của việc quy kính Pháp bảo mà hàng Phật tử chúng ta đã phát nguyện và phụng hành.