04/03/2024

Ngôi chùa có nhiều gốc kèn hồng hơn 50 tuổi ở Sóc Trăng

Hai tuần qua, hàng chục nghìn lượt du khách ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã đến Sóc Trăng check-in cung đường hoa kèn hồng thuộc huyện Châu Thành, nhưng ít người biết rằng tỉnh này còn có một vườn kèn hồng đang trổ hoa tuyệt đẹp tại ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách.

Vườn kèn hồng này tại chùa Pôthi Thlâng, còn gọi là chùa Tập Rèn, cách trung tâm thị trấn Kế Sách khoảng 1,5 km về hướng xã Thới An Hội (giáp ranh thị trấn Kế Sách).

Ông Kim Cho - một người có uy tín trong cộng đồng Khmer ở Tập Rèn, cho biết trước năm 1975, gốc kèn hồng đầu tiên này được trồng tại cổng chùa. Gốc kèn hồng "mẹ" này do một Phật tử mang về từ Campuchia.

Gốc kèn hồng trồng đầu tiên này cao hơn cổng cũ của chùa và nóc chánh điện (nhìn thẳng vào phía trong). Sau khi trồng vài năm, kèn hồng ra hoa, kết trái rồi rụng xuống đất quanh cổng chùa. Sau mùa mưa hàng năm, rất nhiều cây kèn hồng con mọc lên, được các nhà sư bứng ra trồng trong khuôn viên và các lối đi quanh chùa.

Tại cổng chính hiện nay (hướng về đường Nam Sông Hậu) có 2 cây kèn hồng trên 50 năm tuổi, thuộc thế hệ sau của gốc kèn hồng "mẹ".

Ngoài 4 gốc kèn hồng trên 50 năm tuổi, trong khuôn viên và xung quanh chùa Pôthi Thlâng còn có hàng chục gốc kèn hồng 30 năm tuổi.

Hoa kèn hồng rơi kín mặt ao tại chùa Pôthi Thlâng.

Ngày 3/3, đã có một số du khách biết được vườn hoa kèn hồng tại chùa Pôthi Thlâng nên đã tranh thủ check-in vì 2 tuần nữa hoa sẽ rụng hết.

Phật tử địa phương đi viếng chùa và chụp ảnh lưu niệm.

Đại đức Trần Bô Ra, Trụ trì chùa Pôthi Thlâng cho biết bà con Phật tử Khmer gọi đây là cây chanh so. Tiếng Khmer "chanh so" có nghĩa là chanh trắng.

Một Phật tử gần chùa bứng kèn hồng con về trồng và có một cây ra hoa màu trắng, có mùi thơm dễ chịu.

Tin trước

Trí tuệ viên mãn

Tin tiếp

Có bốn hạng người tu học giống như bốn loại chuột