06/04/2024

Giáo lý Vô ngã

Trong Kinh tạng Pàli, kinh Vô ngã tướng thuộc Tương ưng bộ kinh, tương đương kinh số 5, Tạp A-hàm của Hán tạng. Nội dung bài kinh như sau:

-“Này các Tỳ-kheo, sắc này là vô ngã. Nếu sắc là ngã, thời sắc không thể dẫn đến khổ não, và có thể mong rằng sắc của tôi là như thế này, sắc của tôi không phải như thế này. Này các Tỳ-kheo, vì sắc là vô ngã, nên sắc dẫn đến khổ não và không thể mong rằng sắc của tôi là như thế này hay sắc của tôi không phải như thế này. (Thọ, tưởng, hành, thức, cũng tương tự như thế).

- Này các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường? Bạch Thế Tôn, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ hay vui? Bạch Thế Tôn, là khổ. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi? Bạch Thế Tôn, không. (Thọ, tưởng, hành, thức, cũng tương tự như thế).

- Do vậy, này các Tỳ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. (Thọ, tưởng, hành, thức, cũng tương tự như thế).

- Này các Tỳ-kheo, thật vậy, đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham, do ly tham vị ấy giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết rằng đã giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên: ‘Ta đã được giải thoát’. Vị ấy biết rõ: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại với trạng thái này nữa.

Thế Tôn thuyết như vậy, năm vị Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, năm vị Tỳ-kheo được giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ”.

Đức Phật nói kinh Vô ngã tướng với mục đích phá trừ kiến chấp về ngã tướng: Chấp thân thể là ngã hoặc chấp các cảm giác là ngã, chấp tri giác là ngã; hoặc chấp cả thân thể và các cảm giác, tri giác là ngã; hoặc chấp thân thể, cảm giác, tri giác… ở bên trong một cái ngã; hoặc chấp có cái ngã, có một chủ tể, một tự ngã hay linh hồn bên trong thân thể v.v… Tóm lại là chấp cái này là ta, cái này là của ta, cái này là tự ngã của ta. “Cái này” ở đây là thân thể, cảm giác, tri giác, nhận thức, tư duy, ý chí… nói tóm lại là năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Đức Phật cho biết, năm uẩn: sắc (thân thể và thế giới vật lý), thọ (cảm giác khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự tiếp xúc, va chạm bằng thân thể), tưởng (tri giác, kinh nghiệm khi căn tiếp xúc với trần và khả năng hồi tưởng, ký ức), hành (ý chí, tư duy…), thức (nhận thức, khả năng ghi nhận sự có mặt của các pháp-sự vật hiện tượng thông qua các giác quan), năm uẩn chính là năm yếu tố cấu hợp thành một con người, tuy nhiên nó không có thực thể.

Vô ngã có nghĩa là vô tự tính, vô tự thể. Tránh nhầm lẫn vô ngã là không có gì tồn tại. Con người và các sự vật hiện tượng tồn tại nhưng chúng không có tự tính, không có tự thể, không tồn tại độc lập.

Ngay cả bản thân mỗi yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có thực thể, không có tự tính riêng biệt, năm yếu tố nương vào nhau mà biểu hiện, nó không tồn tại độc lập, thường hằng, bất biến. Chính vì nó không có thực thể, không có tự tính cho nên hợp thể ngũ uẩn không phải là một cá thể thường hằng, trong nó cũng không có một linh hồn bất tử, vĩnh hằng như người ta thường nghĩ. Con người hay hợp thể ngũ uẩn không có linh hồn bất tử, vĩnh hằng ngự trị trong nó, không có một cái ngã, một chủ tể (năng lực tồn tại độc lập, làm chủ, có thể tự tại, có khả năng điều động mọi thứ không chịu ảnh hưởng, tác động của cái khác), nó do năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức hòa hợp mà biểu hiện, nên gọi là vô ngã.

Vô ngã có nghĩa là vô tự tính, vô tự thể. Tránh nhầm lẫn vô ngã là không có gì tồn tại. Con người và các sự vật hiện tượng tồn tại nhưng chúng không có tự tính, không có tự thể, không tồn tại độc lập. Ở đây nên dùng từ “biểu hiện” thay cho “tồn tại”. Vì khi nói tồn tại có thể dẫn đến sự hiểu lầm sự vật hiện tượng (trong đó có con người) là có thực thể, tồn tại độc lập, thường hằng, bất biến, có tự tính, tự thể.

Sự có mặt của con người chỉ là biểu hiện của năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hay nói cách khác là sự có mặt của các nhân duyên sinh ra chúng (con người hay ngũ uẩn). Vấn đề vô ngã thật không dễ dàng quán triệt, không dễ dàng tiếp nhận, chỉ khi nào giác ngộ, thực chứng, mới thấy như thật về nó.

Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy con người thật ra chỉ là một hợp thể gồm có các yếu tố: sắc (chất rắn, lỏng, khí, nhiệt độ hay biểu sắc và năng lượng, năng lực hay vô biểu sắc), cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), ý chí, hành động (hành), nhận thức, hiểu biết (thức). Các yếu tố này có thể tạm phân chia làm hai thành phần là vật chất và tinh thần hay sắc và tâm. Sắc là phần vật chất. Thọ, tưởng, hành, thức là phần tinh thần hay phần tâm.

Mỗi nhóm trong năm nhóm (ngũ uẩn) sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không tự thân có được, mà phải do các nhóm khác làm điều kiện nhân duyên hình thành. Ví dụ sắc không tự có mà phải nhờ thọ, tưởng, hành, thức; thọ không tự có mà phải nhờ sắc, tưởng, hành, thức v.v… Có nghĩa là một uẩn tồn tại, có mặt, hay nói đúng hơn là biểu hiện là nhờ bốn uẩn kia. Trong kinh Tương ưng bộ, Đức Phật có nói rõ: “Này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sinh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức. Sự việc như vậy không xảy ra”. (Tương tự như thế, ngoài thọ, tưởng, hành, thức không có sắc; ngoài sắc, tưởng, hành, thức không có thọ v.v...).

Không có ngã hay chủ tể, không có tự ngã hay linh hồn thường tại trong sắc hoặc trong thọ, hoặc trong tưởng, hành, thức, hoặc trong hợp thể ngũ uẩn. Cũng không có một cái ngã hay chủ tể, không có tự ngã, linh hồn nằm ngoài năm uẩn. Ngoài ngũ uẩn ra không còn gì khác.

Đức Phật dạy chúng ta không nên chấp ngũ uẩn (chấp mỗi uẩn trong năm uẩn hoặc chấp cả năm uẩn) là ngã, chấp ngũ uẩn làm ngã, không nên cho rằng thân thể, cảm thọ, tình cảm, nhận thức, ý chí, hành động… là của ta, là ta, là tự ngã, linh hồn của ta. Các yếu tố thân thể, cảm thọ, tri giác, ý chí, tình cảm, nhận thức đó vốn không có thực thể, vốn vô thường, luôn ở trong trạng thái biến đổi, trở thành, nó chỉ có tên gọi chứ kỳ thực không có thực thể, không tồn tại cố định, bất biến. Nếu không thấy được sự thật đó, chúng ta sinh tâm chấp thủ ngã và tham ái, từ đó sinh khởi các phiền não khác và tạo nghiệp khổ đau, luân hồi, sinh tử.

Vấn đề vô ngã trái với nhận thức thông thường cho nên không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận. Đối với người nghe thật khó quán triệt; đối với người nói thật khó diễn đạt. Người không lãnh hội được có thể dẫn đến ngộ nhận, hiểu sai lầm, lệch lạc, đưa đến lối chấp không, chấp đoạn. Người muốn thấy rõ, thấy như thật về vô ngã cần phải tu tập để thực chứng, giác ngộ.

Lý luận suông không giúp hành giả thấy rõ như thật về thực tại. Qua kinh điển chúng ta chỉ hiểu biết về lý vô ngã bằng ý niệm, bằng tư duy suy luận chứ không phải thấy biết bằng tuệ giác vô ngã.

Đức Phật thuyết các kinh về vô ngã là để chúng ta có nhận thức đúng, có chánh kiến, chánh tư duy, giúp chúng ta có như lý tác ý (biết tác ý như lý duyên sinh, vô thường, vô ngã).

Vô ngã là bản chất của thực tại, muốn thấy rõ bản chất đó cần phải có tuệ giác. Muốn có tuệ giác để thấy như thật về vô ngã cần phải tu tập. Vô ngã không phải là quan niệm triết học, không phải là lý luận do suy tưởng. Người thông tuệ chỉ hiểu được phần nào lý vô ngã, chỉ có người chứng ngộ, thành tựu tuệ giác mới biết rõ, thấy như thật tính vô ngã của mọi sự vật hiện tượng.

Mục đích Đức Phật chỉ ra lý vô ngã là để giúp hành giả tu tập thoát khỏi ngã chấp, phá trừ ảo tưởng, ảo kiến mê lầm, đoạn tận phiền não lậu hoặc, thành tựu giác ngộ, giải thoát.

Trong quá trình học Phật, người ta cố gắng dùng ngôn ngữ, khái niệm để giải thích bản chất của thực tại hay mô tả cảnh giới thực chứng vô ngã, trong khi đó sự thấy biết như thật về vô ngã chỉ có được khi giác ngộ, thực chứng. Dù là người chứng được tuệ giác vô ngã cũng không thể nào diễn đạt cho người khác thấy biết như thật về sự thật vô ngã. Điều này cũng giống như không thể nói cho người mù biết được màu xanh là màu như thế nào, màu đỏ là màu như thế nào, và màu xanh khác màu đỏ như thế nào.

Chỉ khi có tuệ giác vô ngã mới không còn ngã chấp và tham ái, giải thoát khỏi mọi phiền não khổ đau. Vì thế cần phải tu tập. Lý luận suông không giúp hành giả thấy rõ như thật về thực tại. Qua kinh điển chúng ta chỉ hiểu biết về lý vô ngã bằng ý niệm, bằng tư duy suy luận chứ không phải thấy biết bằng tuệ giác vô ngã.

Tin trước

Mỗi phút đều là thiền

Tin tiếp

Người tu làm gì mà được tôn trọng, cung kính, cúng dường