18/08/2024

Nhận lỗi mình, chỉ lỗi người

Tự tứ, Phạn ngữ Pravāranā, nghĩa là sự thỉnh cầu. Trong ý nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ ra những khuyết điểm, lỗi lầm của mình căn cứ trên ba trường hợp: do (1) thấy được, (2) nghe được và (3) nghi, phán đoán, suy luận hợp lý.

Tự tứ là một sinh hoạt quan trọng của người xuất gia đệ tử Phật đã thọ Đại giới (Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni), cũng giống như việc thuyết giới hàng mỗi nửa tháng, là sinh hoạt duy trì tính hòa hợp và thanh tịnh của Tăng đoàn. Điểm khác biệt so với việc thuyết giới, đó là quy định về thời gian.

Tự tứ diễn ra một lần trong năm, sau khi chấm dứt ba tháng an cư sống chung của chư Tăng. Đây là một sự kiện quan trọng đối với người tu, qua đó đánh giá đời sống đạo hạnh của một vị Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni.

Do vậy, các nguyên tắc, quy trình Tự tứ được quy định rất cụ thể, chi tiết và chặt chẽ trong Luật tạng - bộ quy chuẩn ứng xử của người xuất gia.

Ở đây chỉ đề cập đến tinh thần của hoạt động này, qua ý nghĩa dễ hiểu là việc nhận lỗi mình và chỉ lỗi của người khác.

Như chúng ta đã biết, với người xuất gia, mục tiêu cho cuộc đời không phải là sự thành đạt qua các phương diện danh vọng, tiền tài, địa vị…, mà chính là sự giải thoát - trực nhận được chân lý của cuộc đời là vô thường, từ đó, tự tại giữa những biến động, không bị lòng tham chi phối, tâm được tịnh hóa.

Phương pháp để đạt được mục tiêu đó cũng đã được Đức Phật dạy một cách chi tiết trong kinh điển, qua nội dung Đạo đế của giáo lý Tứ Thánh đế; nói cách khác, để có được trí tuệ giải thoát như thế, Đức Thế Tôn dạy rằng phải thực hành giới - những nguyên tắc đạo đức cơ bản và thực tập thiền định một cách chuyên chú.

Khi suy nghĩ, lời nói và hành vi của một người không bị chi phối bởi lòng tham, sự bám víu, người đó sẽ không còn sự sợ hãi, sầu não; bấy giờ tâm từ bi thực sự mới được phát sinh, mọi việc làm mới được gọi là Phật sự - việc Phật, dù làm việc gì, sống trong hoàn cảnh nào cũng không xa rời mục tiêu ấy. Và chỉ với tinh thần đó, ý nghĩa “phương tiện”, “tùy duyên”… mà chúng ta thường viện dẫn mới mang nội dung đạo Phật - con đường tỉnh thức.

Thái độ nhận lỗi, chỉ lỗi lầm của người tu cũng vậy, tất cả phải có tinh thần đó. Nếu không nhớ mục tiêu cao quý của người xuất gia, như đã nói, không có định hướng trên, thì người tu sẽ dễ bị lạc giữa cuộc đời, trong ma trận của danh vọng, tiền tài, tiện nghi, ý thức hệ…

Lúc nào ý nghĩa thực sự của Tự tứ vẫn được duy trì trong đời sống của người xuất gia, thì Tăng đoàn sẽ hòa hợp và thanh tịnh. Đó cũng là dấu hiệu để nhận biết đạo Phật hưng thịnh.

* Bạn đọc có ý kiến, trao đổi về nội dung bài viết, hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com.

Tin trước

Làm con phải giữ đạo hiếu

Tin tiếp

Cúng dường cha mẹ