24/05/2024

Mùa An cư, nguồn gốc nghi thức Quá đường và giá trị tu tập tâm linh

An cư có bốn mục đích chính: 1- Mùa mưa, cần an cư cấm túc để tránh dẫm đạp côn trùng, khỏi bị cư sĩ than phiền. 2- Việc an cư mùa mưa đã có trước thời Phật, Đức Phật chỉ hợp pháp hóa, Ngài thấy thời gian này là thích hợp để chư Tăng ở yên một chỗ tu tập tiến bộ tâm linh. 3- Biểu hiện tinh thần hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ trong cùng một trú xứ. Nhiệm vụ các Tỳ-kheo sống chung là phải giáo giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau, chứ không thể sống như những người câm. 4- Tạo điều kiện cho Phật tử thân cận gần gũi chư Tăng để học hỏi giáo pháp, gọi là thân cận thiện sĩ1.

Và trong các bộ luật của chính thống giáo như luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ v.v… không thấy nói gì đến chư Tăng an cư có nghi thức cúng “Quá đường”. Luật Tứ phần ghi chép trong mùa an cư2: Kết cương giới an cư, phân chia phòng xá, phân chia tọa cụ, ngọa cụ, quy định tiền an cư, hậu an cư, chỉ dạy cách sinh hoạt trong một trú xứ. Hoặc phép tắc xuất ngoại trong thời gian an cư: nếu có thí chủ mời, hay vì duyên sự quan trọng được phép đi từ 7 ngày đến 40 ngày, nếu quá bị coi là phá hạ. Và đặc biệt an cư bất cứ nơi đâu, nơi ấy phải có thí chủ cung cấp phẩm vật, thực phẩm trong ba tháng.

Ngày nay chư Tăng Phật giáo Nam phương linh hoạt, tại Thái Lan các Tỳ-kheo vẫn đi khất thực, hạn chế ra ngoài; khóa lễ tu tập nghiêm ngặt hơn. Riêng hệ Phật giáo An Nam tông (Annamnikāya, tức Phật giáo Bắc tông tại Thái), an cư theo lịch Việt Nam nhưng sinh hoạt không khác gì ngày thường, không “Quá đường” cúng ngọ; ba tháng an cư ở trong cương giới, ít đi ra ngoài, không đi quá bảy ngày…

Khái quát nghi thức Quá đường

Chúng ta trở lại Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam, an cư ra sao? Căn bản thì an cư sinh hoạt theo luật định nhưng khác biệt là thêm nghi cúng Quá đường trang nghiêm khi thọ trai. Từ “Quá đường 過堂”, xuất xứ trong hai tác phẩm: Thiền lâm tượng khí tiên 禪林象器箋, là bộ từ điển Phật giáo giải thích về những quy củ, chức vị, lễ tiết, khí cụ… trong thiền môn, do Thiền sư Trung Đạo hiệu Vô Trước (1653-1744) dòng Lâm Tế Nhật Bản biên soạn, ấn hành năm 1741. Tác phẩm thứ hai là Thiền lâm bị dụng thanh quy 禪林備用清規, Thiền sư Nhất Hàm biên tập năm 1311 thời nhà Nguyên, nội dung gồm: lễ pháp, tụng kinh, tọa thiền, Bách Trượng quy cảnh văn, nhật dụng thanh quy3

Từ “Quá đường” được hiểu thông tục là đi qua trai đường dùng cơm. Cả hai tác phẩm này không có chi tiết nghi cúng Quá đường như Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam đang hành trì. Vậy nghi thức ấy từ đâu ra? Chúng ta xem sơ lược lại nội dung “Nghi thức cúng Quá đường”. Đầu tiên bài kệ “chánh thân đoan tọa” và câu thần chú, chúng ta tìm thấy trong nhiều tác phẩm Tỳ-ni nhật dụng lục (X60, no.1114, p.148b1-3), Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (X60, no.1115, p.160a10-12) v.v…

Bài kệ thứ hai, “triển bát” trong Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (p. 159c6), Sắc tu Bách Trượng thanh quy (chỉ có bài kệ không có câu thần chú)… Những bài kệ tiếp theo: Quán không bát (quán bát không), Quán thịnh mãn bát (quán bát đầy)..., hầu như trích dẫn từ Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu. Đặc biệt khi bưng bát cúng dường (dẫn từ nguồn “chuatutam.net”): “Tay trái co ngón giữa và ngón áp, còn ba ngón dựng thẳng để bát lên; tay mặt kiết ấn cam lồ, (ngón cái bên tay phải đè lên ngón áp) để dựa ngang phía trong miệng bát, rồi đồng xướng bài cúng dường:

Cúng dường Thanh tịnh Pháp thân Tì-lô-giá-na Phật,

Viên mãn Báo thân Lô-xá-na Phật,

Thiên bá ức Hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật,

…….

Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật.

Tam đức lục vị,

cúng Phật cập Tăng,

pháp giới hữu tình,

phổ đồng cúng dường.

Nhược phạn thực thời,

đương nguyện chúng sanh,

thiền duyệt vi thực,

pháp hỷ sung mãn.

Dâng cơm lên trán và bắt ấn cúng dường, cũng được gọi là “cử án tề mi”, tức là đưa lên ngang chân mày để biểu tỏ lòng tôn kính ba ngôi Tam bảo...”.

Bài cúng dường trên, từ đoạn “Thanh tịnh Pháp thân... đến Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật”, trong Thiền lâm tượng khí tiên quyển 17 (B19, no.103, p.524b1) giải thích đây là danh hiệu Phật lễ lạy công đức khó nghĩ bàn. Từ đoạn “Tam đức lục vị” đến “phổ đồng cúng dường”, nằm ở mục khác trong Thiền lâm tượng khí tiên (p.527a17), là bài kệ đọc chú nguyện lúc dùng cháo.

Đoạn “Nhược phạn thực thời... pháp hỷ sung mãn”, trong kinh Hoa nghiêm (T10, no.279, p.71c17), Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu hương nhũ ký quyển 2 (X60, no.1116, p.189a18)... Như vậy toàn văn bài cúng dường là sự tổng hợp và nghi thức kết ấn dâng bát, trong sử liệu Hán truyền hiện còn chúng ta không thấy nói. Nhiều nhà Phật học Việt Nam cho rằng nghi thức cúng Quá đường bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng không ai để ý nội dung tại sao có sự sai khác như vậy?

Nghi thức thời Bách Trượng

Ngược dòng lịch sử, thời kỳ đầu Phật giáo du nhập Trung Quốc, Tăng nhân vẫn đi khất thực nhưng đến thời Đông Tấn An đế năm 405, bắt đầu các nhà sư làm ruộng, bỏ khất thực, với nhiều lý do: Thứ nhất, việc khất thực không hợp với một xã hội rộng lớn và xem trọng lao động. Thứ hai, Tăng đoàn phát triển, nhiều tu viện ở nơi xa xôi hẻo lánh khó dựa vào việc khất thực, đồng thời từ thời Nam Bắc triều, hoàng tộc và quý tộc đã bố thí cho Tăng chúng ruộng đất, không trực tiếp cúng dường thức ăn, cho nên Tăng chúng tổ chức phương thức sản xuất tự cung tự cấp. Lý do đó, đến đời Đường, Thiền sư Mã Tổ kiến tạo tùng lâm, Thiền sư Bách Trượng chế tác thanh quy, chính thức mở ra một hình thức sinh hoạt mới trong Tăng đoàn Trung Quốc. Thời Bách Trượng (720-814), nghi thọ trai như sau4:

“Khi nghe bảng đánh không được vào trai đường liền, mà nên sai hành giả đi lấy bát... vào trai đường ngồi xuống ghế phải xá chào người bên cạnh, chớ để y ca-sa vướng vào mép ghế... Nghe tiếng kiền-trùy tưởng niệm: “Phật sinh Ca-tì-la… nhập diệt Câu-hi-la”. Chuyển bát đọc: “Ứng lượng khí (bát) của Phật con nay mở ra. … tam luân không tịch”. Khi nhận thức ăn, tưởng niệm: “Khi nhận thức ăn, nguyện cho chúng sanh, ăn bằng thiền duyệt, tràn đầy an vui”.

Trước khi ăn quán năm điều (ngũ quán): 1- Xem cơm mình nhiều ít xứng của người đem lại. 2- Xét đức hạnh mình đủ thiếu nhận cúng dường. 3- Ngăn lỗi lầm của tâm tham khi ăn. 4- Thức ăn này là thuốc hay để chữa thân gầy. 5- Vì thành đạo nghiệp nên nhận thức ăn này…”.

Chúng tôi toát yếu ý chính như thế. Hiện nay, nghi thức cúng Quá đường của Phật giáo Bắc tông cả Việt Nam và Trung Quốc hay Đài Loan gần như nhau, chỉ khác là ở Việt Nam có nét đặc thù là lúc đọc bài cúng dường kết ấn bưng bát cơm dâng lên. Vậy ai là tác giả cải biên hiệu chỉnh nó?

Thiền sư Nguyên Biểu

Theo sử gia Lê Mạnh Thát chứng minh, chính Thiền sư Nguyên Biểu biên soạn nghi thức cúng Quá đường. Khi Thiền sư Nguyên Biểu soạn Thọ giới nghi quỹ, ngay quyển 1 sau phần Yết-ma, ông đã chọn Tịnh độ sám nguyện nghi của Tổ sư Từ Vân (964-1032) để đưa vào sám hối. Đặc biệt giữa những tờ 21b1-22b8, có chép thêm phần Cúng dường pháp. Đây là nghi thức cúng dường mà về sau trở thành nghi thức Quá đường của chúng Tăng ở cả ba miền Trung Nam Bắc trong mùa an cư với một vài cải biên cũng như nghi thức cúng ngọ tại các chùa trong cả nước5.

Thiền sư Nguyên Biểu (1836-1906) sinh dưới triều vua Minh Mạng, thọ Sa-di năm 1852, thọ giới Cụ túc năm 1855. Ông là người có công chấn hưng Luật học và tổ chức giới đàn tại miền Bắc trong giai đoạn này (phía Nam, từ Quảng Bình trở vào, do Luật sư Pháp Chuyên - Diệu Nghiêm [1726-1798] chấn hưng). Thiền sư viết Thọ giới nghi quỹChư kinh nhật tụng tập yếu để sử dụng. Khi viết Thọ giới nghi quỹ, thiền sư đã dựa vào hai bộ Yết-ma chính, là San bổ tùy cơ Yết-ma huyền ty sao của Đạo Tuyên và Đức Thành và Yết-ma chỉ nam của Hàm Tế - Chiêu Minh. Còn Chư kinh nhật tụng tập yếu, ông dựa vào bản Chư kinh nhật tụng lưu hành phổ biến ở Trung Quốc.

Tóm lại, sau khi Bách Trượng thanh quy ra đời, các tác phẩm Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (Độc Thể [1601-1679, cuối đời Minh đầu đời Thanh] soạn), Tỳ-ni nhật dụng lục (Tánh Kỳ soạn thời Minh) v.v… tất cả đều y cứ vào thanh quy ấy mà phát triển thêm; kể cả Thiền lâm tượng khí tiênThiền lâm bị dụng thanh quy cũng sưu tập từ Bách Trượng thanh quy. Cho nên nghi thức cúng Quá đường của Thiền sư Nguyên Biểu có đôi chút giống Phật giáo Trung Quốc, chỉ cải biên thêm nghi thức kết ấn dâng cơm cúng Phật.

Khi Thiền sư Nguyên Biểu soạn Thọ giới nghi quỹ, ngay quyển 1 sau phần Yết-ma, ông đã chọn Tịnh độ sám nguyện nghi của Tổ sư Từ Vân (964-1032) để đưa vào sám hối. Đặc biệt giữa những tờ 21b1-22b8, có chép thêm phần Cúng dường pháp. Đây là nghi thức cúng dường mà về sau trở thành nghi thức Quá đường của chúng Tăng ở cả ba miền Trung Nam Bắc trong mùa an cư với một vài cải biên cũng như nghi thức cúng ngọ tại các chùa trong cả nước 5.

Kết luận

Nghi thức cúng Quá đường là một nét đẹp trong thiền môn của Phật giáo Bắc tông; tuy nhiên truyền thống này ảnh hưởng từ Bách Trượng thanh quy. Thiền sư Bách Trượng đã xây dựng một hệ thống riêng biệt cho giới luật Thiền tông, hệ Phật giáo Bắc tông thừa hưởng cái “cốt tủy” của nó suốt một thời gian khá dài, song dần dà Tăng chúng tôn vinh vẻ “hình thức” hơn là việc tu tập theo giới luật Thanh văn của Phật chế.

Do vậy mà ngày nay, nhiều ngôi chùa Bắc truyền trọng thị nghi thức cúng Quá đường, bắt buộc chư Tăng trong ba tháng an cư phải luôn có mặt, sau giờ cúng Quá đường muốn đi đâu tùy ý. Việc an cư cấm túc, tu tập thiền tư bị xem nhẹ và tổ chức giảng dạy cho Phật tử gọi là “thân cận thiện sĩ” cũng trắng hoàn toàn, chỉ giữ truyền thống hàng đêm có Phật tử vân tập về chùa tụng niệm nhưng lời kinh Phật nói gì thì như cảnh trong sương, khi mờ khi tỏ.

Trong lịch sử, ở Trung Quốc giới luật Thanh văn từng bị coi thường, mãi đến thế kỷ thứ XVI, Vân Thê và Đức Thanh mới chỉnh đốn lại giới luật Thanh văn. Giống như tại Việt Nam, trước thời Pháp Chuyên và Nguyên Biểu, giới luật Phật giáo chỉ lấy Bồ-đề tâm giới hay Bồ-tát tâm tức giới thập thiện làm chính.

Nguyện đem công đức này hồi hướng đến sự thanh tịnh cho Tăng-già, cho tứ chúng đồng tu trong mùa an cư Phật lịch 2567 thành tựu viên mãn.

--------------------------------------

1. Tuệ Sỹ - Yết-ma yếu chỉ, ch. vi. An cư và tự tứ, tr. 284.

2. Tứ phần p.830b7 - 835c5.

3. Phật quang đại từ điển p.6466 & 禪林象器箋 (https://books.masterhsingyun.org).

4. Sắc tu Bách Trượng thanh quy 勅修百丈清規, 卷 6, T48, no.2025, p.1144c18 & 漫談佛教的齋飯 (http://www.fodizi.tw/fojiaozhishi).

5. Lê Mạnh Thát - Vị trí của Thiền sư Nguyên Biểu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIX và sau đó (file word do tác giả cung cấp).

Tin trước

Phật dạy tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn

Tin tiếp

Hạnh phúc và hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo