03/01/2025

Đức Pháp chủ GHPGVN nói về việc "Nuôi tâm dưỡng tánh"

Phương tiện Đức Phật khai thị Ngũ thừa Phật giáo - năm cách tu khác nhau. Thứ nhất, nhân thừa, tu để làm người và đời đời được tái sanh làm người. Thứ hai, thiên thừa, từ con người tiến lên cõi trời để làm trời. Thứ ba là những người muốn ra khỏi sinh tử, không muốn tái sanh nữa thì người ta tu Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, hoặc Bồ-tát thừa.

Thật ra có Tam thừa, Phật dạy rõ, nhưng kinh Pháp hoa đưa ra Nhứt thừa, hoặc Nhứt Phật thừa, tức một con đường xuyên suốt từ loài người chúng ta cho tới thành Phật trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau và ứng vào đó để tu thì mới có kết quả.

Không thể lấy hoàn cảnh của người này mà đặt cho người khác, gọi là tu bắt chước. Hoặc là Phật tu thành Phật, mình nghĩ mình tu cũng thành Phật như Ngài, rồi mình tu không thành Phật, mình chán, bỏ tu, việc đó sai, không đưa đến sự thành tựu.

Hoặc thấy mấy thầy đi khất thực ung dung tự tại quá, cho rằng xuất gia là sướng, rồi mình bỏ hết nhà cửa để đi xuất gia. Nhưng xuất gia được mấy ngày, thấy xuất gia không sướng như mình tưởng, mà ngược lại thì khó khăn hơn, nên bỏ tu. Việc không đúng với hoàn cảnh nên không có kết quả.

Vì vậy, Đức Phật dạy phải đúng người, đúng chỗ và đúng lúc. Người đó ở chỗ đó và lúc đó thì phải dùng pháp đó, như vậy là người biết tu.

Cho nên ta tu Pháp hoa, Đức Phật muốn nhắc nhở lúc nào cũng phải nhớ “Bây giờ và ở tại đây”. Không thể nói mấy ngàn năm trước, Đức Phật như vậy, mấy ngàn năm trước, người ta tu như vậy. Nhưng mấy ngàn năm trước khác với bây giờ. Bây giờ phải tu khác, mấy ngàn năm trước người ta tu khác.

Và ngay bây giờ ở tại đây là nước Việt Nam. Và nước Việt Nam có phong tục, tập quán của người tại Việt Nam và có luật pháp của người Việt Nam. Không phải Việt Nam áp dụng theo Mỹ, hay theo Nga được.

Qua bên Nga, người ta tính theo Nga, qua Mỹ, người ta tính theo Mỹ, qua bên Trung Quốc người ta phải sống theo Tàu. Cho nên Phật nói bây giờ và ở tại đây là vậy.

Thí dụ Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài khai thị Tam thừa. Đức Phật nói rõ người đi tu là hàng Thanh văn thừa, đi tu nhưng nếu còn nhớ nhà, nhớ công việc thì bị đọa, không tiến bộ được. Ngài dạy không được nghĩ đến gia đình, đến vợ con, vì lúc bấy giờ có một số vị đã lập gia đình rồi sau đó mới đi tu. Đi tu ở trong chùa nhưng cứ nghĩ không biết mấy đứa con bây giờ làm ăn có được không và các ông cứ chụm lại nói chuyện gia đình. Có ông làm quan rồi đi tu, mà ngồi đó bàn chuyện quốc gia đại sự.

Phật dạy các ông đi tu rồi, bàn chuyện này làm gì nữa, còn mấy ông này đi tu rồi bàn chuyện làm ăn làm chi. Như vậy là các ông đọa.

Cho nên, Phật bảo các ông chỉ ngồi thiền quán niệm hơi thở thôi, tức đếm hơi thở. Quán niệm hơi thở của mình để đi vào chánh niệm.

Phật dạy thầy Tỳ-kheo phải làm việc này để xóa nghiệp kia, để quên gia đình, quên xã hội, mà có chánh niệm, mới vào chánh định được. Vì Tỳ-kheo là người xuất gia luôn sống trong chánh định. Không sống trong chánh định là thầy tu giả. Vì vậy, các Phật tử nên biết thầy tu luôn sống trong chánh niệm, chánh định. Mà thầy tu giả sống theo cuộc đời, cái gì cũng biết, cũng nói, thầy tu giả khác với thầy tu thật là vậy. Phật dạy người tu khác người đời.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1280 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Xưa kia, Tôn giả Mục Kiền Liên tu chứng được pháp giải thoát, nên ngài được an lành khiến ngài vui quá. Ngài mới kêu một đám thanh niên đến để chia sẻ kinh nghiệm quý báu mà ngài đạt được.

Ngài bảo họ hãy quên hết mọi chuyện và ngồi đó quán niệm hơi thở sẽ được an lạc, giải thoát. Các cậu kia nói chúng tôi đâu muốn an lạc, giải thoát. Chúng tôi muốn làm sao phải có nhiều tiền, phải có địa vị xã hội. Người đời mà, phải có nhiều tiền, có địa vị xã hội mới sống được.

Bấy giờ, ngài Duy Ma Cật quở Tôn giả Mục Kiền Liên rằng ngài nói pháp hay nhưng không đúng đối tượng trở thành dở.

Nếu người khổ quá, ngài nói cuộc đời này là khổ thì họ chấp nhận liền vì đúng với tâm lý khổ của họ. Muốn hết khổ thì phải bỏ nó, quên hết nó và ngồi quán niệm hơi thở.

Pháp này là pháp của thầy tu luôn ngồi đếm hơi thở, theo dõi hơi thở để quên hết mọi việc, quên luôn mình, được giải thoát theo nghĩa của người đi xuất gia. Còn người đời không thể làm như vậy được.

Duy Ma Cật kêu các cậu thanh niên lại và ngài nói ngược lại rằng các ông đừng nghe Mục Kiền Liên ngồi quán niệm hơi thở thì cuộc đời các ông sẽ ảm đạm, không được hạnh phúc.

Ông thầy tu ngồi quán niệm hơi thở sẽ được hạnh phúc là được giải thoát, được Niết-bàn. Còn các ông ở ngoài đời mà còn trẻ, chỉ quán niệm hơi thở thì tương lai các ông sẽ làm gì? Tinh thần Đại thừa muốn chỉ lý này. Duy Ma Cật là hành giả Đại thừa.

Còn trẻ thì phải làm gì? Còn trẻ là còn sức khỏe tốt và phải dùng sức khỏe tốt để làm việc có lợi cho bản thân, cho xã hội. Chớ mình lãng phí cuộc đời mình thì hỏng rồi.

Cho nên có người thấy người đi tu thì cũng đi tu. Tu năm hay mười năm không được gì, ra đời, cũng không làm được gì là lãng phí cuộc đời mình. Không nên lãng phí sức khỏe mình theo cách đó.

Tuổi trẻ phải nghĩ khác. Bây giờ các cậu muốn học nghề, có năng khiếu không, có thích không? Thích thì ai cũng có, nhưng không có năng khiếu thì không làm được. Có năng khiếu là có hạt nhân bên trong, có hạt giống bên trong mới phát triển lên được. Còn hạt nhân, hạt giống không có thì không phát triển được.

Hay như ông Cấp Cô Độc, một vị trưởng giả, nhà kinh doanh, ông có thu nhập cao. Vì vậy, ông làm được hai việc là cúng dường chúng Tăng và giúp đỡ người nghèo.

Mặc dầu kinh doanh, nhưng đừng quên việc tu hành của mình. Điều này quan trọng, Phật tử nên nhớ. Tu hành là cốt lõi của mình, là tâm bên trong của mình. Cho nên, bên ngoài làm đủ thứ việc, nhưng bên trong là tu.

Vì vậy, tôi thường nói giờ nào việc đó, tức tôi tu trong công việc, tôi tu để công việc tốt hơn, chứ không phải tu không làm gì hết.

Thật vậy, khi Giáo hội giao cho tôi làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. Tôi tu trong công việc làm báo là tôi nghĩ làm sao cho tờ báo phát triển được mà không phạm những điều cấm kỵ của Nhà nước để tồn tại. Nói cách khác, để tâm vô công việc đó thì tâm mình sáng hơn.

Thí dụ khi anh làm quan, anh phải để tâm vô việc làm quan. Người dưới trình hồ sơ mình ký, phải biết hồ sơ này có gì và phải biết nên ký hay không. Tu hành phải có chiều sâu.

Các Phật tử ở trong hoàn cảnh nào, mình cũng nên tu trước, rồi ứng dụng vào đó thì trong cuộc sống mình vừa giúp được cho cuộc đời và mình cũng tu được pháp của Đức Phật.

Các vị Bồ-tát, các vị Thánh tăng có khả năng lên Niết-bàn, nhưng Phật khuyên họ không lên Niết-bàn, nên tái sanh lại cuộc đời. Vì cuộc đời này là trường học lớn mà mình học được rất nhiều ở cuộc đời này. Ở trong cái khổ, mình học được cái khổ, ở trong cái khó, mình học được cái khó. Mà có khó mới có khôn, có khổ mới nên thân. Tôi học được bài học này nhuần nhuyễn.

Cho nên các Bồ-tát, Thánh tăng tái sanh cuộc đời này để họ tiếp tục đào sâu thêm bài học lớn này để sau thành Phật.

Cái gì cũng biết, cũng làm được mới thành Phật. Tức làm vua cũng được, làm quan hay làm tướng cũng được, làm dân cho đến làm ăn mày cũng được. Làm cái gì cũng được.

Cho nên trong kinh Bản sinh, Đức Phật nói Ta ở trong nhiều kiếp hiện thân trong đủ các ngành nghề của chúng sanh, nhưng từ trong các loài chúng sanh đó, Ta đi ra, Ta biết hết, đây là bài học mà Phật đã thiết thân thể nghiệm.

Mỗi lần tái sanh trên cuộc đời, các Bồ-tát học được một số việc. Việc thứ nhất là Bồ-tát nghĩ đến Vô thượng Bồ-đề, làm sao trong cuộc đời, hiểu biết của mình nâng đến độ cao nhất có thể được. Cho nên, đối với tôi là học và tu. Học là trên sách vở, tu là trong cuộc sống, hai điều này tác động qua lại để nhìn cuộc đời chính xác hơn. Không làm được điều này thì uổng phí một kiếp người. Đây là bài học lớn mình học.

Thí dụ trong kiếp này, tôi sanh trong gia đình nghèo khổ thì làm sao đi lên đây? Tôi ráng học cho được điều này, chớ không thì ở nhà quê chỉ làm nông thôi. Thật vậy, người nghèo mà an phận thì nghèo suốt đời. Còn nghèo mà làm sang thì chết lập tức.

Thực tế cho thấy có người nghèo vay tiền mở công ty, nhưng thiệt ra vốn không có, tri thức cũng không có thì phá sản như không, ở tù như không.

Nếu mình nghèo có thể làm công nhân, rồi dần dần mình phát triển lên, có thể làm chủ nhân cơ sở nhỏ, dần dần tiến lên công ty lớn, nếu anh là công nhân tài giỏi và tốt.

Trong xã hội, tôi thấy nhiều người xuất thân nghèo, nhưng sau nhờ phát triển tri thức, có tài và có phước nên làm ăn khá lên, trở thành giàu có, thậm chí là tỷ phú. Đây là biết thân phận của mình mà cố gắng phấn đấu đi lên.

Riêng tôi, biết mình nghèo nên tiết kiệm tối đa ba việc là ăn, mặc, ở. Bạn tôi nói ông tu không biết xài tiền, nhưng nhờ không biết xài tiền hoang phí, nên không thiếu hụt, không khổ.

Điều này Phật dạy rằng an phận nghèo, tức chấp nhận cuộc sống của mình và quan trọng là còn phải quy củ tu hành để đi lên, tức sống phải có quy củ, nghèo phải sống kiểu nghèo.

Các Phật tử tu cái gì, làm cái gì? Đầu tiên tu cái tâm mình trước là dập tắt lòng ham muốn bằng mọi cách. Vì lòng ham muốn đưa mình vô chỗ chết. Cho nên tu bắt buộc phải cắt lòng tham.

Tôi thường tập muốn ăn gì thì không ăn, tức tập cắt liền cái ý muốn khởi lên, cho đến cuối cùng, lòng mình không còn ham muốn cái gì thì nó yên, làm cho lòng mình sáng hơn. Còn mang cặp kính tham vô thì nhìn cuộc đời thấy sợ, thấy nguy hiểm, thấy tham là chết. Hết tham thì mình nhìn đời khác rồi.

Cho nên anh làm quan phải tu pháp này, nghĩa là phải dập tắt lòng tham và xét việc cho công minh, đó là anh tu, tu trong công việc làm quan. Còn đi tu cạo đầu như tôi đâu biết cách làm quan.

Vì thế, các Bồ-tát có kiếp làm thầy tu, có kiếp làm quan, làm tướng, làm ăn mày, làm thương gia, tức ở trong đủ các thành phần xã hội, làm sao học được và từ đây đi lên, là tu.

Các Bồ-tát mỗi kiếp ở trên cuộc đời học được một số việc và làm được một số việc công đức, sau thành Phật. Tích lũy công đức từ cứu đời, giúp người.

Phật nói người ta hết lòng với Phật vì các kiếp trước, Phật đã cưu mang, giúp đỡ họ. Phật kể chuyện Phú Lâu Na lãnh đạo các bạn đi buôn trên thương thuyền. Kiếp đó, Phật là võ sĩ hành Bồ-tát đạo, thấy tên cướp định giết Phú Lâu Na để cướp của. Và Phật đã giết hắn, cứu được Phú Lâu Na và các bạn ông.

Cho nên kiếp này, họ thấy Phật, nhận biết Ngài là ân nhân và hết lòng với Phật.

Vì vậy, trên cuộc đời này, quý vị nhìn kỹ, lắng lòng, biết ai là ân nhân, hay là oan gia của mình trong kiếp trước. Nếu là oan gia kiếp trước gặp lại thì họ luôn gây khó khăn cho mình. Nếu họ thương quý mình là biết kiếp trước, mình đã cưu mang, giúp đỡ họ thì họ trả ơn. Nhưng mình có nên nhận hay không?

Phật dạy nếu hưởng thì hết, mà không hưởng thì quả phước đó còn. Mình biết tu, nên nuôi lòng tốt này của họ, để họ sẽ tốt thêm. Nên tái sanh nữa, họ cũng còn muốn trả ơn, vì chưa trả ơn được, tức còn người tốt với mình.

Thể nghiệm lời Phật dạy, tôi thấy mọi việc ân oán trên cuộc đời này xảy ra trước mắt một cách rõ ràng như Phật thường nói giống như thấy trái cam để trên bàn tay, không có gì phải thắc mắc.

Thuở nhỏ, tôi thấy có ông nhà giàu xử sự với người làm rất tệ, nhưng họ vẫn trung thành. Sau này tôi mới hiểu nhờ học lời Phật dạy. Thời gian sau, ông chủ nhận ra người làm quá tốt, nên đã trả thêm lương cho ông. Nhưng ông này cảm ơn, không nhận và không làm nữa, vì họ đã trả hết số nợ mà họ thiếu ông ở đời trước. Họ sanh ra đời này là để trả số nợ thiếu đó và trả hết nợ rồi thì dù có cho thêm tiền bao nhiêu đi nữa, họ cũng dứt khoát rời xa, không muốn làm nữa, còn trước kia bị xử sự tệ mà vẫn làm.

Nhìn cuộc đời, nhận thấy rõ ràng một khi đã hết nghiệp thì không thể làm bạn với nhau được.

Hoặc thực tế cho thấy không ít những cặp vợ chồng làm khổ nhau, vẫn sống chung với nhau, không rời xa nửa bước, đó là sống để trả món nợ tiền kiếp.

Thể nghiệm lời Phật dạy, tôi thấy mọi việc ân oán trên cuộc đời này xảy ra trước mắt một cách rõ ràng như Phật thường nói giống như thấy trái cam để trên bàn tay, không có gì phải thắc mắc.

Những người hiện đời sống với nhau vì có nợ từ đời trước, thì hết nợ, họ bỏ đi là tốt. Nhưng còn ráng tiếp tục đòi thêm nữa thì quá sức chịu đựng, họ sẽ có phản ứng mạnh hơn gọi là tức nước vỡ bờ, biến ân thành oán, chắc chắn phải kinh khủng đáng sợ.

Vì vậy, trong cuộc sống, ráng nuôi điều tốt để làm bạn đời sau. Còn gặp oan gia, họ tiếp tục đòi thì mình có cơ hội nên trả dứt điểm. Trả cho oan gia, nhưng đa số vay nhiều mà trả ít.

Mình nợ lời ăn tiếng nói, nên họ nói xấu mình, mình chửi lại là gây thêm nợ.

Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, tức người tốt với mình, mình làm cho tốt thêm. Người đã xấu, mình cố giải quyết cái xấu này cho bớt lần, đến hết thôi. Điều này dễ, mình chỉ nhịn, họ muốn nói gì cứ nói, nói hoài đến không ai nghe nữa thì hết nói.

Trên bước đường tu, cố gắng bồi thêm việc thiện và giảm bớt việc ác. Và điều thứ ba, cố giữ cho lòng trong sạch, yên tĩnh. Đừng thấy người kính trọng mà sanh lòng vui mừng.

Trong lòng mình, nhớ giữ cho yên tĩnh. Đừng để thương ghét nổi dậy. Khi lòng yên tĩnh, vào thiền được, có thể thấy được Phật và các vị Bồ-tát.

Tin trước

Không thu nhiếp oai nghi

Tin tiếp

Trợ duyên cho việc thực tập