12/03/2024

Những quan điểm cần “gác qua một bên”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1240 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

"Một thời sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Lúc bấy giờ có một Phạm chí dị học, vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên nói với Tôn giả A-nan rằng:

- Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị gác lại, bị loại bỏ, không được giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt duyệt?’. Sa-môn Cù-đàm có biết rõ các quan điểm này đúng như lý cần phải biết chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

- Phạm chí, sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường…’. Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý cần phải biết.

Phạm chí dị học lại hỏi:

- Sa-môn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý cần phải biết như thế nào?

Tôn giả A-nan đáp:

- Này Dị học Phạm chí, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy, những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường…’. Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các quan điểm ấy phải được biết như vậy".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Kiến, số 220 [trích, lược])

Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra. Mặc dù triết học Phật giáo về vũ trụ và nhân sinh rất thâm áo, có thể dẫn lối cho một số ngành khoa học hiện đại nhưng quan điểm chính thống của đạo Phật về siêu hình vẫn là “gác qua một bên”.

Giới mộ điệu triết học siêu hình đương thời rất bực bội trước ứng xử im lặng của Thế Tôn. Phải chăng Ngài không biết? Nếu thực sự không biết thì sao gọi là bậc Toàn giác (biết tất cả). Thực sự thì Thế Tôn im lặng vì siêu hình là vấn đề không thiết thực và không lợi ích.

Không thiết thực bởi vì nếu chưa giác ngộ thì không thể hiểu được. Cái thấy biết của con người tuy rộng lớn nhưng chỉ giới hạn trong nghiệp của loài người. Khoa học hiện đại dùng máy móc để thấy ra nhiều điều mà giác quan của loài người mù tịt là một minh chứng. Một người còn lờ mờ về hình học phẳng thì khoan bàn đến hình học không gian với các quỹ đạo phức tạp. Cũng vậy, khi tâm thức còn đầy tạp nhiễm thì làm sao biết được siêu thức giác ngộ giải thoát.

Người học Phật có chánh kiến cần mạnh mẽ học theo Phật “gác qua một bên” những vấn đề như siêu hình, linh thiêng, mầu nhiệm. Tập trung vào mục tiêu cốt lõi, có tính thiết thực và lợi ích bằng cách thực tập chánh niệm, tỉnh giác ngay trong hiện tại để thấy khổ và con đường diệt khổ.

Không lợi ích vì diệt khổ ngay bây giờ mới là điều quan trọng nhất. Pháp của Thế Tôn có một nghĩa quan trọng là thiết thực và hiện tại. Khổ đau do tâm tham ái và vô minh. Diệt tận tham ái và vô minh để chấm dứt khổ đau là mục đích của đạo Phật chứ không phải hiểu biết về nhiều thứ, nhất là siêu hình. Một người đang đói thì cần ăn chứ không nên bàn về thực dưỡng hay các món cao lương mỹ vị.

Thế Tôn biết rõ các vấn đề siêu hình nhưng vẫn “gác qua một bên” để hàng đệ tử tập trung vào vấn đề cốt lõi là diệt khổ. Tuy vậy, siêu hình và một số vấn đề tâm linh vẫn hấp dẫn nhiều người. Hiện một số vị đệ tử Phật cũng nghiêng nặng về vấn đề này, nhất là những ngày đầu năm mới để thu hút tín đồ và thể hiện bản thân. Người học Phật có chánh kiến cần mạnh mẽ học theo Phật “gác qua một bên” những vấn đề như siêu hình, linh thiêng, mầu nhiệm. Tập trung vào mục tiêu cốt lõi, có tính thiết thực và lợi ích bằng cách thực tập chánh niệm, tỉnh giác ngay trong hiện tại để thấy khổ và con đường diệt khổ.

Tin trước

Trả nghiệp tiền khiên

Tin tiếp

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng: "Điều cốt lõi của người tu"