Trong kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật dạy có 4 hạng người chúng ta cần phải tránh xa, phải cẩn trọng. Bốn hạng người ấy có đặc điểm như thế nào?
Để có được câu trả lời, kính mời quý độc giả cùng đón đọc bài viết dưới đây qua sự giảng giải trên Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Hạng 1: Hạng bạn vật gì cũng lấy hết
Để hiểu rõ về hạng bạn đầu tiên, Đức Phật chia hạng bạn vật gì cũng lấy hết ra làm 4 kiểu:
1. Hạng bạn cái gì cũng đòi hỏi
Với hạng bạn cái gì cũng đòi hỏi, Đại đức giải thích: “Thấy mình có bút đẹp, tẩy đẹp, compa đẹp cũng xin, không chừa cái gì. Cái gì cũng lấy, cũng đòi hỏi. Người bạn ấy là chúng ta phải xem xét, bởi người bạn này rất tham lam”.
2. Hạng bạn cho ít đòi nhiều
Có những người bạn tham lam, có một lại muốn có hai, có hai lại muốn có ba và còn nhiều hơn thế nữa... Về hạng bạn này, Đại đức lấy ví dụ: “Mình cho bạn một cái kẹo nhưng bạn ấy muốn nhiều hơn. Người bạn này là người bạn tham, cho ít mà đòi nhiều. Không chỉ là xin kẹo mà xin nhiều thứ nữa. Cho một thứ nhưng đòi nhiều thứ nên người bạn này, ta phải xét thật kỹ”.
3. Hạng bạn vì sợ mà làm
Hạng bạn vì sợ mình mà giúp mình thì có phải là người bạn tốt không? Đại đức giải thích: “Người bạn này vì sợ mà làm, vì sợ mà giúp chứ không phải là thật tâm muốn giúp mình thì người bạn này cũng không hẳn là người bạn tốt”.
4. Hạng bạn hành động chỉ vì lợi ích cho riêng mình
Đại đức chia sẻ nhóm bạn sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình chúng ta cũng cần cân nhắc: “Người bạn nào mà chỉ thấy có lợi cho mình mới giúp thì chúng ta hết sức cân nhắc”.
Hạng bạn cái gì cũng đòi hỏi, cho ít đòi nhiều, vì sợ mà làm, hành động chỉ vì lợi ích cho riêng mình như lời Đức Phật dạy chúng ta cần phải cân nhắc và cẩn thận khi kết giao với những người bạn thuộc nhóm bạn hạng thứ nhất này.
Hạng 2: Hạng bạn chỉ nói giỏi
Người bạn lúc nào cũng chỉ nói những lời tốt đẹp với mình muốn mình vui nhưng lại không hành động giúp đỡ khi mình cần. Hạng bạn này Đức Phật cũng chia ra làm bốn:
1. Hạng bạn tỏ vẻ thân tình những việc trong quá khứ
Nếu gặp hạng bạn hay chia sẻ những chuyện trong quá khứ đã qua thì chúng ta cần ghi nhớ lời Đại đức căn dặn mà tránh: “Khi các con có việc buồn hay vui trong quá khứ, đã qua rồi thì người bạn này đến có vẻ thân tình, động viên, chia sẻ thì có thể để lấy lòng thôi”.
2. Hạng bạn tỏ sự thân tình những việc trong tương lai
Khi chúng ta gặp những người bạn hay lấy lòng bằng cách khen ngợi chúng ta về một việc nào đó chưa xảy đến với mình thì chúng ta cũng cần cẩn trọng trước khi kết giao. Đại đức chia sẻ: “Có những việc chưa đến với chúng ta, người bạn này cũng đem ra để lấy lòng chúng ta. Ví dụ mình cũng chưa được bổ nhiệm chức vụ nhưng bạn đến bảo: “Em chúc mừng anh nhé! Tương lai anh sẽ được làm giám đốc đấy”. “Tớ nói thật bạn giỏi lắm! Tương lai bạn sẽ là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc đấy”. Hay là: “Tương lai bạn sẽ đậu đại học đấy”. Cứ đem những chuyện đấy ra để mà lấy lòng, nịnh nọt mình”.
3. Hạng bạn mua chuộc tình cảm của mình bằng những lời sáo rỗng
4. Hạng bạn luôn từ chối khi mình cần giúp đỡ
Có người từng nói: Khi bạn đứng lên, bạn bè của bạn sẽ biết bạn là ai. Khi bạn ngã xuống, bạn sẽ biết ai là bạn bè của bạn.Trong cuộc đời, thất bại, khó khăn là điều không ai tránh khỏi, những lúc ấy, chúng ta rất cần sự giúp đỡ, lời động viên từ những người bạn xung quanh để phần nào vượt qua được nạn cảnh. Tuy nhiên, không phải người bạn nào cũng luôn sẵn lòng giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, về điều này Đại đức chia sẻ: “Lúc mình cần thì bạn ấy không giúp. Hàng ngày, thân nhau nhưng đến khi mình có việc, gặp khó khăn, nhờ bạn ấy giúp thì bạn ấy bảo: “Không, tớ bận lắm”. Bạn ấy thoái thác, vậy nên chúng ta phải xem xét người bạn này”.
Thật không khó để nhận diện được 4 kiểu bạn trong hạng bạn thứ hai mà Phật dạy không nên kết giao. Chúng ta cùng ngồi lại để suy nghĩ xem chúng ta có người bạn nào trong hạng bạn này nhé!
Hạng 3: Hạng bạn nịnh hót
Người nịnh hót thường nói không đúng sự thật và nói lời thêu dệt. Để hiểu rõ hơn về hạng bạn này, Đức Phật cũng chia ra làm các hạng:
1. Hạng bạn tán thành những việc xấu ác
Việc xấu ác là những việc làm gây tổn hại mình, tổn hại người. Nếu người bạn của chúng ta tán thưởng với những việc làm xấu ác thì chúng ta không nên kết giao. Về điều này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh lý giải: “Chúng ta lỡ ăn trộm, ăn cắp, người bạn này biết đấy là việc xấu nhưng mà lại khen: “Cậu ăn cắp hay quá! Nhà người ta không biết gì, tớ phải thán phục cậu đấy. Cậu phải gọi là kiện tài về ăn cắp”. Nói vui là “nịnh thối” mình thế”.
2. Hạng bạn phản đối những việc thiện lành
Việc thiện lành là những việc mang đến lợi ích cho mình, cho người. Trong cuộc đời, đôi khi chúng ta có thể gặp hạng bạn như Đại đức chia sẻ: “Khi mình làm việc thiện, họ không đồng ý, họ không tán thành mình làm những việc tốt. Đấy là hạng bạn nịnh mình”.
Để đại chúng hiểu rõ hơn, Đại đức lấy ví dụ rằng: người bạn đó thấy mình dắt cụ già qua đường thì chê bai: bạn làm gì tự nhiên phải rước cái nhọc nhằn vào mình. Kệ bà ấy, vất vả thân bạn ra. Bà ấy có khen, cho tiền bạn không mà bạn phải dắt bà ấy qua đường.
Qua đó, Đại đức nhấn mạnh các bạn trẻ nên cẩn thận khi gặp phải những người bạn như vậy: “Khi mình làm việc tốt thì người bạn này lại không khen mình, không tán thành nên người bạn này phải xem xét lại”.
3. Hạng bạn trước mặt thì khen nhưng sau lưng lại chê trách mình
Trong hạng bạn thứ ba là hạng bạn nịnh hót nếu chúng ta không tỉnh táo để nhận biết đúng sai thì chúng ta rất dễ đi vào con đường xấu theo lời bạn. Đức Phật dạy hạng bạn này chúng ta hết sức cẩn thận.
Hạng 4: Hạng bạn tiêu pha xa xỉ
Hạng bạn cuối cùng là hạng bạn tiêu pha xa xỉ, Đức Phật cũng chia ra làm bốn:
1. Hạng bạn chỉ kết bạn khi mình nghiện ngập
Rượu, ma túy, xì ke,.. là những chất gây nghiện ảnh hưởng xấu đến thể chất, nhân cách và trí tuệ của con người. Người bạn tìm đến chúng ta khi chúng ta nghiện những chất gây hại thì hạng bạn ấy có xứng đáng kết giao hay không?
Về vấn đề này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Khi các con đam mê nghiện ngập: nghiện cờ bạc, ma túy, nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu… thì những người này đến chơi với con. Gọi là bạn nghiện. Những người bạn đấy sẽ không tốt với mình”.
2. Hạng bạn chơi với mình khi mình đi du hành phi thời trên đường phố
“Phi” là chẳng, là không, “Thời” là thời gian. “Phi thời” tức là không đúng thời gian. Với hạng người kết giao khi thấy mình thích đi du hành, đi chơi phi thời trên đường phố, Đại đức giải thích: “Những người bạn đàn đúm, chơi bời, lang thang đường phố đêm hôm, đua xe là những người bạn đấy không tốt. Phải tránh những người bạn đấy. Đó là những người bạn mà đi chơi, đi lang thang, đêm hôm khuya khoắt, không đúng thời. Gọi là phi thời”.
3. Hạng bạn dẫn mình vào những chốn ăn chơi
Với hạng bạn dẫn mình vào những chốn ăn chơi, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng khuyên nhủ: “Người bạn này làm bạn khi mình đi vào những chỗ ăn chơi. Các con đi tình ca, vào sòng bạc thì những người bạn ấy thì theo chân các con đi chơi, phải xem xét lại”.
4. Hạng bạn dẫn mình vào con đường cờ bạc
Người xưa có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Chơi cờ bạc không giúp chúng ta giàu có mà còn khiến người chơi càng ngày càng nghèo túng, có thể dẫn đến tán gia bại sản, phải bán cả cửa nhà để chơi và trả nợ. Vậy ham mê cờ bạc là không tốt. Nó không giúp cho mình được nghiệp lành. Người bạn mà dẫn mình vào chỗ xấu thì bạn đó cũng là bạn xấu. Đây cũng là hạng người mà Đại đức nói chúng ta cũng phải cẩn thận.
Có câu nói quen thuộc “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu chúng ta kết giao với người bạn tốt thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn; ngược lại nếu chúng ta làm bạn với người bạn xấu như 4 hạng bạn mà Đức Phật dạy: hạng bạn vật gì cũng lấy, hạng bạn chỉ nói giỏi, hạng bạn nịnh hót, hạng bạn tiêu pha xa xỉ, thì họ sẽ làm cuộc sống chúng ta khổ đau. Vậy nên câu nói: “Chọn bạn mà chơi!” quả thật là không sai.
Cuối buổi chia sẻ, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đưa ra lời khuyên: “Đức Phật dạy có bốn hạng bạn không tốt, để chúng ta phải tránh, không nên kết giao, kết thân với những người bạn này. Họ sẽ làm cho chúng ta khổ đau và làm cho chúng ta mắc vào những điều tội lỗi. Những người bạn như thế thì đúng với câu ca dao thế này lắm các con ạ: “Khi ăn chơi, ở đâu cũng thấy bạnKhi hoạn nạn, tìm bạn chẳng thấy đâu”.
Mong rằng qua bài viết này, quý độc giả sẽ nhận diện một cách rõ ràng về 4 nhóm bạn cần tránh xa để từ đó lựa chọn cho mình những người bạn chân chính.