28/03/2024

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Duyên lành thị hiện 

Năm 1965, khi tôi về tịnh xá Trung Tâm thì nơi đây đang thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng đá mài cao chỉ 1 thước 6 (1,6m - PV). Đến năm 1982, vì nhu cầu của chư Tăng và Phật tử nên tôi xin phép trùng tu tịnh xá thêm phần khang trang. Trong quá trình làm việc, vì khó ngủ nên tôi thường thức dậy vào tầm 2-3 giờ khuya, sau đó nhìn về khu vực có tượng Bồ-tát bây giờ. Khoảnh khắc đó, trên cây me già 70 năm tuổi xuất hiện hình bóng Bồ-tát Quán Thế Âm cùng vầng hào quang chiếu sáng cả một góc trời.

Tôi cứ ngỡ mình nhìn nhầm nên cố dụi mắt cho rõ, quả thật vẫn là hình bóng của Ngài hiện rõ giữa trời đêm. Bản thân tôi cũng nghĩ đó chỉ là sự thị hiện của Bồ-tát để cho mình thấy mà thôi, nên cũng không để ý nhiều. Bồ-tát vẫn luôn thị hiện để chúng sinh thấy, tin tưởng rằng Ngài vẫn linh cảm ứng biến hóa trong mười phương.

Bẵng đi mấy tháng sau, có một vị Phật tử dẫn bạn đến thăm tôi để tạo duyên kết nối, hỗ trợ xây dựng tịnh xá. Vị này tên là Thanh Nguyện, chủ tiệm vàng Mỹ Nữ (hiện nay vẫn còn kinh doanh gần cầu Thị Nghè), cũng là một diễn viên nổi tiếng trong bộ phim Ván bài lật ngửa đang thịnh hành lúc đó.

Sau một hồi tham quan cảnh chùa, ông phát tâm cúng dường 10 bao xi-măng, với giá trị vào khoảng 2.000 đồng lúc bấy giờ, và nói với tôi rằng “Nhiều người đã phát tâm cúng dường xây chùa rồi, nếu sư dựng tượng Bồ-tát Quán Thế Âm thì tôi xin phát tâm lo hết, cao bao nhiêu cũng được”.

Tôi thấy lạ, mình mới thấy Bồ-tát ứng hiện cách đây không lâu, giờ có người phát tâm xây dựng tôn tượng Ngài, mà cao bao nhiêu cũng được. Ban đầu, tôi không có ý nghĩ về việc này vì kinh phí xây tịnh xá không đủ thì lấy đâu mà lo việc khác. Với lại giai đoạn đó, các nơi cũng hạn chế xây chùa hay tạo tượng nhiều, toàn thành phố thì tượng Bồ-tát cao lắm cũng chỉ tới 5 thước mà thôi. Nay thời duyên đến, thế là tôi y cứ theo tâm nguyện của họ mà làm.

Để hoàn thành công việc, tôi mời bác Minh Dung, một thợ làm tượng lâu năm ở Sài Gòn lúc đó đến thực hiện. Bác này là một người thợ có tiếng trong giai đoạn đó, các tượng đang được thờ ở tổ đình Ấn Quang hiện nay cũng do vị này tôn tạo. Trong vòng hai năm, từ 1982 đến 1984 thì tiến hành đóng cừ, đổ móng, xây bệ hoa sen, đắp hình tượng, có lẽ nhờ sự gia trì của Bồ-tát nên mọi chuyện đều diễn ra êm đẹp, không gặp phải trở ngại gì. Đến khi khánh thành tịnh xá Trung Tâm thì tôn tượng Bồ-tát cũng hoàn thành và an vị để bá tánh thập phương đến lễ bái.

Có một chuyện vui khác liên quan đến việc tu sửa bức tượng là hồi đó hầu hết Phật tử đều thắc mắc sao mà sắc diện Ngài… già quá, phải cỡ dáng người 40 tuổi trở lên. Có lẽ do tâm trạng của người nghệ nhân nên ứng hiện vậy. Bởi bác Minh Dung từ sau năm 1975 đến 1982 thất nghiệp, nên tâm lý cũng không được thoải mái, thế nên diện của pho tượng cũng mang dáng vẻ già đi trông thấy…

Tôi cũng nghĩ, pháp thân chư Phật, chư Bồ-tát không có già trẻ, chỉ có mình mới có ý nghĩ phân biệt sắc tướng, xem trọng khuôn mặt tươi tốt hay khắc khổ. Bá tánh cư gia thấy già thì sinh tâm chê một chút, thấy trẻ đẹp thì khen, đó là điều hiển nhiên. Mình tu hành thì phải khác, phải quán xét và hiểu rõ đầy đủ các duyên trong đó để đừng bị bám chấp. Thời duyên như vậy thì tượng làm ra vậy, mình chấp nhận thôi, không có vui buồn gì.

Với lại, tốt xấu gì cũng là pho tượng cuối cùng của nghệ nhân Minh Dung, nên khi có mấy người thợ đến xin sửa chữa bức tượng, tôi đều từ chối và nói rằng muốn sửa thì phải là người trong gia đình của bác mới được. Bẵng đi gần 30 năm sau, người con trai thứ hai của nghệ nhân này, cũng là thợ làm tượng lành nghề đến xin sửa lại với khuôn mặt và hình dáng bức tượng nhìn trẻ như hiện tại.

Duyên lành như vậy, khi làm lễ lạc thành tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm vào ngày 2-11-2012 (19-9 ÂL), tôi cảm thán và viết nên bài thơ để ca ngợi công hạnh hóa độ chúng sinh của Bồ-tát Quán Thế Âm. 

Câu chuyện về sự linh ứng

Với tôi tôn tượng này hết sức đặc biệt không chỉ vì đây là bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao nhất thành phố lúc đó (13,5m), hay là bức tượng Bồ-tát cao lớn cuối cùng trong cuộc đời của nghệ nhân Minh Dung thực hiện, mà còn là bởi sự linh ứng của Ngài. Chính nhờ đó mà tôi cũng hiểu rõ hơn về hạnh nguyện cao cả của Bồ-tát trong cuộc sống.

Tôi không thích cổ xúy cho việc cầu nguyện đơn thuần. Tu theo đạo Phật thì phải có chánh tín, chánh kiến, tự mình tu tập chứ không chỉ cầu nguyện suông mà được. Nhưng bảo tượng này xuất hiện rất tự nhiên, người phát tâm cúng cũng rất tự nhiên, người cầu nguyện cũng thấy linh ứng nhiệm mầu. Mà thực tế bản thân tôi đã từng thấy qua nhiều năm tại tịnh xá Trung Tâm.

Chẳng hạn, có đôi vợ chồng kia làm kỹ sư và kiến trúc, cưới nhau đã nhiều năm nhưng không có con, nên vào gặp tôi xin nhờ cầu nguyện để hoàn thành ước nguyện. Tôi là nhà sư chuyên tu khuyến thiện, với lại bản thân cũng không quen cầu mấy việc đó, nên khuyên họ cứ ra lễ Bồ-tát Quán Thế Âm cầu nguyện để Ngài gia hộ cho. Vậy mà lời nguyện cầu đó lại linh nghiệm, sau này họ có con, vợ chồng tin tưởng vào Bồ-tát nên càng gắn bó với Phật pháp. Tiếng lành đồn xa vì vậy mà số người đến chiêm bái, đảnh lễ Bồ-tát còn nhiều hơn lên lễ lạy trên chánh điện tịnh xá.

Qua câu chuyện này, tôi nhận thấy sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm để nhắc nhở chúng ta làm sao để thờ cúng, cầu nguyện Ngài đúng cách. Xưa nay, mọi người luôn tâm niệm rằng Quán Thế Âm Bồ-tát là người luôn âm thầm quán xét sự thế tối tăm, thế nên khi gặp bất cứ hoàn cảnh nào khó khăn thì đều luôn niệm tên Bồ-tát mong Ngài cứu độ. Đó là điều rất tốt, giúp mọi người có lòng tin kiên cố nơi Ngài cho dù gặp bất cứ biến động nào của thế gian.

Tuy nhiên, mình thờ cúng thì cứ một lòng thành kính với cái tâm của mình, đồng thời nỗ lực tu tạo phước duyên, tới lúc nhân duyên hội đủ thì Ngài sẽ ứng nguyện theo ý niệm chơn chánh của mình, chứ không nên lễ lạy Ngài với mục đích mong cầu được này, được kia.

Chúng ta cũng biết, mỗi vị Phật, Bồ-tát đều có một hạnh nguyện cao cả độ sinh. Như ngài Địa Tạng với đại nguyện là khi nào chúng sinh dưới địa ngục không còn thì mới thành Phật, hay Bồ-tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện tầm thinh cứu khổ… Vì vậy, khi tu theo các Ngài thì chúng ta phải tu theo hạnh nguyện của vị Phật, Bồ-tát đó. Phải chí thành chí kính theo hạnh nguyện độ sinh của vị Bồ-tát mà mình cảm thấy phù hợp với bản thân. Ví như tu theo Bồ-tát Quán Thế Âm thì phải tu theo hạnh nguyện lắng nghe, từ bi, nhẫn nhục, linh cảm ứng. Đó mới là cách tốt nhất bên cạnh sự cầu nguyện mà chúng ta thường xuyên thực hiện.

Cả đời tôi giảng kinh thuyết pháp cũng thường khuyên tu trực tiếp, nhắc nhở mọi người phải luôn cố gắng làm cho ba nghiệp thân khẩu ý của mình thanh tịnh, chứ không nên chỉ lo khấn vái, cầu nguyện suốt ngày. Tu học thì phải có đầy đủ chánh tín và chánh kiến, không thể chỉ mãi cầu mong sự che chở từ người khác.

Sự linh ứng của Bồ-tát Quan Thế Âm giống như viên ngọc lưu ly sáng chói giữa đêm tối, để nhắc nhở chúng ta nhớ đến công hạnh cao cả của Ngài, rồi nhân đó mà phát khởi tín tâm thực hành theo để đạt được hạnh phúc giải thoát thật sự.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

Tin trước

Lào phát hiện kho báu hơn 100 pho tượng Phật chưa xác định được nguồn gốc và độ tuổi

Tin tiếp

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng