11/06/2024

Giã từ vũ khí, phát khởi từ tâm với tất cả chúng sanh

Từ lúc mang thai vị này, hoàng hậu Bārāṇasī được chăm sóc cẩn thận như một thiên hậu. Lúc lọt lòng mẹ, hoàng tử xinh đẹp chẳng khác một hòn bảo thạch khéo dồi, sáng chói và đầy đặn. Vua Bārāṇassī thương con lắm, ông đã cắt đặt 66 cô bảo mẫu nuôi nấng hoàng tử một cách kỹ lưỡng. Năm 16 tuổi, hoàng tử đã được phụ vương chính thức nhường ngôi cho làm vua cai trị cả lãnh thổ Bārāṇāsī mênh mông với hơn hai muôn thành phố trù mật. Trong kinh ghi rằng vương quốc Bārāṇasī lúc đó bao gồm toàn cõi Diêm Phù Đề và các vị vua lớn nhỏ trong đó đều là chư hầu của hoàng triều Bārāṇasī. Sau khi lên ngôi kế vị vua chua, hoàng tử lấy đế hiệu là Brahmadatta.

Tương truyền rằng vua Brahmadatta nầy rất giàu có, bất cứ người vật nào trong tay ông cũng không dưới hai muôn: hai muôn tòa lâu đài, hai muôn ngựa quý, hai muôn bảo tượng, hai muôn ngự tọa, hai muôn cỗ xe, hai muôn binh lính ngự lâm quân, hai muôn cung nữ và đến hai muôn triều thần.

Với chừng đó sản nghiệp và sức mạnh, vua Brahmadatta không say đắm hưởng thụ như bao vị đế vương khác. Do túc duyên giải thoát cao dày, dù trong hình thức cư sỹ, vua đã chứng đạt ngũ thông bát định giữa bao thứ khoái lạc. Cảm thấy nhàm chán đời sống bận rộn của một đấng đứng đầu trăm họ nhưng không thể rời bỏ cung đình ra đi một cách vội vã, nên vua chỉ giao hết việc triều đình cho một vị đại thần rồi vào sống tịnh cư trong một lâu đài biệt lập để an hưởng thiền lạc.

Cả nửa tháng trời không thấy mặt vua, Hoàng hậu Bāraṇāsī hỏi các quan. Biết chồng không còn màng gì đến dục lạc thế tục, Hoàng hậu nói với quan nhiếp chính:

- Đã thay vua trông coi triều đình quốc sự thì ông cũng phải thay ngài chăm sóc ta chứ.

Sau ba lần kiên quyết từ chối, quan nhiếp chính chấp nhận lời đề nghị của hoàng hậu. Nàng còn trẻ và nhan sắc kiều diễm nên chẳng bao lâu sau, quan nhiếp chính đã mê nàng như điếu đổ. Hai người công khai đi lại với nhau, chẳng kể gì đến thể thống triều đình hay lời đàm tiếu dị nghị của mọi người. Đã vậy, càng lúc quan nhiếp chính càng tỏ ra ngang tàng như một hoàng đế chính thức đương triều.

Không thể làm ngơ trước sự kiện đó, các triều thần đã vào tâu lại với vua Brahmadatta mọi việc. Mấy lần họ vào gặp, vua vẫn không tỏ thái độ gì, ông dửng dưng như không. Sau cùng khi tận mắt thấy quan nhiếp chính đang tư thông với hoàng hậu, vua bèn cho triệu tập quần thần lại hỏi cách giải quyết. Các quan tâu nên gia hình nặng nề hoặc tịch biên gia sản của quan nhiếp chính nhưng vua không nỡ làm thế, ông chỉ ra lệnh trục xuất quan nhiếp chính ra khỏi vương quốc và cho phép mang theo tất cả những gì sở hữu.

Giải quyết vấn nạn chiến tranh theo lời dạy của đức Phật

Bỏ vua Bārāṇasī ra đi, quan nhiếp chính lập tức đến đầu phục một vị vua xứ láng giềng và được thu dụng ngay. Thế rồi, nhân một cơ hội thuận tiện, gã phản thần này gợi ý với vua bản địa việc đánh chiếm Bārāṇasī. Vốn rất e ngại trước sức hùng cường của triều đình Bārāṇasī nên vị vua này đã tỏ ý không chấp thuận. Sau nhiều lần được gã phản thần khích dụ, ông ta đồng ý nhưng cũng thận trọng cho người sang Bārāṇasī dò xét trước tình hình.

Biết vua Bārāṇasī là một bậc hiền vương đức độ, không ưa chuyện binh đao, vị vua láng giềng an tâm kéo quân sang vây hãm các thành phố của Bārāṇasī rồi gửi chiến thư cho vua Brahmadatta.

Trước tình hình đó, các quan vào gặp vua Brahmadatta để bàn cách đối phó. Hầu hết triều đình đều chủ trương động binh, nhưng một lần nữa vua lại thể hiện đức tính từ bi của mình, ông nói:

- Trẫm không muốn xảy ra chiến tranh. Đánh nhau là phải giết chóc, trẫm không thể làm điều đó được đâu.

Quân giặc ngoài thành mỗi lúc một hung hăng hơn, các quan Bārāṇasī lại vào gặp vua để xin được xuất binh. Để đáp lại lòng ái quốc của họ, lần này vua Brahmadatta tỏ ra tích cực hơn trong việc giữ thành nhưng vẫn là đường lối khoan hòa:

- Có lẽ đã tới lúc chúng ta phải cho họ hiểu rằng không phải Bārāṇasī bất lực nhưng các khanh nên nhớ là cố gắng tối đa để tránh đổ máu. Chỉ có vậy trẫm mới bằng lòng thân chinh.

Sau khi hội thảo chớp nhoáng, đưa ra phương án độc đáo, các triều thần trình lên vua để hỏi ý. Thấy đó là một chiến thuật chẳng những không gây đổ máu mà lại có nhiều khả năng đối phó với quân địch nên vua Brahmadatta lập tức đồng ý. Lệnh vua ban ra, quân tướng Bārāṇasī chuẩn bị sẵn sàng.

Đêm hôm ấy, trời tối đen như mực, cả doanh trại quân giặc đang ngủ say bởi chúng yên chí rằng chỉ trong nội ngày mai, kinh thành Bārāṇasī sẽ bị triệt hạ, bởi vì vua Brahmadatta quá nhu nhược, nhút nhát. Ngay lúc đó, cổng thành bật mở, một đoàn quân Bārāṇasī lặng lẽ tiến vào trại giặc. Người ngựa đều di chuyển vô cùng nhẹ nhàng nên đêm vẫn yên lặng. Đức vua Brahmadatta trực tiếp điều quân trong trận này.

Bước tới tận chỗ vua láng giềng đang nằm ngủ, vua Bārāṇasī phát ngay khẩu lệnh ứng chiến. Bên mình vua lúc đó có mặt đông đủ các viên tùy tướng thân tín, chỉ trong nháy mắt, tất cả trại giặc inh ỏi những tiếng la hét và rực sáng như ban ngày. Vua tôi xứ láng giềng kinh hoàng tháo chạy trối chết. Họ không hiểu tại sao cả một đội quân hùng hậu với đầy đủ đèn đuốc như binh lực của Bārāṇasī lại có thể vào tận bên trong quân doanh của họ mà không bị phát hiện.

Họ có biết đâu rằng mỗi người lính Bārāṇasī đều cầm theo một cái nồi đậy kín, trong đó là một cái đèn thắp sẵn. Khi lệnh vua vừa truyền ra là tất cả binh lính đều nhất loạt lấy đèn ra khỏi nồi và thế là cả trại giặc sáng rực. Thử hỏi với một sự bất ngờ như vậy ai lại không kinh hồn khiếp vía. Và điều làm cho đoàn quân xâm lăng ngạc nhiên hơn nữa là không có ai nhớ được là mình có bị tấn công bằng vũ khí hay không. Hình như đám người xuất quỷ nhập thần kia chỉ biết đốt đèn và la hét. Nhưng vị vua láng giềng và các mưu sỹ của ông thì rất hiểu. Họ biết rằng vương quốc mà họ muốn xâm lăng chính là xứ sở của một vị Đại vương có lòng nhân từ cao siêu như trời bể. Họ biết vua Brahmadatta vừa tha chết cho họ chỉ vì ông không muốn nhìn thấy một giọt máu nào rơi xuống trên lãnh thổ của ông. Xúc động và hối hận đầy lòng, sau một đêm dài thao thức, nhà vua láng giềng đem hết binh lính đến gặp vua Brahmadatta xin quy hàng. Thấy vị vua láng giềng quỳ gối trên đất, vua Brahmaddata bồi hồi xúc động. Đêm qua với tư cách là kẻ thù với nhau, ông còn tha thứ được huống nữa là bây giờ kẻ đối lập đã ăn năn.

Vua Brahmadattta đưa tay đỡ vị vua láng giềng đứng lên và mỉm cười thông cảm. Vị vua láng giềng mừng lắm, ông xin được cai trị một kinh thành nằm gần Bārāṇasī nhất để có dịp gần gũi với vua Brahmadatta. Ông không thể rời xa con người bao dung nầy được nữa. Hôm qua, ông đem sức mạnh đi đánh chiếm người nhưng đã thất bại, để rồi hôm nay người ta dùng tình thương chinh phục ông mà lại thành công.

Thế rồi, giữa chốn ba quân, vua Brahmadatta đưa mắt nhìn quanh và hồi tưởng lại mọi việc. Ông chợt thấy hoan hỷ dào dạt và chỉ trong thoáng chốc, với sự tinh thục của thiền định, ông suy tư về cuộc đời, về vạn pháp hữu vi, rồi Thánh trí Độc Giác khởi lên, vua Brahmadatta trở thành vị Phật Độc Giác.

Lúc bấy giờ, triều thần Bārāṇasī nhắc vua hồi cung để còn tưởng thưởng quân tướng, nhưng vua Brahmadatta lúc này đã là một Đức Phật Độc Giác nên Ngài đã trả lời:

- Ta không phải là vua nữa, ta là một vị Phật Độc Giác.

Triều thần ngạc nhiên nhìn Ngài rồi đồng tỏ vẻ ái ngại:

- Chư Phật Độc Giác không vị nào có hình thức như Đại Vương đâu ạ.

- Nghĩa là phải như thế nào?

- Thưa, các Ngài có đủ y bát cùng các vật dụng của hàng xuất gia và tóc của chư Phật Độc Giác thì dài lắm chỉ khoảng hai ngón tay thôi ạ.

Ngay lúc ấy, vua Brahmadatta đưa tay lên sở đầu mình, và trong nháy mắt, hình thức cư sĩ biến mất để Ngài thật sự trở thành một Đức Phật Độc Giác với đầy đủ hình thức và nghi hạnh của một bậc xuất gia thâm niên. Rồi Đức Phật Độc Giác thị hiện thần lực bay lên khỏi lưng voi và ngồi trên hư không nhìn xuống ba quân tướng sĩ. Trước hình ảnh đó, tất cả những người hiện diện đồng loạt quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật Độc Giác và các quan Bārāṇasī đã hỏi Ngài chứng đạt thượng pháp bằng đạo lộ nào. Đức Phật Độc Giác thuyết giảng tổng quát cho họ về án xứ Từ tâm và Thiền quán, rồi ngâm lên bài kệ cảm hứng:

- "Từ bỏ đao trượng đối với tất cả chúng sanh, không nhiễu hại ai và cũng chẳng ái luyến ai dù con cái hay bè bạn, ta độc hành như một con tê ngưu".

Tập sớ giải đã giải thích rằng tiếng "độc hành" ở đây ám chỉ cho cuộc sống xuất gia không nhà cửa. Chư Phật Độc Giác luôn có khuynh hướng viễn ly quần chúng, không ưa tìm bè bạn. Các Ngài là những vị không tầm cầu tham ái (nataṇhādutiyakā – không làm bạn với ái), hoàn toàn thoát ly phiền não, chứng ngộ Độc Giác trí (tự mình chứng ngộ và cũng không đủ sức độ cho ai chứng ngộ), tách ly đời sống thế tục và chỉ đi - đứng - nằm - ngồi một mình (sinh hoạt độc lập). Đó là những ý nghĩa của tiếng "độc hành" trong câu chuyện này.

Nói về triều thần Bārāṇasī, khi thấy vua của mình đã trở thành Phật Độc Giác, biết Ngài không thể trở về sống ở hoàng cung, nên họ lo lắng hỏi:

- Thế bây giờ, Ngài sẽ ngụ ở nơi nào ạ?

Đức Phật Độc Giác quán xét biết rằng chư Phật Độc Giác luôn sống trên núi Gandhamādana trong dãy Tuyết Sơn, nên sau khi nói cho triều thần biết chỗ ngụ của mình, Ngài đã bay về đó.

Tại đây, trên núi Gandhamādana có một truyền thống đặc biệt là cứ mỗi khi có một vị Phật Độc Giác nào vừa mới giác ngộ đi đến cư ngụ thì các vị Phật Độc Giác đã sống trước ở đó đều tụ họp lại vấn an và chúc mừng.

Khi được các vị hỏi về quá trình tu chứng, Phật Độc Giác Brahmadatta đã ngâm lên bài kệ tâm đắc nhất mà mình đã hứng khởi lúc mới chứng ngộ.

Đức Phật là người bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh

Trích "Độc Giác truyện".

Tin trước

Có cần cầu siêu và cúng cơm vào ngày giỗ?

Tin tiếp

Đức Phật dạy như thế nào về khổ hạnh?